(Thethaovanhoa.vn) - Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài Sputnik, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), bà Elena Manaenkova cho rằng nếu không có các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu thì tới cuối thế kỷ này, nhiều vùng đất sẽ bị ngập trong nước.
- Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu
- Mỹ cân nhắc khả năng tiếp tục tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Theo bà Elena Manaenkova, nếu các nước không hành động, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 8 độ vào cuối thế kỷ này, và mực nước đại dương sẽ dâng cao hơn khoảng 30 mét. Khi đó, nước biển sẽ nhấn chìm các thành phố, sân bay, các tuyến đường sắt và cơ sở hạ tầng khác nằm ở độ cao đúng bằng mực nước biển.
Bà Manaenkova cũng lưu ý yếu tố tích cực của việc ra Tuyên bố Paris về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015, theo đó các nước đồng thuận từ năm 2020 sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) vào khí quyển để giữ mức gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu dưới 2 độ, cũng như nỗ lực đạt tới mức tăng nhiệt độ là 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Phó Tổng giám đốc WMO nhận định khí hậu và thời tiết là hiện tượng toàn cầu. Nếu một quốc gia đốt cháy nhiều than thì sẽ không chỉ nước này phải ảnh hưởng mà các tất cả các nước còn lại. Do đó, tất cả các nước đều phụ thuộc vào nhau, không có đất nước nào có thể làm tất cả những gì họ cho là cần mà không ảnh hưởng tới ai.
WMO mới đây cũng nhấn mạnh thời tiết cực đoan, trong đó có nhiệt độ cao kỷ lục cùng các đợt nắng nóng, hạn hán và mưa bão gây hại, đã hoành hành trong nửa đầu tiên của mùa Hè tại Bắc bán cầu, dẫn tới những tác động trên diện rộng đối với sức khỏe con người, các hệ sinh thái, đồng thời gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp, làm hư hỏng cơ sở hạ tầng và dẫn tới nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề.
Trước đó, báo cáo đặc biệt năm 2012 về các hiện tượng thời tiết cực đoan của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự báo khả năng tổng lượng mưa từ các trận mưa lớn sẽ gia tăng trong thế kỷ này tại nhiều khu vực trên thế giới và thay vì dự báo cứ sau 20 năm, mới có một năm lượng mưa đạt đỉnh cao nhất, thì chu kỳ này sẽ giảm xuống còn 1/5 cho tới 1/15 năm vào cuối thế kỷ 21 tại nhiều khu vực.
Trong mùa Hè này, WMO đã đưa ra hai khuyến cáo về tình trạng hạn hán và nhiệt độ cao bất thường tại châu Âu. Hiện tượng nắng nóng đỉnh điểm cũng xuất hiện tại Nhật Bản với nền nhiệt độ trên 35 độ C được ghi nhận hôm 15/7 vừa qua. Quốc gia Đông Á này còn phải hứng chịu tình trạng lũ lụt và lở đất tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, với rất nhiều kỷ lục mới về lượng mưa hàng ngày bị phá vỡ kể từ ngày 28/6 đến 8/7 vừa qua.
Cũng theo WMO, xét trên quy mô toàn cầu, tháng 6 vừa qua là tháng nóng thứ hai trong lịch sử và chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay đã khiến 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay.
TTXVN
Tags