Hôm 26/4, UBND TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao và Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp đã tổ chức lễ khởi công dự án cải tạo, sửa chữa nhà thi đấu (NTĐ) thể dục thể thao Phú Thọ. Đây là công trình chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc sẽ tổ chức tại TP.HCM trong năm 2026.
NTĐ Phú Thọ được xem là công trình lớn nhất, gần nhất được xây dựng mới của TP.HCM kể từ sau ngày Thống nhất. Công trình được khánh thành năm 2002 để phục vụ cho việc tổ chức SEA Games 2003. Đến nay, "trái tim" của thể thao TP.HCM đã xuống cấp nhiều, không thể đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế. Ngân sách dành cho đợt sửa chữa lớn này lên đến hơn 200 tỷ đồng với kỳ vọng sẽ giúp NTĐ Phú Thọ lấy lại đẳng cấp và vị thế của mình như công trình lớn nhất của khu vực phía Nam.
Vị trí tuyệt đẹp giữa lòng thành phố, khuôn viên siêu rộng do là một phần của Trường đua Phú Thọ cũ. Có cả công trình nhà tập luyện nằm bên cạnh và liền kề với trung tâm bơi lội Phú Thọ, có thể nói NTĐ Phú Thọ được quy hoạch để trở thành điểm đến của các sự kiện quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động thường xuyên nhất tại đây là các hội chợ, số lượng các giải đấu quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khuôn viên hoành tráng của NTĐ Phú Thọ cũng chủ yếu phục vụ hoạt động thể dục của cư dân lân cận.
TP.HCM đang "khát" các công trình đẳng cấp, đó là một thực tế. Nhưng một thực tế khác, bất chấp việc NTĐ Phan Đình Phùng bị phá bỏ hơn 10 năm qua, thì NTĐ Phú Thọ vẫn luôn ở trong tình trạng "ế ẩm" các sự kiện thể thao lớn. Đây cũng là nguồn gốc của các tranh luận về việc liệu TP.HCM có cần phải xây mới NTĐ Phan Đình Phùng hay không? Thậm chí từng có ý kiến đề xuất nên "bán" các cơ sở vật chất cũ trong nội đô để lấy tiền xây nhanh khu liên hợp Rạch Chiếc vì "có giữ cũng không dùng".

NTĐ Phú Thọ được kỳ vọng sẽ lấy lại đẳng cấp và vị thế của mình sau quá trình cải tạo, nâng cấp. Ảnh: NTĐ Phú Thọ
Đó cũng là bài toán của thể thao TP.HCM sau 50 năm và kế đến, là sau khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu như dự kiến. Đều là những địa phương có nền thể thao mạnh, việc sáp nhập có thể đưa thể thao TP.HCM trở thành trung tâm số 1 quốc gia khi sở hữu mọi lợi thế để phát triển tất cả các môn thể thao, bao gồm các môn đô thị và trên biển.
Tuy nhiên, nếu xét riêng về cơ sở vật chất thể thao, thì "phép cộng" này chưa có nhiều điểm nhấn. Có sáp nhập thì TP.HCM vẫn sẽ chỉ có các sân bóng đá dưới 20.000 chỗ ngồi, vẫn sẽ không có sân điền kinh tiêu chuẩn quốc tế và cũng chỉ có NTĐ Phú Thọ là địa điểm để tổ chức các sự kiện tầm châu lục – thế giới. Nói cách khác, thành phố sẽ lớn hơn rất nhiều về diện tích, dân số, GDP nhưng thể thao có thể sẽ không có một phép cộng nào cả …
Việc TP.HCM quyết định dành các khoản ngân sách lớn để sửa chữa NTĐ Phú Thọ và sân Thống Nhất cho thấy người làm thể thao biết rõ vấn đề. Như Phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, ông Nguyễn Nam Nhân phát biểu tại lễ khởi công "Hy vọng sau khi cải tạo, sửa chữa, chúng ta sẽ có một nhà thi đấu mới khang trang, hiện đại, qua đó giúp các cấp lãnh đạo cũng như người dân hiểu thêm được tầm quan trọng của các công trình thể dục thể thao. Từ đó việc đề xuất xây dựng, phát triển các thiết chế thể thao trong tương lai được thuận lợi hơn".
Tuy nhiên, làm sao để "lãnh đạo và nhân dân thành phố hiểu" không quan trọng bằng việc tránh cho các công trình càng lớn thì càng ít hữu dụng đến mức "không có cũng không sao". Có như vậy thì khu Rạch Chiếc mới có cơ hội được thành hình cho một TP.HCM to đẹp, phát triển hơn trong tương lai.
Tags