Thể thao người khuyết tật Việt Nam cần tiếp tục tập trung chuyên sâu cho 3 môn mũi nhọn và tìm kiếm lực lượng trẻ để hướng tới mục tiêu giành huy chương ở kỳ Paralympic tiếp theo.
Kết thúc Paralympic 2024, đoàn thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam giành được 1 HCĐ do công của Lê Văn Công ở hạng 49kg môn cử tạ, đây cũng là tấm huy chương duy nhất tại Đại hội. Theo đánh giá của Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh, kết quả này phản ánh đúng thực lực và trình độ của TTNKT Việt Nam so với thế giới.
"Kết quả thi đấu phản ánh chính xác về năng lực của các VĐV khi thi đấu với những VĐV xuất sắc của thế giới. Chúng tôi rất vui mừng với tấm HCĐ thể hiện nỗ lực lớn của Lê Văn Công, còn ở các cuộc thi đấu còn lại, quả thật để giành được huy chương là rất khó khăn khi có sự chênh lệch về trình độ với VĐV các nước dù các VĐV đều nỗ lực hết mình", Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Sự chênh lệch thành tích, theo lý giải của ông Minh trước tiên bắt nguồn từ việc lực lượng của đoàn TTNKT Việt Nam cơ bản đều đã lớn tuổi, nhiều trường hợp gặp những chấn thương mãn tính, gần như không xuất hiện thêm nhân tố mới nên cải thiện nâng cao thành tích để mở ra cơ hội tranh chấp huy chương rất khó khăn.
"Cá biệt như trường hợp của chị Châu Hoàng Tuyết Loan đã 6 lần dự Paralympic, năm nay đã 49 tuổi, việc có mặt tại Đại hội đã là sự cố gắng rất lớn. Hay như chấn thương rách sụn chêm, rách gân vai của Lê Văn Công, kể cả có phẫu thuật thì khả năng trở lại thi đấu cũng rất thấp. Rồi trường hợp bị gai khớp khuỷu tay, cứ nâng tạ quá nặng là bị đau. Nói thế để thấy, bản thân VĐV phải nén đau để tập luyện, thi đấu nhưng giành thành tích cao là rất khó".
Giải quyết bài toán nhân sự đoàn TTNKT Việt Nam trong tương lai gần là điều rất cần thiết. Phải có thêm những gương mặt mới, trẻ hơn và tiềm năng hơn thì mới có thêm hy vọng giành huy chương ở các đại hội quốc tế. Khó khăn lớn nhất là nhiều VĐV TTNKT không muốn tập luyện các môn khó giành huy chương như điền kinh, bơi hay cử tạ.
"Có khoảng trống rất lớn về nhân sự ở môn cử tạ và bơi. Hiện nay, cử tạ nữ gần như không lực lượng kế cận. Môn bơi cũng vậy, đang thiếu hụt các kình ngư trẻ. Phải chấp nhận sự gián đoạn về thành tích trong một giai đoạn nếu không càng về sau càng khó khăn. Tới đây, các nhà chuyên môn sẽ tính toán lại về chính sách để thu hút thêm VĐV ở 3 môn điền kinh, bơi, cử tạ ngay từ hệ thống thi đấu quốc gia", ông Minh cho biết.
Thực tế thi đấu cũng đã chỉ ra, TTNKT tập luyện phong trào có sự khác biệt rất lớn so với đi thi đấu ở các Đại hội quốc tế. Để giành được thành tích tốt, đòi hỏi tập luyện chuyên nghiệp, chăm sóc dinh dưỡng, y tế và chuyên môn như đối với thể thao thành tích cao. Thêm cái khó nữa cho TTNKT Việt Nam là sự thiếu hụt đội ngũ HLV.
"Việc tập trung đội tuyển TTNKT ở các Trung tâm HLTTQG như hiện nay là tốt nhất có thể với điều kiện của Việt Nam nhưng thực tế, vẫn đang thiếu chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm hỗ trợ. Cần tăng cường về phương pháp huấn luyện, áp dụng những kiến thức mới, hiện đại vào công tác huấn luyện để nâng cao thành tích", theo nhận định của ông Minh.
Sau Paralympic 2024, TTNKT Việt Nam vẫn lựa chọn cử tạ, bơi, điền kinh là mũi nhọn để thi đấu quốc tế bởi đây là 3 môn phù hợp nhất với thực lực. Những môn khác như cầu lông, bóng bàn, boccia… có khoảng cách rất lớn, ít hi vọng giành huy chương ngay từ khu vực. Mấu chốt vẫn là phải có thêm VĐV kế cận để đào tạo nâng cao trình độ.
Theo ông Minh, Cục TDTT sẽ làm việc với các địa phương, đặc biệt với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM để rà soát lại các vấn đề liên quan tới đầu tư lực lượng theo hướng căn cơ hơn, tập trung vào mũi nhọn để nâng cao thành tích quốc tế. "Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa và nhà tài trợ, kết hợp với kinh phí của Nhà nước để chăm lo tốt hơn cho VĐV TTNKT trong bối cảnh thể thao Việt Nam nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn.
Đoàn TTNKT Việt Nam giao lưu với kiều bào tại Paris, Pháp
Trước thềm lễ bế mạc Paralympic 2024, Đoàn TTNKT Việt Nam đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng kiều bào tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp vào tối ngày 7/9 theo giờ địa phương. Sự kiện này thu hút sự tham gia đông đảo kiều bào và các hội đoàn tại Pháp và diễn ra trong không khí ấm cúng, tràn đầy tình cảm với lòng yêu mến và cảm phục sâu sắc của kiều bào dành cho các VĐV. Nhiều phần quà tặng có giá trị đã được gửi đến đoàn, trong đó có số tiền 4.100 euro được các cá nhân và tập thể quyên góp và được các gia đình kiều bào, du học sinh, cựu du học sinh nhiệt tình ủng hộ.
Tags