(Thethaovanhoa.vn) - Nội dung chính của video mang tựa đề Her Vows (tạm dịch: Lời thề ước) là cảnh hai người phụ nữ mặc đồ cưới đang cười và khóc trong hạnh phúc, họ nhìn vào đôi mắt nhau và trao nhau lời nguyện thề đôi lứa trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời.
- Lina Bradford đến Việt Nam thắp thêm lửa cho cộng đồng LGBT
- Từ chuyện Ronaldo bị xúc phạm về giới tính: Cộng đồng LGBT chờ Ronaldo lên tiếng
Youtube vừa phải chính thức lên tiếng trước sự việc này và cho biết “một vài video đã bị dán nhãn không chính xác. Chúng tôi đang hành động và sẽ có các biện pháp giải quyết”. Sau đó vào chiều ngày thứ hai video đã được gỡ bỏ mác “hạn chế người xem”.
Năm 2015, Youtube đăng tải một video về hôn nhân đồng giới nhưng lại liệt vào nội dung giới hạn người xem
Nhiều Youtuber khác, trong đó có Tyler Oakley, một người nổi tiếng trong cộng đồng Youtube và hoạt động mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người đồng tính, cho biết video mang tựa đề “8 Black LGBTQ+ TrailblazersWho Inspire Me” của mình vẫn nằm trong danh sách hạn chế độ tuổi của Youtube.
Nhiều người làm video là người đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới lên tiếng phản đối khi các video của họ bị xếp vào loại “bị hạn chế” trong khi không có bất kỳ một lý do chính đáng nào được đưa ra. Nhóm Tegan và Sara tới từ Canada đã đăng một dòng trạng thái trên Twitter cho biết: “Các video của chúng tôi là Alligator, That Girl (và) U-turn vẫn bị cho vào danh sách hạn chế. Chẳng cái nào chứa "nội dung nhạy cảm" cả, trừ khi họ cho rằng cảnh chúng tôi nhảy cùng nhau là nhạy cảm”.
Nhóm này sau đó đã phản ứng lại trước lời xin lỗi của Youtube, cho biết thêm có lẽ Youtube cần công khai những tiêu chí thế nào là một video “nhạy cảm” và sẽ bị liệt vào nhóm hạn chế.
Lời giải trình của Youtube
Nhãn hạn chế trên Youtube nhằm giúp các bậc cha mẹ, nhà trường và thư viện lọc các nội dung được coi là không phù hợp cho người dùng dưới 18 tuổi. Nếu video bị liệt vào danh sách này thì sẽ không thể truy cập bởi nhiều người dùng. Youtube gọi đó là “một tính năng tùy chọn được sử dụng bởi một lượng người dùng rất nhỏ”.
Người sáng lập Youtube tại Anh Rowan Ellis tuần trước đã đăng tải một video nói về việc những chính sách chưa rõ ràng này của Youtube. Video này sau đó cũng bị liệt luôn vào dạng hạn chế, mặc dù sau đó Youtube đã gỡ bỏ nhãn này cho video. Trong một email gần đây, Ellis nói rằng Youtube cần phải tiếp cận gần hơn đến nhóm người dùng là LBGT và cần phải có lời giải thích thỏa đáng cho việc hệ thống xếp loại của Youtube hoạt động thế nào, tại sao lại “gắn cờ” cho các video đó, đây là một lỗi hay là sự nhắm đến có chủ đích.
Chủ tịch của Youtube sau đó cũng đưa ra lời xin lỗi và cho biết nhiều khi hệ thống làm việc không như mong muốn. Các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook và Twitter phải phụ thuộc vào con người và phần mềm máy tính để kiểm soát các nội dung không phù hợp, chính vì vậy lỗi luôn luôn có thể xảy ra kể cả đối với con người hay máy móc.
Đây không phải lần đầu tiên một tập đoàn công nghệ dính vào rắc rối liên quan đến các nội dung không phù hợp trên mạng. Facebook trước đó đã đối mặt với chỉ trích khi đã xóa bỏ bức ảnh chiến thắng giải Pulitzer có hình bé gái không mặc quần áo chạy khỏi cuộc ném bom napan tại Việt Nam, sau đó hãng này đã phải đăng tải lại bức hình dưới sức ép của dư luận.
Yến Nhi (Theo AP)
Tags