Đó là phát biểu của ông Hà Quang Dự, nguyên bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT sau thất bại của đoàn thể thao VN tại Olympic London.
Theo ông Dự, việc đoàn VN trắng tay tại Olympic London là điều đã được dự báo khi tham dự. Thất bại này một lần nữa cho thấy sự yếu kém của thể thao VN trong công tác định hướng kế hoạch và điều hành thể thao thành tích cao... Muốn cải tổ, ngành thể thao phải xuất hiện những con người dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để tạo bước đột phá. Ông cho rằng có một số việc cần phải làm ngay với thể thao VN.
* Trước khi đi Olympic London, lãnh đạo ngành thể thao VN nói ngành đã làm tất cả những gì có thể cho đoàn VN?
- Đúng là họ đã chuẩn bị tất cả những gì có thể cho đoàn VN, nhưng chỉ là trong 3-4 tháng chứ không phải 3-4 năm để có huy chương Olympic.
Nếu có sự chuẩn bị chu đáo từ đầu thì TTVN có lẽ sẽ không phải nhận những thất bại đáng tiếc như vừa qua
- Họ đã quá bảo thủ, trì trệ và bằng lòng với những gì mình có. Từ sau SEA Games 2003, có vẻ như họ vẫn còn nằm mơ trên chiến thắng và vẫn chỉ tập trung cho mục tiêu SEA Games. Sau chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo VĐV cho mục tiêu SEA Games 2003 do tổng cục trưởng Lê Bửu khởi xướng, người ta đã bỏ quên nhiệm vụ đào tạo VĐV. Từ đó đến nay không có chương trình đào tạo VĐV nào nên thất bại là điều tất yếu.
* Ông nghĩ gì khi sau thất bại tại Olympic, vẫn chưa thấy có lãnh đạo nào của ngành thể thao đứng ra có ý kiến chứ chưa nói chịu trách nhiệm?
- Nói thật, tôi không dám chờ đợi vào phát ngôn nào của lãnh đạo ngành thể thao lúc này. Thắng lợi thì ai cũng hưởng nhưng thất bại thì ai cũng “né” hết nên chẳng ai kiểm điểm được ai. Đừng đổ cho Nhà nước đầu tư ít so với các quốc gia khác vì mặt bằng thu nhập của các nước khác so với VN. Lãnh đạo ngành thể thao phải thấy được trách nhiệm của mình về sự thất bại này. Muốn kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo ngành thể thao về thất bại ở Olympic London, Asiad 2010 và sự đi xuống của thể thao VN, cần phải nghiêm khắc với ngành thể thao may ra mới có những sự thảo luận nghiêm túc, quy trách nhiệm đến nơi đến chốn với từng cá nhân. Còn chúng ta cứ thế này thì cứ nói lên nói xuống cũng chẳng có tác động gì.
* Như ông nói, tương lai của thể thao VN chẳng mấy sáng sủa?
- Thể thao VN khó vượt lên nếu không có một người đứng đầu làm đầu tàu, kéo cả ngành vượt qua sự trì trệ suốt từ sau SEA Games 2003 đến nay. Bây giờ tôi cũng không dám hi vọng ngành thể thao sẽ tổ chức được một cuộc kiểm điểm nghiêm túc, quy trách nhiệm về thất bại chứ không dám mơ tới sự đột phá.
Những việc cần thực hiện ngay
1. Giao quyền tổ chức, điều hành các giải đấu cho các liên đoàn thể thao. 2. Cải tổ công tác tìm kiếm, phát hiện tài năng thể thao. Hiện nay nhiều người không muốn làm tuyến trẻ vì tuyến trẻ không có thành tích, mất thời gian đào tạo dẫn tới chưa có thành tích nên không có huy chương, tiền thưởng. Muốn làm được vậy phải công minh chứ không có kiểu trò anh, trò tôi, cát cứ theo địa phương. 3. Giải quyết bài toán đào tạo. Hiện nay không có bộ môn nào được đào tạo tử tế, lúc trẻ thì tốt nhưng lớn lên thành tích lụi dần. 4. Công tác huấn luyện phải được đổi mới qua việc đưa khoa học kỹ thuật, tin học vào huấn luyện. 5. Nâng cao chế độ dinh dưỡng cho VĐV, bởi hiện nay họ chỉ được ăn no chứ chưa đủ chất và phù hợp với từng môn. 6. Công tác quản lý thể thao thành tích cao cần phải được lập lại trật tự, tập trung đầu tư chứ không dàn trải như hiện nay. |
Theo Tuổi trẻ