(Thethaovanhoa.vn) - Khi được hỏi về những ca khúc mang tính biểu tượng nhất trong sự nghiệp tráng lệ của mình, Andrea Bocelli đã không chần chừ chọn The Prayer, ca khúc ông song ca với Celine Dion. Sự đặc biệt của The Prayer (Lời nguyện cầu) không chỉ nằm ở chính bản thân ca khúc mà còn ở tình bạn lịch sử mà nó tạo nên.
“The Prayer là một khoảnh khắc ân phước vô cùng đặc biệt. Một may mắn đặc biệt trong sự nghiệp của tôi” - Bocelli chia sẻ trên tạp chí GQ.
Thành tựu lớn của các tác giả
Sự nghiệp âm nhạc rực rỡ đã mang tới cho David Foster nhiều biệt danh, từ “người tạo hit” tới “ông vua thật sự của pop” hay vào thập niên 1980 là “bậc thầy của khoa trương làm màu”. Tính nghệ thuật trong âm nhạc của Foster vào lúc này hay lúc khác có thể vẫn là đề tài tranh cãi nhưng thành tựu cuộc đời của ông thì không thể phủ nhận: 16 giải Grammy trong 47 lần đề cử; là nhà sản xuất của những tên tuổi đình đám bậc nhất thời đại gồm: Barbra Streisand, Celine Dion, Kenny G, Toni Braxton, Andrea Bocelli, Whitney Houston, Michael Jackson, Madonna, Jennifer Lopez, Blake Shelton…
Các ca khúc Foster sáng tác trải dài từ nhạc nền cho các thế vận hội thế giới như Winter Games cho Thế vận hội mùa Đông 1988 hay The Power Of The Dream cho Thế vận hội mùa Hè 1996 tới các tình khúc bất hủ như I Have Nothing (Houston), To Love You More (Dion), Goodbye (Air Supply) hay You’ll See (Madonna). Nhưng giữa những hit này, có một ca khúc mà Foster tin rằng sẽ tồn tại rất lâu cả sau khi tên ông đã bị thời gian làm lu mờ, một ca khúc đã vượt lên trên chính ông, một ca khúc có thể làm xoa dịu thế giới trong những ngày tăm tối nhất. Đó là The Prayer.
The Prayer khởi đầu khiêm tốn là nhạc nền của phim hoạt hình âm nhạc năm 1998 Quest For Camelot. Bộ phim- về cô bé Kayley ngày nhỏ mơ thành hiệp sĩ Bàn Tròn giống cha và sau này là người cứu vương quốc Camelot - bị coi là một “thất bại tốn kém” khi tổng doanh thu phòng vé chỉ là 38,1 triệu USD trong khi ngân sách làm phim lên tới 40 triệu USD, điểm phê bình cũng thấp thảm hại. Điểm sáng duy nhất của phim nằm ở chính The Prayer, ca khúc sau đó sẽ thắng giải Quả cầu Vàng và được đề cử giải Oscar cho Ca khúc gốc hay nhất cùng giải Grammy cho Màn cộng tác pop xuất sắc nhất.
Nhưng giờ đây, sau hơn 20 năm, khi người ta đã sớm quên cái tên Quest For Camelot, The Prayer đứng độc lập, sừng sững như một biểu tượng về bình an và cảm hứng. Từ một ca khúc pop, The Prayer nay được các dàn đồng ca hát vang, tên nó đứng trong các danh sách kinh điển nhất, lời ca của nó được trích dẫn trong những bài truyền giáo. Và, khác hẳn với số phận bị ghét bỏ của những ca khúc bị hát quá nhiều, The Prayer luôn được yêu quý, luôn gây xúc động cho người nghe, nhất là vào những thời điểm thử thách.
Bản thân cha đẻ của The Prayer cũng phải nghiêng mình trước đứa con tinh thần của mình. “Đó là ca khúc mà tôi chơi mãi không chán, nghe mãi không chán, và cũng không bao giờ chán nghe mọi người nói với tôi rằng họ thích nó ra sao” - Forster chia sẻ. “Và nó dường như bao hàm nhiều ý nghĩa - những ý nghĩa khác nhau với mỗi người. Nó là một ca khúc đầy sức mạnh. Tôi nghĩ nó đã vượt lên trên tôi, còn ca từ của Carole thì tuyệt đẹp. Khi mọi ồn ào qua đi, nó là ca khúc vô cùng ý nghĩa với tôi. Đây là ca khúc kiểu, không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn sẽ tồn tại lâu hơn tôi. Ca khúc là một khoảnh khắc xác tín”.
Không chỉ là ca khúc yêu thích của Foster, The Prayer còn nâng ông lên một tầm cao mới, là sáng tác gần với cổ điển nhất mà Foster từng viết, là hit xuyên dòng nhạc được trọng vọng tuyệt đối của ông.
Tình bạn giữa Bocelli và Dion
The Prayer được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Italy. Ban đầu, Bocelli và Dion ghi âm 2 bản solo riêng biệt. Nếu mọi chuyện dừng lại ở đó, câu chuyện về The Prayer đã không được thêu dệt thành huyền thoại. May mắn, định mệnh đã đưa ca khúc thành bản song ca giữa 2 giọng ca thuộc hàng đẹp và sâu nhất thế giới. Nó sau đó được phát hành trong cả album Sogno của Bocelli và These Times Are Special Times của Dion.
Nhiều năm sau lần đầu gặp Dion, Bocelli vẫn giữ nguyên vẹn những ký ức đẹp nhất: “Nó là một trong những khoảnh khắc lớn lao và kỳ thú nhất. Bởi vì tôi có cơ hội cộng tác với Celine, người mà tôi rất hâm mộ. Bởi giọng Celine như một nhạc cụ… Một tình bạn lớn giữa tôi và cô ấy đã sinh ra từ cơ hội này và trường tồn tới tận ngày nay. Đó là tình bạn và sự kính trọng lẫn nhau”.
Không chỉ Bocelli hâm mộ Dion, nữ ca sĩ người Canada cũng choáng ngợp trước ông và đã thốt lên một câu đi vào lịch sử, trở thành định danh cho Bocelli. “Celine buột miệng nói ra một ý tưởng có lẽ không phù hợp nhưng sau này đã trở thành một câu nổi tiếng. Tới thời điểm này, nó đã thành lịch sử, tôi có thể nói vậy” - Bocelli bồi hồi nhớ lại. “Cô ấy nói: Nếu Chúa có giọng nói, hẳn giọng Người sẽ như giọng Andrea”. Tôi cho là cô ấy chỉ nói vui vậy thôi. Nhưng câu nói đã lan truyền khắp thế giới và dẫn tới hàng ngàn, hàng ngàn, hàng ngàn câu hỏi về nó”.
Nhưng sự thật đó không phải là một câu “đãi bôi” vui miệng. Trong lần tái hợp với Bocelli trên sân khấu Central Park vào năm 2011, Dion một lần nữa kể về phép màu trong giọng Bocelli: “Thật vô cùng xúc động khi được gặp người đàn ông này, người đã nhắm mắt trong hầu như cả cuộc đời mình. Nhưng ông ấy có cách tuyệt vời để truyền đạt. Anh ấy khiến chúng ta thấy mọi thứ, nghe và cảm nhận mọi thứ theocách của ông. Có ma thuật và tài năng trong giọng ông. Khi Andrea đặt tay lên vai tôi, hay tôi đưa tay cho ông, hay dõi theo ông, đôi khi phép thuật xảy ra và mọi người có thể cảm nhận thấy. Đó là một khoảnh khắc lớn”.Cũng như Bocelli, Dion coi cuộc gặp gỡ với ông năm xưa là món quà lớn mà số phận ban tặng.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan toàn cầu, đôi bạn lớn lại một lần nữa sát lại gần nhau bên ca khúc không thể khác: The Prayer. Nhưng lần này, giai điệu không chỉ là câu chuyện giữa 2 người nữa mà là cả thế giới.
“Trong tình trạng hiện nay, mọi người trên thế giới đang dùng ứng dụng video hội nghị để giao tiếp với nhau”, là thông điệp ở đầu video mới của Bocelli và Dion. “Tôn vinh sự gắn kết toàn cầu mới này, chúng tôi đã mời người hâm mộ cùng trực tuyến và hát theo ca khúc của Andrea Bocelli và Celine Dion, The Prayer”. Sau đó, The Prayer cất lên trên nền là trẻ em, người già, cácmàu da và chủng tộc khác nhau, tất cả cùng hát và giơ thông điệp về lời nguyện cầu trong The Prayer.
Bản thân Bocelli, 61 tuổi, ở giữa tâm dịch Italy,cũng mắc Covid-19 và đã chiến thắng bệnh tật. Sau khi phục hồi, ông mới thông báo cho người hâm mộ để tránh những lo lắng, hoảng loạn không cần thiết. Cũng sau khi phục hồi, ông đã tình nguyện hiến máu để giúp các nhà khoa học tìm ra cách chữa bệnh.
“Xin hãy cho chúng con niềm tin để nhờ đó bình an” -câu cuối trong The Prayer một lần nữa đang lan tỏa khắp thế giới để xua đi những bóng đen sợ hãi.
Elizabeth Taylor vận động cho “The Prayer” được đề cử Oscar Nữ diễn viên gạo cội Liz Smith,thành viên Đế chế Anh, từng kể lại một câu chuyện thú vị về minh tinh Elizabeth Taylor. Là những người bạn thân thiết nhưng Taylor không thường xuyên gọi điện cho bà và lần nào gọi cũng là chuyện trọng đại như “Tới dự đám cưới em nhé” hay “Em rất buồn phải thông báo là em mới ly dị”. Năm 1999, Smith bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Taylor nhưng lần này là về danh ca opera khiếm thị Andrea Bocelli. Taylor là người hâm mộ cuồng nhiệt Bocelli, từng tới Las Vegas để xem ông biểu diễn dịp năm mới. Cuộc gọi này là để vận động cho The Prayer được đề cử Oscar. “Tôi gần như có thể nhìn thấy đôi mắt tím xanh đó lóe lên khi cô nói bằng chất giọng nổi tiếng đó: “Liz, đây là một ca khúc cực kỳ hay và mạnh mẽ. Nó xứng đáng được đề cử”. Taylor, người những năm đó đang sống ẩn dật sau bao chuyện buồn, nhờ The Prayer, đang đam mê sống hơn bao giờ hết. Không rõ ảnh hưởng của Taylor đến đâu nhưng năm đó, The Prayer quả thật được đề cử Oscar. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags