Thể thao đau đầu vì vaccine Covid-19

Thứ Bảy, 06/03/2021 15:41 GMT+7

Google News

Những tưởng có vaccine ngừa Covid-19, các sự kiện thể thao sẽ diễn ra bình thường trở lại nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, ít nhất là với Olympic Tokyo.

Phải tiêm vắc xin mới được dự Olympic Tokyo?

Phải tiêm vắc xin mới được dự Olympic Tokyo?

Các quan chức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vừa bày tỏ mong muốn các quốc gia ưu tiên cho các vận động viên tiêm vắc xin Covid-19 để Thế vận hội Tokyo có thể diễn ra an toàn theo đúng kế hoạch.

 

Tiêm hay không tiêm?

Thứ Hai vừa qua, Denis Masseglia, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Pháp, cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiêm phòng và việc "tổ chức Olympic đang bỏ ngỏ".

Thực tế thì Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng tỏ ra thận trọng hơn trước Olympic Tokyo, dự kiến ​​diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8 tới. IOC khuyến khích việc tiêm chủng cho các VĐV nhưng cùng lúc, họ thừa nhận không thể áp đặt việc tiêm chủng.

Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết sẽ không có "nghĩa vụ tiêm vaccine cũng như ưu tiên cho các VĐV" cho Thế vận hội mùa hè này. Theo ông Masseglia, Bach không thể áp đặt các cuộc kiểm tra "vì lí do pháp lí".

Được biết, Thế vận hội đã nằm trong chương trình nghị sự của Ban điều hành IOC hồi tháng 1 vừa qua. Vấn đề ở đây như ông Masseglia cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến thì “Với những ai không muốn tiêm phòng, việc tham dự (Olympic) sẽ rất khó khăn” và ông cảnh báo về việc "cách li hai tuần" và "xét nghiệm vào các buổi sáng và các buổi tối".

Trong khi chương trình tiêm chủng đang được triển khai trên toàn cầu, các nước hiểu rõ họ cần tập trung vào những đối tượng phải đối mặt với nguy cơ cao nhất, vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu các VĐV đỉnh cao có nên được ưu tiên hay không.

Cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới Bruce Aylward cho biết: “Đây không phải là vấn đề về Olympic mà là về cách chúng ta sử dụng một nguồn tài nguyên khan hiếm để cố gắng chống lại những gì được xem là một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe tàn khốc nhất trong thời đại của chúng ta”.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Bên cạnh đó là câu hỏi về tác động của du khách quốc tế. Tại Nhật Bản, quốc gia đã có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vào tháng 3 này, 1/4 dân số của họ trên 65 tuổi và 12,5% trên 75 tuổi.

Các biện pháp toàn diện

Điều đáng nói là Olympic không phải là sự kiện duy nhất phải đối mặt với những tình huống khó xử như vậy trong lịch thể thao quốc tế vốn liên tục bị điều chỉnh và sắp xếp lại. Ví dụ, sau khi một số người trên 3 chuyến bay đưa các cây vợt đến Melbourne trước giải Australian Open hồi tháng 2 vừa qua cho kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính, chính quyền địa phương đã yêu cầu tất cả mọi người trên máy bay phải cách li 14 ngày. Điều này đồng nghĩa khoảng 72 cây vợt không được tiếp xúc bên ngoài.

Trước đó, Turkmenistan tuyên bố không có trường hợp mắc bệnh Covid-19 nhưng cho biết họ có kế hoạch tiêm phòng cho các VĐV nước ngoài thi đấu vòng loại Davis Cup và tại Giải vô địch đua xe đạp thế giới vào tháng 10. Quốc gia Trung Á cho biết họ sẽ cung cấp vaccine miễn phí và cho các VĐV lựa chọn loại họ muốn.

Quay trở lại với Nhật Bản, họ đang cố gắng cân bằng giữa sự an toàn với việc tiêm chủng bắt buộc.

"Chúng tôi đang xem xét các biện pháp toàn diện để tổ chức một Olympic an toàn và bảo đảm, ngay cả khi không coi vaccine là điều kiện", Katsunobu Kato, Chánh văn phòng Nội các, cho biết.

Chẳng gì thì các nhà tổ chức Tokyo cho biết Thế vận hội đã tiêu tốn 1,64 nghìn tỷ yên, tương đương 15,9 tỷ USD. Trong khi đó, Bach đã gọi Thế vận hội là "ánh sáng cuối đường hầm" cho nhân loại và một số người trong ngành cho rằng Olympic nên phải diễn ra.

Chú thích ảnh
Không ít người không muốn tiêm vaccine Covid

Tương tự, EURO, đáng ra cũng diễn ra vào mùa hè năm ngoái như Olympic, đã được lên lịch vào tháng 6 và tháng 7. Hiện tại, vẫn chưa có quyết định nào đưa ra về việc tiêm chủng và đang có tranh luận về việc có nên tuân theo kế hoạch là tổ chức các trận đấu ở 12 quốc gia hay không.

"Còn quá sớm để đưa ra quyết định", một phát ngôn viên của UEFA cho biết, đồng thời nói thêm rằng chủ đề này sẽ được "xem xét đối với giao thức y tế của EURO".

Rủi ro không cao

Dễ thấy rằng, giữa các VĐV và giới chức thể thao đã có những ý kiến ​​trái ngược nhau. “Chúng tôi là những người khá trẻ, khỏe mạnh nên không có nguy cơ cao nhiễm Covid-19,” VĐV đua xe đạp Paralympic người Anh là Neil Fachie quả quyết. "Nếu chúng tôi được tiêm vaccine thì khi đó tôi tưởng tượng là tôi sẽ đồng ý, nhưng vấn đề là liệu tôi có thực sự xứng đáng hay không?".

Quan điểm đó được chia sẻ bởi VĐV đấu kiếm Max Hartung, người cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban VĐV của Ủy ban Olympic Đức.

Hartung nói: “Sẽ không có VĐV nào nói với một người có nguy cơ sức khỏe cao hơn rằng môn thể thao của họ quan trọng hơn mạng sống của người khác”.

Steve Solomon, VĐV chạy 400m, đội trưởng của đội Olympic Australia, đã tổng kết những tình huống khó xử. “Ưu tiên của tôi là tiêm phòng trước khi đến Nhật Bản”, Solomon nói. “Nếu đến lúc đó mà tôi không được tiêm phòng, tôi vẫn sẽ đi. Tôi tin chắc rằng vaccine cần phải được tiêm trước tiên cho những bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất với virus corona. Các VĐV không phải là một phần của dân số đó".

Và cựu kỉ lục gia marathon thế giới Paul Tergat, hiện là người đứng đầu Ủy ban Olympic Kenya, cũng đồng ý với quan điểm này. Ông nói: “Chúng tôi muốn mọi người đến Tokyo tiêm phòng sớm để họ yên tâm. Càng sớm càng tốt".

Theo ông Masseglia thì tình hình có thể thay đổi vào mùa hè. Ông nói: “Không có vấn đề gì khi các VĐV nên được ưu tiên hơn các nhóm dân số khác, nhưng từ bây giờ đến Olympic, chúng ta có thể cho rằng có thể tiêm phòng cho họ mà không ảnh hưởng người khác”.

Được biết thì tại Nga, Bộ Thể thao tiết lộ họ có kế hoạch "tiêm chủng cho các VĐV của các đội tuyển quốc gia" được ưu tiên cho những người "chuẩn bị tham gia" Thế vận hội. Về lý thuyết, các “đội tuyển quốc gia” của Nga bị cấm tham dự Olympic Tokyo sau phán quyết của Tòa án thể thao (CAS) vào tháng 12/2020.

Tân Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo, Seiko Hashimoto cho biết, nếu tình hình Covid-19 phức tạp và ảnh hưởng đến người Nhật Bản, người hâm mộ nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo. Theo bà Hashimoto, họ sẽ xem xét tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Dù sao thì tại Olympic Tokyo, dự kiến sẽ có 11.000 VĐV và ở Paralympic là 4.400 VĐV, chưa kể hàng chục nghìn HLV, trọng tài, nhà tài trợ, truyền thông và khách VIP.

Mạnh Hào

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›