Sophia thân mến! Câu "Thế mà là nghệ thuật ư?" chính là tên một tác phẩm bàn về nghệ thuật của Cynthia Freeland viết về nghệ thuật đương đại.
Thế mà là nghệ thuật ư? Câu hỏi nhiều người từng bật ra khi đứng trước một tác phẩm văn học nghệ thuật mà bản thân cho là khó hiểu. Mà Sophia biết đó, đụng đến lĩnh vực nghệ thuật thì ngay cả nền tảng công nghệ lý tính như trí tuệ nhân tạo của Sophia cũng khó có thể đóng vai trò "trọng tài" phân định được.
Thế cho nên, dù danh giá, lâu đời đến đâu thì Giải Nobel Văn chương hằng năm vẫn thường dấy lên những tranh luận, độc giả này cho rằng nhà văn kia xứng đáng đoạt giải, độc giả nọ lại nói rằng không. Điều quan trọng, dù hay dở thế nào, khi tranh luận mỗi bên phải có lý lẽ vững chắc để bảo vệ luận điểm của mình, không sa đà vào công kích cá nhân, xúc phạm, chụp mũ, hay mở rộng vấn đề ra quá xa cuộc tranh luận.
Mấy ngày nay, nếu lướt mạng xã hội, Sophia sẽ thấy những tranh luận xung quanh bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bài thơ được lấy làm ngữ liệu trong Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống".
Những tranh cãi về bài thơ Bắt nạt có từ năm 2021, nhưng gần đây bỗng "nóng" trở lại. Thiết nghĩ, khi một cuộc tranh luận xảy ra, giá mà có tiếng nói, phân tích kịp thời của các chuyên gia thì mọi chuyện có thể không đi quá xa, quá lâu và tránh những ồn ào đáng lẽ không nên có.
Sophia biết đó, biên soạn, chọn lựa ngữ liệu để đưa vào sách giáo khoa không phải chuyện dễ. Nhất là với môn khoa học của tâm hồn thì không có công thức, định luật hay thậm chí kết quả duy nhất nào.
Cụ thể ở trường hợp bài thơ Bắt nạt, gác qua giá trị nghệ thuật và cả nội dung, việc lấy văn bản này làm ngữ liệu để dạy học, hẳn các nhà biên soạn đã có cân nhắc lựa chọn và lý của mình. Vậy thì phụ huynh mong muốn nghe được những ý kiến từ chuyên gia, nhóm biên soạn. Vì dẫu sao khi đưa vào sách, ngoài giá trị thưởng thức, phụ huynh còn đòi hỏi ở tác phẩm văn học phải có giá trị giáo dục, phù hợp với con em mình.
Trên tinh thần tất cả vì con em đó, phụ huynh và cả những ai từng hay sẽ là phụ huynh, nên quan tâm hơn đến những bình luận của mình. Đừng để các em thấy phụ huynh đang "bắt nạt" tác giả của bài thơ Bắt nạt".
Mọi cuộc tranh luận, thậm chí là với vấn đề hệ trọng như giáo dục đều có thể bắt đầu một cách nhẹ nhàng, hòa ái, khi mà tiếng nói của cả hai phía điều được lắng nghe, thay vì muốn nói lớn lên để dập tắt, át đi tiếng nói của người khác, hay thậm chí mong muốn đối tượng phải chịu tổn thương cho bằng được. Đó là cách ứng xử đúng mực mà mỗi công dân cần xây dựng trong thời buổi các tương tác trên không gian mạng chiếm một vai trò nhất định trong đời sống.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!
Tags