Mua vàng có còn là hình thức tích lũy phù hợp?
Phần lớn thế hệ trước khá yêu thích hình thức tích luỹ bằng vàng. Tuy nhiên, điều này không còn phổ biến trong những người trẻ.
Mua vàng từ khi đi làm để phòng thân
Khác với bây giờ, có nhiều loại hình thức đầu tư phổ biến, cách đây chục năm, mọi người gần như chỉ biết đến gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua vàng như là cách để tiền không mất giá, đôi lúc còn giúp "tiền đẻ ra tiền".
Cô Hải (55 tuổi, giáo viên) chia sẻ, "Khi bắt đầu đi làm, kiếm ra tiền, cũng là lúc cô mua vàng như 1 cách để phòng thân, tiết kiệm lâu dài. Cô không mua vàng với mục đích kinh doanh, lợi nhuận mà chủ yếu là để tiền không bị mất giá, và làm quà cho con cái như cái vốn để xây dựng gia đình".
Cũng giống như cô Hải, chị Thanh Thanh (40 tuổi, viên chức) luôn có 1 quỹ vàng tích trữ từ năm 23 tuổi. Chị cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện bán do mua để tích trữ, đề phòng những thời điểm "bão giá", tình trạng tài chính cá nhân không tốt như bây giờ.
Vàng là 1 loại tài sản đã được "đóng đinh" trong đầu nhiều người, nhất là các thế hệ trước là một loại tài sản tích trữ an toàn. Việc giữ vàng được cho là có ít rủi ro hơn, giữ giá hơn so với tiền mặt hay ngoại tệ. Còn các loại tài sản như bất động sản, có giá trị lớn hơn hẳn, không phải ai cũng có đủ tiền để đầu tư. Vì vậy, vàng vẫn giống như 1 lựa chọn an toàn để tiết kiệm lâu dài.
Mặt khác, những người ở độ tuổi 4x hay 5x đều lớn lên và chứng kiến những khủng hoảng trên toàn thế giới và Việt Nam, hiểu được những ngày đói khổ là như thế nào. Do đó, điều họ hướng đến chính là sự an toàn và vàng đáp ứng được những điều đó.
Cô Như Tâm (45 tuổi, y tá) chia sẻ, "Không mong có thể kiểm được lời nhiều, chỉ hy vọng giá trị tiền không mất đi, luôn an toàn. Vàng là loại tài sản có thể dễ dàng quy đổi ra tiền mặt khi cần, dễ lưu giữ, thường tăng dù khá ít, do vậy đủ yếu tố để tích trữ trong thời gian dài".
Quan điểm trái ngược trong giới trẻ
Khác với thế hệ trước, người trẻ ngày nay có rất nhiều hình thức đầu tư mới mẻ, do vậy có nhiều người không cho rằng vàng là tài sản tích luỹ tối ưu với bản thân. Linh Chi (24 tuổi, công chức nhà nước) có quan điểm khá mới lạ. "Mình chẳng có suy nghĩ gì đến việc mua vàng. Lên hay xuống cũng không quan tâm mấy, ít khi theo dõi giá vàng. Xung quanh nhiều người "cuồng" vàng lắm, nhưng ở tuổi chưa lớn cũng không nhỏ này, lương mình còn không đủ ăn. Đối với mình, vàng có dành để tích sản thì cũng chỉ dành cho người giàu thôi".
Giống với Linh Chi, Minh Khanh (26 tuổi, đang làm trong lĩnh vực kế toán) cảm thấy vàng không phải là tài sản tích luỹ với mình. "Từ bé đến giờ mình đều không thích mua vàng. Mình vẫn giữ quan điểm sẽ dành tiền đó để đầu tư chứng khoán và kinh doanh. Đối với mình, vàng chỉ có ý nghĩa chống lạm phát thôi, chứ để tích sản, đầu tư sinh lời thì không lãi được bao nhiêu".
Tuy nhiên, cũng có những người trẻ khá thích đầu tư vàng. Anh Lê (25 tuổi) mỗi năm thường sẽ mua khoảng 5 chỉ - 1 cây vàng để tiết kiệm. Mỗi khi thấy vàng giảm, cậu bạn sẽ mua một ít vàng. Công việc khá bận rộn, không có nhiều kiến thức tài chính, Anh Lê không muốn đầu tư vào những tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu hay góp vốn kinh doanh. Mặc dù lãi có thể không cao như các hình thức khác, vàng vẫn giúp cậu bạn hình thành thói quen tích luỹ hiệu quả, phù hợp với các mục đích tài chính trong tương lai.
Kinh nghiệm tích luỹ tiền bạc
Có một đặc điểm khá thú vị của các cô, các mẹ trong câu chuyện mua vàng chính là dù giá vàng lên hay xuống đều không bán, rất kiên trì trong câu chuyện tích luỹ tài sản dài hạn. Cô Như Tâm có chia sẻ khá hóm hỉnh về trạng thái "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" của các mẹ trước giá vàng lên xuống: "Tâm trạng vững vàng trước những lời "mời gọi" chắc là vì đã vào tuổi trung niên rồi, tài chính cũng ổn định, không ham giàu nhanh, chỉ mong sống vừa đủ thôi, nên tâm mới bất biến". Thường những người bị dao động sẽ là vì coi vàng như là kênh đầu tư ngắn hạn, nhưng các cô các mẹ thì ít khi muốn kiếm lời nhanh.
Bên cạnh đó, theo Thuỳ Dương (25 tuổi), vàng là hàng rào bảo vệ trước sự biến động của nền kinh tế. Do vậy, từ xa xưa, người Việt đã có truyền thống mua vàng để tích trữ vì đây là tài sản thường giữ giá trị tốt hơn nhiều loại tài sản khác. Vàng có thể là công cụ ngừa lạm phát khi mà sức mua của hàng hóa và dịch vụ giảm. Tuy nhiên, để mua vàng theo dạng đầu tư thì khá khó khăn vì cần phải nắm bắt được chu kỳ lên xuống của thị trường. Theo Thuỳ Dương, với người trẻ thu nhập chưa thật sự cao, mua vàng tích lũy trong dài hạn được xem như cách tiết kiệm đơn giản, an toàn.
Tags