Dù gặp bất lợi khi nước chủ nhà Campuchia loại bỏ nhiều môn thế mạnh của thể thao Việt Nam ở Đại hội thể thao khu vực, nhưng đoàn VĐV Việt Nam vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu Top 3 chung cuộc.
Trong ngày 14/3, Campuchia đã chốt sổ danh sách 37 môn thể thao tranh tài ở SEA Games 32. Môn cuối cùng được bổ sung là Bokator, môn võ truyền thống của Campuchia. Đây là môn võ được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Ngoài nước chủ nhà, Campuchia cũng vận động được 5 quốc gia đăng ký thi đấu Bokator là Việt Nam, Lào, Myanmar, Philippines và Indonesia. Điều này giúp Campuchia hứa hẹn sẽ thu về "mỏ vàng" khi Bokator có tới 16 nội dung thi đấu, tương đương 16 bộ huy chương.
Ngoài ra, Campuchia cũng hứa hẹn sẽ gặt hái thêm những bộ huy chương khác ở các môn võ mà họ có sở trường. Có thể kể thêm môn Kun Khmer, môn võ mà Campuchia tranh chấp với Thái Lan (người Thái gọi là Muay Thái). Thái Lan cũng đã không cử VĐV tham gia tranh tài ở môn thi này và do đó, Campuchia cũng có thể gặt hái thêm nhiều HCV ở môn võ này khi BTC thông báo có tới 19 nội dung tranh huy chương. Môn thể thao truyền thống khác của Campuchia mà các quốc gia khác cũng khó giành HCV với họ là Cờ Ok Chaktrong (Cờ ốc).
Tính sơ, Campuchia có thể đã "nhìn thấy" ít nhất 20 HCV có thể gặt hái được ở kỳ Đại hội mà họ có ưu thế sân nhà tháng 5 tới. Niềm vui của các VĐV Campuchia do đó cũng là nỗi buồn của không ít VĐV Việt Nam, bởi lúc này, chắc chắn nhiều người phải ở nhà để xem SEA Games 32.
Campuchia đã không đưa vào nội dung thi đấu của SEA Games 32 nhiều môn vốn là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam như đua thuyền rowing, kurash, bắn súng, bắn cung, đua thuyền canoeing, thể hình…. Đây là những môn thể thao đã mang về khoảng 1/4 số HCV trong tổng số 205 HCV của đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ Đại hội trên sân nhà năm ngoái.
Ngoài ra, khó khăn còn đến với các VĐV ở môn điền kinh khi kỷ lục 22 HCV (vượt chỉ tiêu đến 8 HCV đề ra trước Đại hội) ở SEA Games 31 rất khó lặp lại. Việc các VĐV của Thái Lan, Philippines được nhập tịch sẽ gây ra trở ngại không nhỏ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, 2 tấm HCV của môn thể thao được chú ý nhất là bóng đá nam và nữ cũng không phải là chuyện dễ dàng khi Việt Nam đã mất ưu thế chủ nhà và các quốc gia như Thái Lan, Philippines được đánh giá cao.
Theo thống kê, đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 đã giành tổng cộng 119 HCV ở 17 bộ môn sẽ có mặt tại Olympic Paris 2024, chiếm 58% HCV của cả Đoàn. Tuy nhiên, con số này ở Campuchia có thể sẽ bị giảm sút đáng kể.
Để thích nghi với điều kiện mới, các VĐV Việt Nam đã phải tự điều chỉnh bản thân. Nhiều VĐV vốn xưa nay trung thành với Muay Thai đã sẵn sàng thi đấu môn Kun Khmer. Ngoài ra, các VĐV đua thuyền cũng có thể chuyển sang đua thuyền truyền thống.
Tại SEA Games năm nay, đoàn thể thao Việt Nam dự kiến tham dự 30/37 môn. Mục tiêu của đoàn là giành khoảng 100 HCV (chưa bằng một nửa số HCV như Đại hội năm ngoái) và lọt Top 3 toàn đoàn. Tổng cộng, có gần 1.000 HLV, VĐV sẽ lên đường đến xứ Chùa Tháp để đua tài cùng bạn bè khu vực. Trong đó, có khoảng 700 VĐV.
Theo kế hoạch, SEA Games 32 khởi tranh vào ngày 5/5 tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Môn bóng đá nam sẽ khởi tranh đầu tiên vào ngày 29/4/2023.
Dự kiến, vào ngày 22/3, ngọn đuốc SEA Games 32 sẽ đến Việt Nam trong hành trình đi qua các nước trong khu vực. Sau đó, lễ rước đuốc chính thức diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/3.