Thể thao Việt Nam 2023: Chọn SEA Games hay chọn ASIAD?

Thứ Bảy, 21/01/2023 04:54 GMT+7

Google News

Một bài toán hóc búa đặt ra với ngành Thể thao trong năm 2023 là lựa chọn đấu trường SEA Games hay ASIAD để chinh phục? Bởi lựa chọn nào thì cũng sẽ dẫn tới sự đánh đổi không "dễ chịu" và chưa chắc làm hài lòng cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ

 Áp lực từ vị trí số 1 ở SEA Games 31

Thể thao Việt Nam (TTVN) giành vị trí số 1 toàn đoàn ở SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào tháng 5/2022 với 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ. Tính về số lượng HCV giành được ở một kỳ đại hội, TTVN đã thiết lập nên một kỷ lục mới, kỷ lục cũ thuộc về Indonesia với 194 HCV tại SEA Games 19 vào năm 1997. 

Ngoài ra, lần đầu tiên, Việt Nam có số lượng HCV lớn hơn 2 lần so với kình địch Thái Lan (92 HCV) ở một kỳ SEA Games. Bất chấp sự cố doping bao phủ và có thể khiến TTVN mất đi ít nhất 5 HCV ở môn điền kinh, SEA Games 31 vẫn được coi là kỳ đại hội có bước tiến vượt bậc về số lượng huy chương, khẳng định vị thế trong tốp đầu khu vực mà TTVN đã dày công giữ vững trong 2 thập kỷ vừa qua.

Đến với SEA Games 32 với vị thế của đoàn thể thao vừa đứng đầu khu vực, liệu TTVN sẽ đặt mục tiêu như thế nào? Trước thềm SEA Games 31, vấn đề thành tích cũng đã từng được đặt ra. Bởi xét trên nhiều phương diện, sự đòi hỏi thành tích chuyên môn sẽ đi kèm với mức độ đầu tư và sự ưu tiên nguồn lực tài chính để đáp ứng. 

Rất nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu Top 3 của các nhà quản lý, các chuyên gia TTVN đã xuất hiện, trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore không còn đặt nặng chuyện "nhất, nhì" ở SEA Games. Cuối cùng, TTVN vẫn đứng ở vị trí số 1, vượt xa chỉ tiêu giành tối thiểu 140 HCV đề ra trước đại hội.

Trên thực tế, việc giành nhiều huy chương ở SEA Games chưa phản ánh đầy đủ và trọn vẹn về sức vươn của một nền thể thao, nhất là khi sân chơi khu vực luôn có sự biến động rất lớn về chương trình thi đấu sau mỗi chu kỳ 2 năm. 

Ngay tại SEA Games 31, TTVN có số HCV nhiều nhất lịch sử và lập 7 kỷ lục đại hội mới ở các môn Olympic như điền kinh (2), bơi (4 kỷ lục) và cử tạ (1 kỷ lục) nhưng hầu hết thông số chuyên môn vẫn còn khoảng cách nhất định với thành tích cạnh tranh huy chương châu lục. Ở những môn TTVN tạo nên sự vượt ngưỡng về huy chương như Judo, Taekwond, Rowing, Canoeing, Thể dục, Bắn súng, Đấu kiếm…, khả năng cạnh tranh ở đấu trường ngoài khu vực vẫn để ngỏ.

(bao tet)Thể thao Việt Nam 2023: Chọn SEA Games hay chọn ASIAD? - Ảnh 1.

Thành công lớn về chuyên môn tại SEA Games 31 trên sân nhà cũng là sức ép mà thể thao Việt Nam cần phải vượt qua tại SEA Games 32. Ảnh: TTXVN

Xuyên suốt 10 kỳ SEA Games từ năm 2003 tới nay, TTVN có một vị trí ổn định trong Top 3 đoàn thể thao dẫn đầu khu vực và nếu như có sự biến động về thứ hạng theo chiều hướng ngược lại (nằm ngoài Top 3), chắc chắn sẽ đem tới nhiều ý kiến trái chiều, không loại trừ cả sự chỉ trích. Dù vậy, nếu đặt mục tiêu nằm trong 3 đoàn dẫn đầu, TTVN sẽ phải "chạy theo" một chương trình thi đấu đầy biến động ở SEA Games với sự thay đổi chóng mặt về số môn, số nội dung.

Bên cạnh đó, sự cắt giảm các môn thi đấu nằm trong chương trình Olympic, ASIAD cũng tác động rất lớn đến sự đầu tư vốn đã eo hẹp và có thể làm gián đoạn sự phát triển thành tích ở mức cao hơn đối với các tuyển thủ không có cơ hội được thi đấu ở SEA Games.

Khó vượt ngưỡng 4 HCV ở ASIAD 19

Đại hội thể thao châu Á ASIAD 19 sau 1 năm bị hoãn vì Covid-19, sẽ diễn ra từ ngày 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Tức là chỉ hơn 4 tháng sau khi tham dự SEA Games 32, TTVN sẽ bước vào một cuộc thi đấu với khó khăn và thử thách lớn hơn rất nhiều. 

Công tác chuẩn bị cho ASIAD 19 trên lý thuyết đã được triển khai từ 2-3 năm trước đây trong một kế hoạch liên thông bao gồm cả các đấu trường như SEA Games hay Olympic như cách TTVN vẫn thực hiện trong nhiều năm qua. Lực lượng VĐV chuẩn bị cho ASIAD gồm 50 VĐV thuộc nhóm trọng điểm của khoảng 18 môn thể thao nhưng trên thực tế, chỉ khoảng 30 VĐV trong số này có khả năng tranh chấp huy chương.

Sau SEA Games 31, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn từng khẳng định, rất khó để TTVN có sự đột phá về thành tích tại ASIAD tới và mục tiêu là giành từ 3 đến 5 HCV. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do. 

Thứ nhất, số lượng VĐV Việt Nam đủ trình độ cạnh tranh huy chương châu lục khá hạn chế. Thứ hai, trình độ chuyên môn của đa phần các VĐV, kể cả các nhà vô địch SEA Games so với đối thủ ở châu lục vẫn còn khoảng cách.

Điển hình như kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, các thông số đạt được ở SEA Games 31 ở nội dung 800m, 1.500m tự do đều thấp hơn so với thành tích của chính mình ở ASIAD 18. Thậm chí kỷ lục SEA Games 31 nội dung 400m tự do của Nguyễn Huy Hoàng 3 phút 48 giây 06 vẫn thấp hơn thành tích của Hagino Kosuke (Nhật Bản) giành HCĐ tại ASIAD vào năm 2018 là 3 phút 47 giây 20.

Một ví dụ như trên đủ cho thấy, để có được 1 tấm huy chương tại ASIAD 19 với những môn thể thao "đo, đếm" được như điền kinh, bơi, cử tạ với TTVN là rất khó khăn. Còn với các môn thi đấu đối kháng thử thách còn nhiều hơn gấp bội, chưa nói đến chuyện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố may mắn như bốc thăm, xếp lịch thi đấu.

(bao tet)Thể thao Việt Nam 2023: Chọn SEA Games hay chọn ASIAD? - Ảnh 2.

Nguyễn Huy Hoàng - Một trong những niềm hy vọng của TTVN tại ASIAD 19 cũng như Olympic Paris 2024. Ảnh: TTXVN

Điều ông Trần Đức Phấn từng chia sẻ rất thẳng thắn sau SEA Games 31, để giành được nhiều hơn con số từ 3-5 HCV ở ASIAD, TTVN cần phải rút gọn hơn nữa số lượng môn để đầu tư, phải có trọng điểm của trọng điểm nhằm tập trung tối đa nguồn lực từ nguồn ngân sách trung ương cho mũi nhọn, từ đó mới có thêm hi vọng. 

Cái khó nhất TTVN hiện nay là phải "gồng gánh" chỉ tiêu thành tích ở các đại hội thể thao có quy mô và chu kỳ khác nhau. SEA Games diễn ra 2 năm 1 lần và xen kẽ giữa đó là một kỳ ASIAD hoặc Olympic. Trong bối cảnh nguồn ngân sách luôn có giới hạn nhất định, việc đầu tư dàn trải cho số lượng ở SEA Games chắc chắn không thể cho ra kết quả tốt về chất lượng khi thi đấu ASIAD hay Olympic.

Câu chuyện của TTVN trước sự lựa chọn SEA Games hay ASIAD có phần rất giống với Ánh Viên trước đây. Kình ngư được mệnh danh "Cô gái thép" có đủ tài năng và tiềm năng vươn đến tầm châu lục nhưng tiếc rằng, việc phải vắt sức để đem về 25 HCV ở 4 kỳ SEA Games khiến giấc mơ giành tấm HCV ASIAD mãi mãi không thành hiện thực.

Đừng quên Olympic 2024

Chưa tính đến rất nhiều giải đấu quốc tế ở các cấp độ khác nhau, TTVN thực sự bận rộn với SEA Games 32 và ASIAD 19 trong năm 2023. Dù vậy, vẫn còn một nhiệm vụ rất quan trọng khác mà ngành thể thao cần chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, đó là các cuộc thi đấu tranh vé tham dự Olympic 2024. Ngay từ trong năm 2022, một số giải đấu tuyển chọn ở các môn như bắn súng, cử tạ, thể dục đã chính thức khởi động và nếu giành thành tích tốt sẽ là cơ sở thuận lợi cho các tuyển thủ có thể sớm giành được vé tới Paris vào mùa Hè năm 2024.

Tại Olympic Tokyo diễn ra vào năm 2021, TTVN có 18 VĐV của 11 môn (bơi, điền kinh, bắn súng, bắn cung, cử tạ, thể dục, cầu lông, Rowing, Taekwondo, Judo, Boxing) giành quyền tham dự song không giành được huy chương. Nguyên nhân dẫn đến thất bại có một phần do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kế hoạch tập huấn và quá trình chuẩn bị của một số VĐV có nhiều hi vọng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến việc không đạt thành tích cao trong thi đấu, đáng tiếc nhất là trường hợp của lực sỹ Hoàng Thị Duyên ở môn cử tạ. Chuẩn bị cho Olympic 2024, số lượng VĐV của TTVN có hi vọng giành vé chủ yếu nằm trong danh sách 50 VĐV trọng điểm. Để hoàn thành mục tiêu có 23 VĐV giành suất chính thức như tại Olympic 2016 cũng đòi hỏi có sự chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng ngay từ thời điểm này.


Phúc Hưng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›