Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trong 2 năm qua, thể thao và bóng đá thế giới phải đối mặt với những khó khăn, thách thức cực lớn trong lịch sử. Nhưng tất cả chưa dừng ở đó…
1. Khi mà bóng đen của biến chủng Omicron vẫn phủ lên các đấu trường, thì cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, càng khiến làng thể thao, bóng đá thế giới biến động theo chiều hướng tiêu cực với tình hình bất ổn, cùng những án phạt, cấm...
Thể thao Nga (và Belarus – đồng minh của Nga) dĩ nhiên phải gánh hậu quả nặng nề nhất. Đội tuyển Nga đã bị cấm dự World Cup 2022, dù đã bị lọt vào vòng play-off. Spartak Moskva cũng bị loại khỏi Europa League. Không những vậy, hàng loạt Liên đoàn thể thao quốc tế cũng tẩy chay Nga và Belarus. Nặng thì cấm thi đấu hoàn toàn, nhẹ thì không được sử dụng quốc ca, cờ, và phải thi đấu với tư cách trung lập. Dĩ nhiên, những giải đấu dự kiến tổ chức tại Nga, Belarus và Ukraine đều bị hủy bỏ.
Giữa tuần qua, ông chủ người Nga Roman Abramovich đã ngậm ngùi ra quyết định bán Chelsea sau 19 năm gắn bó và biến đội bóng này thành một thế lực ở châu Ấu với gần 3 tỷ bảng đã bỏ ra và mang về 21 danh hiệu (2 Champions League). Lý do thì có lẽ tất cả đều hiểu nó xuất phát cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Các fan Chelsea giờ đang không tránh khỏi âu lo, rằng đội bóng thân yêu của mình sẽ trở thành một MU phiên bản thứ hai.
Cùng với những người dân vô tội, thể thao cũng đang là nạn nhân của xung đột vũ trang. Tài năng trẻ Vitalii Sapylo (21 tuổi) của Karpaty Lviv đã nhập ngũ và trở thành một chỉ huy xe tăng, nhưng thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở gần thủ đô Kiev. Còn Martynenko (25 tuổi), cầu thủ xuất sắc nhất đồng thời Vua phá lưới ở giải hạng Nhì Ukraine mùa trước, thiệt mạng khi trú ẩn cùng mẹ ở căn hộ.
2. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều cái chết tang thương vì xung đột Nga - Ukraine. Nó có thể khiến không ít người đồng cảm với việc thể thao thế giới mạnh tay trừng phạt thể thao Nga. Nhưng phải thừa nhận rằng, chính FIFA, UEFA, cũng như rất nhiều Liên đoàn thể thao thế giới đang đi ngược với chính tôn chỉ mà họ đã đề ra: Thể thao phi chính trị.
Các VĐV Nga có lỗi gì, và có đáng bị trừng phạt trong căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine? Và nếu các đội tuyển thể thao của Nga bị loại khỏi các giải đấu vì xung đột Nga - Ukraine, thì tại sao đội tuyển thể thao của Mỹ và các CLB của họ không phải nhận án phạt tương tự sau những chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan, Libya, Iraq,…? Cần nhắc lại rằng trong quá khứ, FIFA từng cấm CHDCND Triều Tiên và Indonesia thi đấu vì chính trị can thiệp vào bóng đá. Liệu công bằng có tồn tại hay không trong cách hành xử như thế này?
Và sẽ thật không công bằng khi truyền thông thế giới chỉ tập trung chia sẻ, ủng hộ các VĐV thể thao Ukraine nói riêng và người dân Ukraine nói chung, mà không nhắc đến những gì các VĐV thể thao Nga đang phải hứng chịu từ "búa rìu dư luận" của thế giới. Rõ ràng, khi xung đột xảy ra, các VĐV thể thao đều rơi nước mắt.
Thể thao chỉ có ý nghĩa khi giúp xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa người và người. Một khi nó gây ra chia rẽ, lòng thù hận, nhiều hệ quả xấu sẽ xảy ra.
Tuấn Cương
Tags