Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã khẳng định vị thế là cái nôi của những thành tựu thể thao rực rỡ. Với bề dày lịch sử hào hùng và khát vọng không ngừng vươn lên, thể thao TP.HCM không chỉ tự hào về những trang sử vàng trong quá khứ mà còn đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng để hướng tới tương lai, đưa thể thao thành phố trở thành một biểu tượng của sự phát triển và hội nhập quốc tế.
Tự hào quá khứ: Một thời oanh liệt
Thể thao TP.HCM từ lâu đã gắn liền với những chiến công vang dội, góp phần tạo nên bản sắc của một đô thị năng động và kiên cường. Trong những năm tháng kháng chiến, tinh thần thể thao được hun đúc từ ý chí bất khuất của người dân Sài Gòn - Gia Định. Những môn thể thao như võ thuật, bóng đá, hay điền kinh không chỉ là sân chơi rèn luyện thể chất mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và lòng yêu nước. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, TP.HCM nhanh chóng trở thành trung tâm thể thao hàng đầu cả nước, nơi hội tụ những tài năng xuất sắc và tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia.
Trong 50 năm qua, điều ấn tượng nhất của thể thao TP.HCM chính là những cột mốc mang tính tiên phong. Không ai có thể quên được hình ảnh xúc động của võ sĩ taekwondo của TP.HCM Trần Quang Hạ khi trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam đoạt HCV tại kỳ ASIAD 1994 được tổ chức ở Hiroshima (Nhật Bản). 4 năm sau, võ sĩ taekwondo Hồ Nhất Thống xuất sắc đem về cho chiếc HCV duy nhất tại ASIAD 1998. Rồi chính thể thao TP.HCM góp công lớn cho huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic khi nữ võ sĩ đại diện cho TP.HCM Trần Hiếu Ngân đoạt HCB tại Olympic 2000 ở Sydney (Australia). Đấy đều là những mốc son của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trần Hiếu Ngân, Trần Quang Hạ và Trần Tuấn Anh những VĐV xuất sắc lứa ban đầu của thể thao TP.HCM. Ảnh: Tư liệu
Sự tiên phong của thể thao TP.HCM trong 50 năm qua không chỉ nằm ở chiều sâu mà còn ở bề rộng. Có những thời điểm cuối thập niên 90, số lượng các CLB bán chuyên nghiệp các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… tại TP.HCM chiếm đến 1/4 thành phần tham gia các giải vô địch quốc gia. Tính đến nay, TP.HCM vẫn đứng hàng đầu về số lượng chức vô địch ở các bộ môn này. Đấy là chưa kể các mô hình xã hội hóa, tiền thân của thể thao chuyên nghiệp đều được áp dụng đầu tiên tại TP.HCM, là nơi ra đời các liên đoàn thể thao cấp địa phương đầu tiên trong cả nước. Và từ đây, các sự kiện lớn bậc nhất của thể thao Việt Nam cũng ra đời, như giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng, sự kiện đầu tiên được chứng nhận mang đẳng cấp châu Á. Hay các giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, Cúp xe đạp Truyền hình TP.HCM… đều là những sự kiện tầm vóc quốc gia và được duy trì bền bỉ mấy chục năm qua.
Nói đến thể thao TP.HCM là nói đến chiếc nôi đầu tiên tại sân Tao Đàn của bóng đá nữ do Trung tâm thể thao quận 1 gầy dựng từ 20 năm trước để giờ đây, đội tuyển nữ Việt Nam với nhiều thành viên nòng cốt từ TP.HCM đoạt vé dự World Cup. Hay từ sân nhà thi đấu quận 8, những chàng trai từ CLB futsal Thái Sơn Nam đã là những trụ cột của đội tuyển Việt Nam đoạt vé dự World Cup lần đầu tiên năm 2016.
Trong thời kỳ đầu khi thể thao Việt Nam hội nhập với thế giới ở thập niên 80, 90 thế kỷ trước, TP.HCM luôn đóng góp lực lượng VĐV đông đảo nhất và đạt thành tích nhiều nhất cho đất nước. Ngay từ đầu, hướng phát triển của thể thao TP.HCM đã tập trung vào những môn cơ bản, có khả năng tranh đua trên đấu trường quốc tế như điền kinh, bơi lội, võ thuật, bóng bàn… Trong các thập niên 80 và 90, TP.HCM trở thành cái nôi sản sinh ra nhiều VĐV xuất sắc cho thể thao Việt Nam.

Thể thao TP.HCM gặt hái nhiều thành công từ tinh thần đoàn kết và vươn lên. Ảnh: Thể thao TP.HCM
Ở bộ môn bóng đá, CLB Cảng Sài Gòn và Hải Quan trở thành những thế lực hàng đầu Việt Nam. Với lối chơi kỹ thuật, đẹp mắt, họ không chỉ mang lại nhiều danh hiệu quốc gia mà còn góp phần nuôi dưỡng những cầu thủ tài năng như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Võ Hoàng Bửu... Ngoài bóng đá, thể thao TP.HCM cũng thống lĩnh nhiều môn thể thao khác với nhiều thế hệ VĐV tài năng.
Thách thức hiện tại: Giữ vững hào quang
Dù có quá khứ huy hoàng, thể thao TP.HCM hiện nay đang đối mặt với không ít thách thức. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các địa phương khác, cùng với sự chuyên nghiệp hóa thể thao, đòi hỏi thành phố phải đổi mới mạnh mẽ để duy trì vị thế dẫn đầu. 10 năm gần đây, thể thao TP.HCM có những sa sút nhất định, đặc biệt là ở phần đỉnh cao. Nhiều môn vốn thế mạnh này không còn giữ được vai trò tiên phong. Sự đóng góp của thể thao TP.HCM với nước nhà cũng đã giảm về tỷ trọng.
Một trong những thách thức lớn nhất là việc duy trì vị thế trong bối cảnh các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Nghệ An… đầu tư mạnh mẽ vào thể thao. Nhiều tài năng trẻ chọn rời TP.HCM để tìm kiếm cơ hội phát triển ở các địa phương có chế độ đãi ngộ tốt hơn, khiến công tác đào tạo và giữ chân VĐV trở thành bài toán nan giải.

Phối cảnh quy hoạch Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (Q.2 - TPHCM)
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi TP.HCM phải có chiến lược dài hơi và hiệu quả hơn. Vấn đề tài chính cũng là một bài toán nan giải. Dù có tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng nguồn vốn đầu tư cho thể thao chưa thực sự ổn định. Nhiều đội bóng đá, câu lạc bộ thể thao gặp khó khăn về kinh phí, ảnh hưởng đến khả năng duy trì và phát triển lâu dài. Hệ thống đào tạo trẻ của TP.HCM cũng cần được cải thiện. So với một số địa phương khác, công tác tuyển chọn và bồi dưỡng tài năng trẻ tại TP.HCM chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thể thao tại TP.HCM, dù đã được cải thiện, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của một đô thị tầm cỡ quốc tế. Các sân vận động, nhà thi đấu phần lớn đã xuống cấp, trong khi các trung tâm đào tạo hiện đại còn hạn chế. Việc đầu tư vào khoa học thể thao, công nghệ huấn luyện hay y học thể thao cũng chưa được chú trọng đúng mức, khiến TP.HCM đôi lúc bị tụt hậu so với các quốc gia phát triển trong khu vực.
Vươn tầm tương lai: Khát vọng và chiến lược
Nhưng điều đáng tự hào nhất của thể thao TP.HCM chính là khát khao thay đổi chính mình. Để tiếp tục duy trì vị thế và phát triển bền vững, TP.HCM đang triển khai nhiều chiến lược mới cho thể thao. Thành phố đang tăng cường kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao, xây dựng các trung tâm huấn luyện đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo và huấn luyện.
TP.HCM đang đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp các cơ sở thể thao hiện đại, như Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, với kỳ vọng trở thành trung tâm huấn luyện và thi đấu tầm cỡ khu vực. Nhận thấy tiềm năng của ngành công nghiệp thể thao, TP.HCM đang hướng tới việc tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế như marathon, giải golf, hay các giải đấu futsal và bóng đá. Hội thảo "Thể thao TP.HCM kiến tạo kinh tế thể thao - đón đầu công nghệ - vươn tầm quốc tế" được tổ chức vào năm 2025 đã khẳng định quyết tâm này. Những sự kiện này không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Công tác đào tạo trẻ cũng được chú trọng hơn, với việc mở rộng hệ thống trường thể thao, liên kết với các học viện thể thao quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, TP.HCM đang hướng đến việc phát triển các môn thể thao thế mạnh như bóng đá, điền kinh, bơi lội, võ thuật… để tạo ra những thế hệ VĐV kế cận chất lượng cao.
Trong bối cảnh đất nước hiện nay nói chung và thể thao nói riêng đều đang đứng trước những thời điểm lịch sử của kỷ nguyên mới, nhìn lại cuộc hành trình 50 năm lớn lên cùng đất nước, xét trên một chiều dài lịch sử đặc biệt của thành phố, thể thao TP.HCM cần luôn ở tư thế sẳn sàng cho chặng đường mới với niềm tin thành công.
Tags