Sau tấm HCĐ ở Paralympic 2024, Lê Văn Công bảo rằng anh sẽ chữa trị chấn thương và hướng tới Los Angeles 2028. Nhưng rõ ràng, thể thao Việt Nam cần nhiều VĐV như Lê Văn Công hơn nữa.
1. Bất chấp chấn thương chưa bình phục hoàn toàn, Lê Văn Công vẫn giành tấm HCĐ ở hạng cân 49 kg, với mức tạ 171 kg. Thành tích ấy vẫn còn kém xa so với kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic mà chính Văn Công đang nắm giữ, song đó là điều dễ hiểu xét theo thể trạng của anh hiện tại.
Ngay từ khi trước khi tới Paris, Văn Công đã là niềm hy vọng giành huy chương số một của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. Anh là VĐV đẳng cấp thế giới duy nhất trong số 7 VĐV của đoàn TTVN tại Paris. Cũng vì thực tế ấy, Việt Nam cũng chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là đoạt huy chương. Xét về số lượng VĐV tham dự, chúng ta xếp dưới Thái Lan (78), Indonesia (35), Malaysia (28), Singapore (10), chỉ hơn Philippines (6), Myanmar, Lào, và Campuchia (cùng 1 VĐV). Về thành tích, không ngạc nhiên khi Việt Nam đứng thứ 5/8 đoàn thể thao người khuyết tật của Đông Nam Á.
Bên cạnh số lượng VĐV hạn chế tại Paralympic, Việt Nam cũng không có nhiều gương mặt để có thể đặt niềm tin. Châu Hoàng Tuyết Loan, VĐV cuối cùng của Việt Nam thi đấu ở Paris năm nay, là gương mặt thậm chí còn quen thuộc hơn cả Lê Văn Công khi đã góp mặt ở sân chơi này từ… Athens 2004, nhưng chưa từng giành huy chương Olympic. Đặng Thị Linh Phượng, HCĐ ở Rio 2016, vừa trải qua một phần thi không như ý khi xếp 8/9 VĐV ở nội dung cử tạ nữ hạng cân 50 kg.
Những gương mặt còn lại hoặc thiếu kinh nghiệm hoặc không đủ đẳng cấp. Và mục tiệu thực tế của họ khi đến Paris có lẽ chỉ đơn giản là cọ xát, học hỏi, hay đơn giản là "vượt qua chính mình".
2. Tại ASEAN Para Games 2023, Việt Nam xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng huy chương với 66 HCV, chỉ sau Thái Lan và Indonesia, hai đoàn thể thao đã thay nhau nhất toàn đoàn kể từ giải đầu tiên năm 2001. Nhưng chỉ vài tháng sau, ở sân chơi lớn hơn là Asian Para Games 2023, Việt Nam chỉ giành được 1 HCV của kình ngư Lê Tiến Đạt (bên cạnh 10 HCB, 9 HCĐ), xếp thứ 22 chung cuộc.
Tính trong số các đoàn thể thao Đông Nam Á tại Asian Para Games 2023, thì Việt Nam chỉ xếp thứ 6, sau Indonesia (29 HCV), Thái Lan (27), Philippines (10), Malaysia (7), và Singapore (3). Rõ ràng Asian Para Games có độ khó hơn hẳn ASEAN Para Games, và được coi là thước đo sát hơn về mặt đẳng cấp trước khi bước ra sân chơi thế giới như Paralympic. Thành tích ở Hàng Châu có thể coi như lời dự đoán tương đối chính xác cho Paris mùa hè này.
Dĩ nhiên cũng có những khó khăn khách quan, chẳng hạn như việc đội điền kinh và bơi lội gần như chỉ tập chay, hay chấn thương rách vai của Lê Văn Công. Song có một thực trạng là thể thao người khuyết tật Việt Nam khó tìm lực lượng kế cận. Hầu hết các VĐV khuyết tật Việt Nam khi tập trung ở địa phương không có chế độ tiền công, tiền ăn mà chỉ có tiền thưởng khi đạt thành tích, nên họ phải mưu sinh rồi mới chơi thể thao và khó duy trì thành tích.
Trong khi Thái Lan và Indonesia làm rất tốt công tác xã hội hóa thì ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn ngại tài trợ cho các giải thể thao người khuyết tật vì quyền lợi truyền thông nhận lại không nhiều. Trong khi đó, nhiều gia đình có tâm lý không cho con em mình theo nghiệp thể thao vì nghĩ rằng người khuyết tật cần được bao bọc, chăm sóc. Để thay đổi những suy nghĩ ấy là chuyện không hề đơn giản.
Tags