Thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam: Buồn, vui lẫn lộn

Thứ Sáu, 23/08/2024 05:30 GMT+7

Google News

Trong khi người yêu bóng đá cả nước đang chờ đợi theo dõi màn tranh tài của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu Tam hùng sắp đến, khi HLV Kim Sang Sik đã có đủ thời gian và cả những con người tốt nhất để truyền tải được ý tưởng chiến thuật của mình, thì sự lặng lẽ biến mất của đội Gạch Đồng Tâm Long An một thời có lẽ không đem lại chút vấn vương nào.

1. Câu chuyện của đội bóng từng 2 lần vô địch V-League này không hẳn là một chuyện buồn. Việc Công ty quản lý trả đội về cho địa phương chỉ là vấn để về thời gian khi nỗ lực duy trì và lên hạng suốt thời gian qua không đem lại kết quả. Càng để lâu, càng thêm áp lực. Hoàn cảnh như vậy thì kết thúc càng sớm, càng tốt.

Tất nhiên là cái tên của đội bóng khiến người yêu bóng đá cảm thấy xót xa cho sự "biến mất" này. Nhưng thực tế thì phần đẹp đẽ nhất của đội bóng đã ở quá xa, hơn chục năm trước. Sự kỳ vọng về việc trở lại vốn đã không còn nhiều năm gần đây. Nếu nói tiếc nuối, thì đó là chuyện của 10 năm trước chứ không phải bây giờ. Một đội bóng đã trở nên bình thường gần 10 năm thì cũng chẳng có gì đáng buồn khi nó không còn tồn tại nữa.

Thế nên câu chuyện đáng đề cập hơn, đó chính là một CLB có truyền thống như vậy nhưng mất quá nhiều thời gian vẫn không thể trở lại với bóng đá đỉnh cao. Nhìn rộng ra hơn, một vùng đất từng sôi nổi bóng đá chuyên nghiệp như Đồng bằng sông Cửu Long thế mà từ 2016 đến nay mọi thứ chỉ có tàn lụi chứ không thay đổi theo hướng tích cực. Thậm chí, chỉ với một Đồng Tháp hiện tại nằm trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp thì đến một ngày trở thành "vùng trắng" chắc không còn xa.

Mẫu số chung của làng cầu miền Tây đó là rơi từ V-League xuống hạng Nhất, tồn tại một vài năm, rồi biến mất. Gần như không có một cơ hội nào để trở lại với V-League kể cả quyết tâm lớn đến mức nào. Đó là điều rất cần suy nghĩ. Họ có thời gian để làm lại từ hạng đấu thấp, để xây dựng lực lượng từ tuyến trẻ, cũng không có sự cạnh tranh quá gay gắt trong cục bộ để mức phân tán nguồn lực… ấy vậy mà cả vùng đất giàu truyền thống vẫn không thể xây dựng nổi một CLB chuyên nghiệp.

Phải chăng bản chất vấn đề nằm ở chỗ đó? Không phải là chuyện mất bao lâu, nỗ lực như thế nào, mà là các điều kiện để làm bóng đá chuyên nghiệp một cách bền vững. Không hội đủ các điều kiện đó, thì bài học của bóng đá miền Tây quá rõ ràng: Có cố gắng thì cũng không thể. Xem ra, chuyện Đồng Tâm Long An không còn chưa phải là chuyện buồn. Nó chỉ là thời khắc của sự thật.

2. Lấy chuyện bóng đá để nói chuyện thể thao Việt Nam, nhất là sau một kỳ Thế vận hội không thành công. Chúng ta vẫn nói về việc đầu tư trọng điểm, về sự tập trung cho các môn thế mạnh, nhưng dường như chỉ lý thuyết thôi là chưa đủ.

Thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam: Buồn vui lẫn lộn - Ảnh 1.

Thành công của bóng chuyền nữ Việt Nam ở sân chơi quốc tế thời gian vừa qua cho thấy thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra được những đột phá về thành tích ở nước ngoài nếu biết lựa chọn và đầu tư hợp lý. Ảnh: Hoàng Linh

Nếu nói bóng đá chính là "môn thế mạnh" của thể thao Đồng bằng sông Cửu Long có lẽ cũng đúng. Nơi đây từng có 2 nhà vô địch quốc gia, sân bóng thời đó cũng đông khán giả. Có thời điểm đến 3 đội chơi tại hạng cao nhất. Nhưng đến lúc thoái trào thì đến một đội giữ cũng không xong. Bây giờ mà nói, miền Tây không có khả năng làm bóng đá chuyên nghiệp thì nghe thật chua xót nhưng cũng phải chấp nhận. Có như vậy thì thể thao vùng đất này mới quyết tâm chuyển hướng sang đầu tư môn khác.

Đó là điểm mấu chốt. Biết môn thế mạnh là một chuyện, nhưng khả năng đầu tư một cách nghiêm túc cho môn thế mạnh đó, lại là chuyện khác. Các nhà quản lý thể thao chắc chắn biết đâu là những môn phù hợp với thể chất VĐV Việt Nam, môn nào vượt ngoài khả năng đầu tư, môn nào cần tập trung, thế nhưng với nhiều lý do khác nhau, chúng ta vẫn chưa thể tạo lập một nền tảng vững chắc cho các môn thể thao có khả năng cạnh tranh ở tầm vóc châu lục và thế giới.

Nói cách khác, xem môn nào là "thế mạnh" không thể cứ dựa trên cảm tính. Không thể cứ lấy niềm đam mê bóng đá của cư dân, hay truyền thống mấy chục năm, để làm cơ sở đánh giá. Mọi thứ cần được đo lường một cách cụ thể, bằng số lượng người chơi chuyên nghiệp, tỷ lệ "lò" đào tạo trên tổng số dân, mức độ xã hội hóa của các doanh nghiệp địa phương. Sự lụi tàn của bóng đá miền Tây có lẽ cũng vì thiếu cả 3 yếu tố căn bản nói trên. Ít người chơi, yếu khâu đào tạo, thiếu doanh nghiệp tầm cỡ tại chỗ, nên hoay hoay mãi mà không có hướng ra. Mà đã ít - yếu - thiếu như vậy, tốt nhất là đừng cố thêm.

Với thể thao Việt Nam cũng vậy. Khâu tuyển chọn tài năng hiện vẫn đang bó hẹp trong các quy trình cũ kỹ từ trước đến nay. Một khoảng trống quá lớn ở thể thao học đường vẫn còn đó. Hoạt động xã hội hóa thông qua các Liên đoàn, Hiệp hội vẫn chậm chạp, ngoại trừ bóng đá. Khi các điều kiện ấy chưa được giải quyết, kể cả có biết rõ đâu là môn thế mạnh, thì chuyển biến trong việc đầu tư cũng sẽ không thể xảy ra nhanh chóng.

3. Đã đến lúc tư duy làm thể thao chuyên nghiệp Việt Nam cần thay đổi để biến cái Tốt thành Vĩ đại. Nó sẽ bắt đầu từ bảng quy hoạch vùng, môn thể thao bài bản hơn. Thực tế thì có rất nhiều địa phương hầu như không thể phát triển thể thao đỉnh cao, cũng là chuyện bình thường. Không đủ điều kiện làm thể thao nhà nghề, thì cứ làm phong trào. Không thể có CLB chuyên nghiệp, thì cứ tập trung cho đào tạo trẻ … để bán, cũng được thôi.

Việc thi đấu không thành công Thế vận hội vừa qua không hẳn là thất bại về thành tích, mà nên nhìn nhận là chúng ta đang lạc lối trong cách làm đỉnh cao. Làm không tốt thì số lượng VĐV có đẳng cấp thế giới trở nên ít ỏi, năng lực cạnh tranh cũng vì thế ít đi. Như đã thấy, nguồn lực xã hội hóa không thiếu nhưng cũng không nhiều đến mức có thể "phủ sóng" ở mọi nơi, mọi môn thể thao. Đơn cử như các doanh nghiệp "bạo chi" thuộc ngành ngân hàng, lúc thì họ quảng bá qua bóng đá nhưng cũng có lúc tập trung hết vào marathon. "Nắn" dòng chảy ấy vào đâu, tập trung như thế nào, là câu chuyện của quy hoạch vĩ mô. Quy hoạch tốt, thì sẽ có những môn luôn hấp dẫn các nhà tài trợ.

Thực tế cho thấy, có những môn không nằm trong danh mục "trọng điểm" nhưng vẫn tạo ra được những đột phá về thành tích quốc tế như billiards, bóng chuyền… Ở đó, có dấu ấn lớn của quá trình xã hội hóa và yếu tố chuyên nghiệp của VĐV, CLB. Nếu để ý kỹ, thì các môn này đều có cả chiều sâu lẫn bề rộng chứ không chỉ "lung linh" ở phần đỉnh.

Đồng bằng sông Cửu Long thì không có đội đá V-League, trong khi 300 cây số vuông xung quanh Thủ đô Hà Nội thì có đến 6-7 đội và chiếm trọn các chức vô địch V-League 6 năm qua. Những con số này ít nhiều cũng đã nói lên giá trị của sự tập trung trong đầu tư thể thao đỉnh cao.

Thể thao Việt Nam đứng thứ nhất SEA Games, nhưng không thể giành nổi huy chương ở 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp là Tokyo 2020, Paris 2024, trong khi Philippines giành 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ ở Tokyo 2020; 2 HCV và 2 HCĐ ở Paris 2024 để xếp hạng 26 thế giới. Nếu tính riêng tại Thế vận hội Paris 2004 vừa qua, với 5 HCV, 3 HCB và 8 HCĐ, khi các vận động viên Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore bước lên bục vinh quang nhờ những màn trình diễn thuyết phục.Điều này cho thấy các quốc gia Đông Nam Á không để tâm đến giành thành tích cao tại SEA Games. Với họ, xếp hạng thấp ở SEA Games không phải nền thể thao của họ yếu đi mà là chủ trương lấy SEA Games làm "bàn đạp" cho các môn Olympic.

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›