Thể thao Việt Nam: Dồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng

Thứ Năm, 23/05/2019 08:33 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ ngày 15/6 tới đây, một loạt đội tuyển trẻ quốc gia sẽ thôi tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG theo quyết định của Tổng cục TDTT. Điều này dù gây ra ít nhiều lo lắng và khiến tâm lý của các tuyển thủ tiềm năng bị xáo trộn song trên thực tế, đây là một quyết định được triển khai theo kế hoạch kể từ đầu năm 2019 đã được phê duyệt.

Phó CT VFF Trần Quốc Tuấn được rút về Tổng cục TDTT

Phó CT VFF Trần Quốc Tuấn được rút về Tổng cục TDTT

Theo thông tin từ Tổng cục TDTT và của chính Phó Chủ tịch (PCT) VFF Trần Quốc Tuấn, hiện Tổng cục TDTT đang làm thủ tục để kết thúc quá trình "biệt phái" của 9 cán bộ của Tổng cục sang VFF theo đúng quy định của Nhà nước.

Dừng tập trung để rà soát lực lượng

Hàng loạt các đội tuyển trẻ quốc gia hiện đang đóng quân tại các Trung tâm HLTTQG trên toàn quốc sẽ thôi tập huấn kể từ ngày 15/6 tới và các tuyển thủ sẽ tạm thời được trả về để địa phương quản lý. Đây không hoàn là một quyết định mang tính thời điểm mà trên thực tế nó đã nằm trong kế hoạch được lãnh đạo Tổng cục TDTT phê duyệt kể từ đầu năm.

Việc thôi tập huấn sau nửa năm tập trung tập luyện, thi đấu là quãng thời gian để các bộ môn của Tổng cục TDTT rà soát lại toàn bộ các vấn đề liên quan tới chuyên môn và đánh giá năng lực phát triển thành tích của từng tuyển thủ ở từng môn. Từ đó, các bộ môn sẽ đề xuất danh sách tập trung đội tuyển trẻ theo kế hoạch mới kể từ ngày 1/9.

“Việc tạm dừng tập huấn từ ngày 15/6 hoàn toàn nằm trong kế hoạch đã được phê duyệt và các bộ môn cũng đã nắm rõ kế hoạch này. Thể thao Việt Nam chuẩn bị bước vào chu kỳ chuẩn bị lực lượng cho 4 năm tiếp theo nên chúng tôi cần có thời gian để đánh giá năng lực của các tuyển thủ, trước khi thực hiện kế hoạch mới. Không có chuyện Tổng cục TDTT tự dưng dừng tập huấn các đội tuyển trẻ vì lý do nào đó, tất cả đều theo kế hoạch đã được xây dựng”, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, chia sẻ.

Đánh giá kỹ hơn về chuyên môn, ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II - Tổng cục TDTT cho biết, trải qua một quá trình tập huấn và thi đấu, quan trọng nhất là phải đánh giá năng lực chuyên môn và khả năng phát triển thành tích của từng VĐV vì đội tuyển trẻ là nơi ươm mầm tài năng.

“Nếu có VĐV nào nằm trong nhóm có thể giành HCV SEA Games hay cao hơn chúng tôi sẵn sàng giữ lại tiếp tục đầu tư, còn không thì phải trải qua quá trình sàng lọc. Ở đợt tới này, những đội tuyển đã kết thúc nhiệm vụ thi đấu thì sẽ trả về địa phương, đội tuyển nào còn thi đấu thì tiếp tục tập huấn”.

Tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh các lý do chuyên môn, việc trả các đội tuyển trẻ về địa phương cũng giúp cho ngành thể thao tiết kiệm được một phần kinh phí để tập trung cho 2 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 là nằm trong tốp dẫn đầu tại SEA Games 30 và giành vé tham dự Olympic 2020.

Trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn còn hạn hẹp (ngân sách nhà nước cấp cho toàn ngành vào khoảng 540 tỷ đồng), việc phải tính toán “cắt chỗ này, giảm chỗ kia” là điều khó tránh khỏi. Việc làm này cũng giống như nhiều năm trước khi thể thao Việt Nam có những nhiệm vụ quốc tế quan trọng.

“Việc tập trung nguồn lực cho các đội tuyển quốc gia phục vụ nhiệm vụ tại SEA Games 30 và giành vé dự Olympic 2020 lúc này là hết sức cần thiết. Tôi không nói là đội này quan trọng hơn hay đội kia quan trọng hơn mà chúng ta buộc phải tính toán nếu kinh phí chỉ có một mức cụ thể nào đấy”, ông Nguyễn Trọng Hổ cho biết thêm.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 30 và các cuộc thi đấu vòng loại Olympic đang được ngành thể thao chuẩn bị ráo riết.

“Kinh phí cho việc tập huấn và thi đấu tại SEA Games 30 và vòng loại Olympic 2020 trong năm 2019 về cơ bản đã được thu xếp ổn thỏa, giờ chúng tôi chỉ tập trung vào các vấn đề chuyên môn”, theo lời ông Trần Đức Phấn.

Như vậy, có thể thấy, trong hoàn cảnh khó khăn, nguồn ngân sách eo hẹp, thực tế kế hoạch tập trung các đội tuyển trẻ bị gián đoạn (kể cả đã được xây dựng từ đầu năm) là việc làm cực chẳng đã. Trong các năm tiếp theo, ngành thể thao cần có tính toán cụ thể và đề xuất xin thêm kinh phí hoặc tìm kiếm các nguồn xã hội hóa để cho các VĐV trẻ có được điều kiện tập luyện đầy đủ hơn.

Các ĐTQG bóng đá trẻ cũng không tập huấn khi không có nhiệm vụ

Không chỉ ở các môn thể thao thành tích cao, các đội tuyển trẻ quốc gia ở môn bóng đá cũng không tập trung thường xuyên, kéo dài mà chỉ tập trung trong thời gian ngắn để làm nhiệm vụ thi đấu. Thực tế này đã diễn ra nhiều năm ngay cả khi bóng đá là môn nhận được nhiều nguồn hỗ trợ từ quảng cáo, tài trợ.

Việc tập trung các đội tuyển trẻ ở môn bóng đá cũng là bài toán hóc búa với Tổng cục TDTT và VFF bởi vấn đề “tiền đâu?” và thường thì kinh phí tập huấn, thi đấu sẽ được ưu tiên cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia làm nhiệm vụ ở các giải đấu quan trọng.

Vũ Lê

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›