Tháng 12 này, TP.HCM sẽ lần đầu tiên đăng cai giải vô địch Teqball thế giới. Ngoài việc thành lập đội tuyển để đảm nhiệm vai trò là đội chủ nhà, TP.HCM cũng là địa phương tiên phong trên cả nước triển khai kế hoạch phát triển phong trào luyện tập Teqball, môn thể thao cũng được xếp vào hàng "mới lạ".
Teqball - Bóng trên bàn cong - được biết đến là môn thể thao được chơi trên một bàn giống môn bóng bàn nhưng có mặt cong, phân cách bởi một tấm lưới nhựa ở giữa và sử dụng quả bóng tương tự bóng đá. Hình dung dễ nhất đó là sự kết hợp giữa bóng bàn, bóng đá và cầu mây. Người chơi dùng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể để chơi bóng (trừ tay), mục tiêu là ghi điểm và không để bóng chạm đất.
Tương tự pickleball, môn thể thao mới này ban đầu có tính chất bổ trợ cho các môn chơi khác, ví dụ như có lợi cho các cầu thủ bóng đá, và mặc dù được biết đến từ lâu thì khả năng trở thành một môn thi đấu đỉnh cao, chuyên nghiệp vẫn còn khá mơ hồ do tính chất "pha trộn" của nó.
Tuy nhiên, Teqball có độ khó về mặt tiếp cận nhiều hơn so với pickleball do kỹ thuật chơi phức tạp và cần bàn thi đấu chuyên dụng. Để chơi môn thể thao này đòi hỏi VĐV phải có những tố chất: nhanh, mạnh, bền, khéo. Bởi việc đá chuyền bóng, khống chế bóng rồi đến những kỹ thuật phát bóng, tấn công 1 chạm, 2 chạm hay dứt điểm trong phạm vi bàn bóng nhỏ không hề đơn giản.
Hồi tháng 5, đoàn công tác của Sở VH-TT TP.HCM đã có chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Hungary và Tây Ban Nha, nơi có phong trào Teqball phát triển nhất thế giới. Từ đó mới định hướng để Teqball trở thành một môn phổ biến cho người dân thành phố. Việc đăng cai giải vô địch thế giới được xem là bước đi quyết liệt của ngành thể thao.
Về lý thuyết, bất kỳ môn thể thao nào cũng được khuyến khích phát triển, qua đó nâng cao đời sống thể chất thông qua sự phong phú lựa chọn cho mọi đối tượng người chơi. Nhưng môn nào cũng có cùng tham vọng, thì đấy là câu chuyện khác, nhất là những môn mới lạ tập trung ở các đô thị đông dân. Thực tế thì mỗi môn thể thao đều có đối tượng tập luyện và đời sống riêng của nó, và người chơi nào cũng muốn môn mình yêu thích được phát triển. Tại Việt Nam, hiện có cả các môn như bóng chày Nhật Bản, hockey trên cỏ….
Nhưng ở góc độ quản lý, thì không đơn giản. Thứ nhất, là yếu tố "sinh tồn" của các môn thể thao. Ví dụ như việc nở rộ môn pickleball đang tạo ra hiện tượng sân quần vợt, sân cầu lông có khả năng chuyển đổi ồ ạt sang sân của môn chơi đang "hot" này. Pickleball có thiếu sân đúng tiêu chuẩn thì không sao, vì cũng mới phổ biến, chứ quần vợt mà không còn sân đạt chuẩn thì rất đáng lo ngại.
Kế đến, có rất nhiều bài học về những môn mới lạ nhưng thiếu qui hoạch và định hướng thì một thời gian "biến mất". Ở Việt Nam từng có giai đoạn môn squash cũng được quan tâm nhiều ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng giờ thì gần như "biến mất".
Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, hàng loạt môn có tính chất Olympic như bóng ném, bóng bàn… phù hợp với tố chất người Việt Nam cũng như không yêu cầu quá nhiều điều kiện đầu tư, lại co xu hướng thu hẹp cả về phong trào lẫn số lượng VĐV đỉnh cao.
Quan tâm phát triển các môn mới đương nhiên là trách nhiệm của các nhà quản lý, như trường hợp của Teqball ở TP.HCM chẳng hạn. Hơn nữa, sự phát triển tự nhiên của các môn chơi cũng phụ thuộc vào sức sống của riêng nó, như với pickleball. Nhưng cũng nhìn từ góc độ quản lý, thì cần phải cân nhắc khi đặt vấn đề về thành tích hay chiến lược nâng tầm để bảo đảm cho tính bền vững của các môn và tránh tình trạng môn này chưa lên thì môn khác lại xuống, hồ hởi với môn lạ nhưng rồi… xa lạ.
Tags