Dù có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng vì sao tình trạng bạo lực học đường tại Hàn Quốc vẫn chưa thể chấm dứt?
Ngày 10/3 vừa qua, bộ phim "The Glory" có Song Hye Kyo đảm nhận vai chính đã chính thức ra mắt mùa hai sau mùa khi mùa một gây được tiếng vang lớn và đạt tỉ suất người xem khủng nhờ nội dung hấp dẫn.
Bộ phim có nội dung xoay quanh việc nạn nhân của bạo lực học đường tìm cách trả thù những người từng bắt nạt mình khi cô trưởng thành. Ngay sau khi được ra mắt, vấn đề bạo lực học đường trong phim đã trở thành đề tài được bàn tán xôn xao, đặc biệt là khi "The Glory" mô tả trần trụi sự tàn bạo của vấn nạn này ở Hàn Quốc.
Đáng chú ý, những hành vi bắt nạt ở trong phim không phải là phóng đại mà bắt nguồn từ chính những câu chuyện có thật và khiến nhiều khán giả cũng phải rùng mình vì sự ngược đãi về thể chất lẫn tinh thần mà những kẻ bắt nạt gây ra cho nạn nhân của họ
Sang đến phần 2 của bộ phim, việc khắc họa nạn bạo lực học đường còn được đào sâu hơn nữa thông qua hành động của chính người trưởng thành và có thẩm quyền. Qua đó phần nào tiết lộ vì sao bạo lực học đường vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm trong xã hội, mặc cho những nỗ lực cố gắng cải thiện tình hình của chính phủ nước này.
Theo đó, việc "The Glory" được đặc biệt chú ý không chỉ là do nó đã làm nổi bật nỗi kinh hoàng khi bị bắt nạt mà còn cả việc nạn nhân bị phớt lờ khi yêu cầu giúp đỡ. Trong phim, nhân vật chính Moon Dong Eun (do Song Hye Kyo thủ vai) đã bắt đầu màn báo thù của mình bằng việc nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ. Tuy nhiên, nỗ lực của cô đã hoàn toàn thất bại khi giáo viên chủ nhiệm đã can thiệp.
Những kẻ bắt nạt cô ấy không chỉ không bị trừng phạt mà Dong Eun còn bị chính giáo viên bạo hành thể xác, từ đó nhấn mạnh đến sự không hiệu quả trong cách vận hành của Ủy ban phòng chống bắt nạt tại Hàn Quốc.
Một trong những vấn đề khiến các ủy ban phòng chống bạo lực học đường ở Hàn Quốc hoạt động kém hiệu quả là do hầu hết các thành viên đều không có chuyên môn pháp lý. Trong đó, quá nửa số thành viên của ủy ban là phụ huynh học sinh, còn lại là còn lại là giáo viên và quan chức từ các văn phòng giáo dục địa phương. Trong mỗi ủy ban thường có 10 thành viên nhưng chỉ có khoảng 2-3 người có chuyên môn pháp lý như luật sư.
Chủ tịch Hiệp hội giáo viên trường học Seoul, Park Keun Byeong, đã tự mình làm sáng tỏ vấn đề này.
"Nhiều chuyên gia pháp lý thậm chí còn không thường xuyên tham dự các cuộc họp của ủy ban vì đó là một vị trí không được trả lương. Họ thường bận rộn với công việc hàng ngày của họ, chưa kể số lượng người thuộc ủy ban cũng không nhiều" - ông chia sẻ với tờ Korean Times.
Vấn đề thứ 2 là vào năm 2021, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định chuyển các ủy ban đến những chi nhánh văn phòng giáo dục địa phương khác nhau. Việc chuyển địa điểm này có nghĩa là các nạn nhân giờ đây sẽ phải báo cáo hành vi bắt nạt cho trường trước và trường sẽ xử lý nội bộ. Nếu như vấn đề quá nghiêm trọng, trường học sẽ tự trình báo lên ủy ban. Quy trình trình báo trải qua nhiều khâu vô cùng phức tạp như vậy được cho là gây khó dễ cho chính các nạn nhân.
Nguyên nhân cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là do ủy ban thiếu thẩm quyền pháp lý. Vì lẽ đó, dù có chứng minh được hành vi bạo lực thì phía bị kiện vẫn có thể kháng cáo và kéo dài thời gian. Đây là điểm mà những kẻ bắt nạt học đường và người giám hộ thường lợi dụng để phản đối quyết định và đưa vấn đề ra tòa.
Do vậy, những kẻ bắt nạt và gia đình họ thường cố gắng kéo dài cuộc tranh cãi đủ lâu để những hành vi xấu của họ không bị ghi vào học bạ. Từ đó giúp những kẻ bắt nạt không gặp vấn đề gì khi tiếp tục học đại học và sống phần đời còn lại với không một vết nhơ.
Tags