Ít nhất 2 VĐV thuộc đội tuyển điền kinh quốc gia đang giải trình và có thể phải tiến hành xét nghiệm mẫu B để xác định có sử dụng chất cấm trong cuộc thi đấu tại SEA Games 31 hay không, sau khi mẫu A cho kết quả dương tính. Và nếu nhìn lại những trường hợp từng vi phạm trong quá khứ, không quá khi khẳng định - Doping thực sự đã trở thành nỗi nhức nhối của thể thao Việt Nam và đòi hỏi các nhà quản lý cần mạnh tay để xóa bỏ tình trạng này.
Chờ kết quả mẫu B, nhưng....
Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính đối với mẫu A trong cuộc thi đấu tại SEA Games 31, 2 VĐV thuộc đội tuyển điền kinh quốc gia đang phải giải trình và có thể sẽ tiến hành xét nghiệm mẫu B để có được kết luận cuối cùng về việc có sử dụng chất cấm trong danh mục của Cơ quan phòng chống Doping thế giới (WADA) hay không?
Theo quy định quốc tế, việc có xét nghiệm mẫu B hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của VĐV đã có kết quả dương tính với mẫu A. VĐV cũng có quyền thay đổi phòng lab xét nghiệm mẫu B thay vì phòng lab đã xét nghiệm mẫu A và chi phí cho việc xét nghiệm mẫu B sẽ do VĐV chi trả hoàn toàn.
Nếu như tiến hành xét nghiệm mẫu B, để đảm bảo tính khách quan VĐV sẽ đích thân để mở niêm phong mẫu B được lưu ở phòng lab tại Thái Lan hoặc có thể ủy quyền bằng đơn cho người đại diện để mở niêm phong. Người đại diện có thể do VĐV đó chỉ định từ Việt Nam hoặc là nhân viên phòng lab.
Chi phí cho việc xét nghiệm mẫu B cũng sẽ cao hơn mẫu do là mẫu đơn lẻ, ước tính cao nhất vào khoảng 400 USD, ngoài ra, còn chi phí đi lại, lưu trú tại Thái Lan cho người đại diện hoặc cho chính VĐV có yêu cầu. Thông lệ cho thấy, thường khi có yêu cầu xét nghiệm mẫu B, đích thân VĐV có mẫu A dương tính sẽ tự mình mở niêm phong mẫu B.
Theo thông tin mà Thể thao &Văn hóa có được, 2 VĐV của đội tuyển điền kinh Việt Nam vẫn đang trong thời gian giải trình và có thể ủy quyền cho người đại diện mở niêm phong mẫu B tại Thái Lan. Ngoài ra, vì chưa có kết luận chính thức về sự việc này, ngành thể thao và đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 cũng chưa công bố danh tính VĐV có kết quả dương tính với mẫu A.
Trong trường hợp hoàn tất các thủ tục để xét nghiệm mẫu B, sau từ 7 đến 10 ngày kết quả sẽ được phòng lab cập nhật lên hệ thống quản lý dữ liệu về phòng chống Doping của WADA (ADAMS) và đây là kết quả cuối cùng. Kết quả này được cập nhật tới các tổ chức quốc tế liên quan đến môn thể thao mà VĐV thi đấu và quốc gia có VĐV yêu cầu xét nghiệm. Quy trình thì là vậy, nhưng với hầu hết các trường hợp đã dương tính đối với mẫu A, thì mẫu B cũng cho kết quả tương tự!
Trước đó tại SEA Games 31, Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 910 VĐV của 11 đoàn thể thao dự đại hội, căn cứ trên 2 yếu tố: Giành thành tích cao trong thi đấu và VĐV có nguy cơ sử dụng doping. Các mẫu thử này sau đó được đưa tới phòng lab Thái Lan để kiểm tra và kết quả được cập nhật trên hệ thống ADAMS của WADA.
Bóng ma doping
Nghi án doping tại SEA Games 31 đang trở thành nỗi nhức nhối với thể thao nước nhà, khi có những thông tin cho rằng, số mẫu A có kết quả dương tính là 6 nhưng ngành thể thao không xác nhận do chưa có thông tin chính thức. Dù vậy, với 2 mẫu A có kết quả dương tính, khả năng có VĐV Việt Nam sử dụng chất trong danh mục bị cấm là rất cao.
Thống kê trong quá khứ, kể từ SEA Games 22 được tổ chức vào năm 2003, Thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp bị phát hiện sử dụng chất cấm trong danh mục của WADA đã phải nhận án phạt tiền và cấm thi đấu của các tổ chức quốc tế. Số VĐV này nằm ở các môn cử tạ, thể hình, lặn, Canoeing, Futsal, Boxing và thể dục dụng cụ. 2 trường hợp mới bị phát hiện ở SEA Games 31 là lần thứ 2 ở môn điền kinh.
Trong giải trình của các tuyển thủ dính doping đã phải nhận án phạt, đa phần nguyên nhân đưa ra là do thiếu hiểu biết, tự ý sử dụng các loại thực phẩm (đồ uống) hoặc tình cờ sử dụng thuốc điều trị bệnh nhưng không tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế thể thao hoặc không thông báo cho Ban huấn luyện biết.
Trường hợp nhận được sự cảm thông nhiều nhất là Đỗ Thị Ngân Thương khi tham gia thi đấu thể dục dụng cụ tại Olympic 2008. Dù xếp hạng cuối cùng trong phần thi đấu song do dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân, VĐV này đã phải nhận án cấm thi đấu 1 năm và sự việc của Ngân Thương được giới chuyên gia gọi là “sai lầm sơ đẳng” của thể thao Việt Nam.
Cũng có những VĐV Việt Nam đã phải nhận án phạt rất nặng như trường hợp của lực sỹ Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh ở môn cử tạ với 5.000 USD tiền phạt và cấm thi đấu 4 năm do sử dụng chất cấm nhằm gian lận thành tích vào năm 2019. Thậm chí, cử tạ Việt Nam còn bị Liên đoàn Cử tạ thế giới đưa vào nhóm bị giám sát đặc biệt khi tham dự các giải quốc tế.
Trên thực tế, dù bất cứ với nguyên nhân nào, mục đích sử dụng chất cấm của các VĐV có nhằm gian lận thành tích hay không, bóng ma doping đang khiến hình ảnh của thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên đấu trường quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh, Việt Nam đã ký kết Tuyên bố Copenhagen công nhận tổ chức WADA và Bộ Luật Thế giới về chống chất kích thích.
Ngay trước thềm SEA Games 31, thông điệp “Say no to doping - Nói không với chất cấm” và “Play true - Thi đấu trung thực” cũng đã được Tiểu ban Y tế và kiểm tra Doping của đại hội phát đi với mong muốn nâng cao nhận thức của các VĐV, HLV về phòng chống doping.
Việc xử lý, kỷ luật các trường hợp sử dụng chất cấm là việc bắt buộc mà thể thao Việt Nam phải làm nhằm tuân thủ quy định quốc tế. Và để giảm thiểu tối đa trường hợp sử dụng chất cấm và tiến tới xóa sạch bóng ma doping, thể thao nước nhà cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, tuyên truyền và quy trách nhiệm rõ ràng khi có trường hợp sử dụng chất cấm bị phát hiện.
Quy trình xử lý VĐV sử dụng doping tại Sau khi kết quả cuối cùng về mẫu thử của VĐV được cập nhật trên hệ thống quản lý dữ liệu về phòng chống Doping của WADA (ADAMS), nếu VĐV bị kết luận vi phạm Luật phòng chống Doping, việc xử lý sẽ được tiến hành theo quy định của Ban tổ chức SEA Games 31, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á căn cứ vào các điều khoản trong Bộ luật phòng, chống Doping thế giới được áp dụng từ 1/1/2021. Trước đó, kết quả xét nghiệm mẫu A sẽ được Hội đồng Quản lý kết quả của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping SEA Games 31 xem xét làm cơ sở để tiến hành quy trình xử lý. Hội đồng này bao gồm 5 thành viên và Việt Nam có 3 đại diện. Hội đồng có trách nhiệm xem xét hồ sơ xét nghiệm, đơn miễn trừ do điều trị của VĐV (nếu có), các căn cứ khác (nếu có) để đưa ra thông báo lần đầu, yêu cầu VĐV tự nguyện xét nghiệm mẫu B và/hoặc giải trình về việc xuất hiện chất cấm trong mẫu thử. Tiếp đó, trên cơ sở kết luận của Hội đồng Quản lý kết quả thuộc Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping, cùng với các tài liệu liên quan, báo cáo giải trình của VĐV…, Ban tổ chức SEA Games 31 và Liên đoàn Thể thao Đông Nam sẽ kết luận về hành vi vi phạm, đánh giá về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và đề xuất hình thức xử lý vi phạm. Trong tiền lệ, các trường hợp sử dụng doping ở các kỳ SEA Games hoặc các đại hội thể thao quốc tế khác đều bị tước huy chương, hủy bỏ thành tích thi đấu. Ngoài ra, VĐV sử dụng doping còn có thể bị phạt tiền và cấm thi đấu tùy theo mức độ khác nhau căn cứ vào quy định của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế. |
Vũ Lê
Tags