(Thethaovanhoa.vn) - Có ý kiến cho rằng đoàn Thể thao Việt Nam vừa trải qua một kỳ ASIAD dù không thành công về số HCV như mục tiêu đặt ra nhưng bù lại là bước tiến ở một số môn thể thao Olympic và có tới 6 môn lần đầu giành huy chương ở đấu trường châu lục.
Xét dưới một góc độ nào đó, điều này đúng, nhưng để tiến bộ và vươn ra những đấu trường còn lớn hơn ASIAD thì thể thao Việt Nam không thể tự hài lòng với điều đó.
Trong ngày thi đấu áp chót của ASIAD 17, trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí Việt Nam tác nghiệp tại Incheon (Hàn Quốc), Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lâm Quang Thành khẳng định: “Phải nói rằng, các vận động viên (VĐV) đã được chuẩn bị rất nghiêm túc. Chúng ta có tới 6 môn lần đầu tiên đoạt được huy chương ở đấu trường châu lục. Đó là xe đạp, boxing, bơi lội, đấu kiếm, cử tạ và thể dục dụng cụ. Một trong những yếu tố mà đoàn thể thao Việt Nam đã thể hiện được trong kỳ Á vận hội lần này, đó là sự nỗ lực và cố gắng hết mình. Nỗ lực đó được cụ thể bằng 36 huy chương, trong đó có 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ”.
“Lượng” chưa thể đổi thành “chất”!
Thông tin kể trên của Trưởng đoàn thể thao Việt Nam khá trùng khớp với ý kiến của Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang khi cho rằng từ “đồng” chúng ta có thể biến thành “bạc” hay “vàng” sau này. Những phân tích mang tính dự báo như vậy không sai nhưng để trở thành hiện thực không đơn giản.
Nhìn vào bảng tổng sắp huy chương chung cuộc tại ASIAD 17, đoàn thể thao Việt Nam với 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ, đứng thứ 21. Nếu tính tổng số huy chương là 36 thì đoàn thể thao Việt Nam ngang bằng thành tích với đoàn thể thao CHDCND Triều Tiên xếp hạng 7 chung cuộc. Thế nhưng, trong khi các thành viên đoàn thể thao Việt Nam luôn phải thi đấu trong tâm trạng khắc khoải chờ “vàng” thì đoàn CHDCND Triều Tiên dù có 36 huy chương các loại nhưng con số này trải khá đều là 11 HCV, 11 HCB, 14 HCĐ.
Nếu chỉ tính riêng trong khu vực Đông Nam Á thì đoàn thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 6, sau Thái Lan (12 HCV, 7 HCB, 28 HCĐ), Malaysia (5 HCV, 14 HCB, 14 HCĐ), Singapore (5 HCV, 6 HCB, 13 HCĐ), Indonesia (4 HCV, 5 HCB, 11 HCĐ), Myanmar (2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ). Chi tiết hơn, tấm HCV duy nhất mà đoàn thể thao Việt Nam gặt hái được tại kỳ ASIAD 17 thuộc về nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi mà wushu lại không thuộc hệ thống các môn thi đấu cơ bản của Olympic.
Không thể đánh giá huy chương nào quý hơn huy chương nào nhưng dẫn chứng trên đây cho thấy, thành tích mà các VĐV Việt Nam đoạt được tại ASIAD 17 chưa phản ánh đúng thực chất, đồng thời cũng cho thấy, chúng ta có thể phát triển bề rộng khá tốt nhưng khi đầu tư trọng điểm, tập trung ở một, vài môn, những gương mặt VĐV tiêu biểu thì lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đầu tư phải đúng và trúng
Ánh Viên đã lần đầu tiên mang về huy chương cho bơi lội Việt Nam ở đấu trường Á vận hội. Quách Thị Lan cũng giành HCB nội dung chạy 400m nữ, chỉ chịu về sau VĐV người Nigeria mới nhập tịch hồi đầu năm 2014 để thi đấu trong màu áo Bahrain.
Đây là hai trong số những trường hợp được đầu tư có trọng điểm, với sự kết hợp của Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản để tập huấn dài hạn ở nước ngoài, đến những môi trường tiên tiến nhất và kết quả thu lại đã phần nào làm thỏa mãn nhiều người. Tuy nhiên, Quách Thị Lan hay Ánh Viên chỉ là hai trong số ít những VĐV thuộc diện tài năng trẻ của thể thao Việt Nam được hưởng những ưu đãi đặc biệt ấy vì trong điều kiện nền kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay, chúng ta không thể có một nguồn kinh phí khổng lồ để đầu tư cho hàng loạt VĐV theo kiểu “nuôi gà nòi” như vậy. Hơn nữa, trong khả năng của mình, Nguyễn Thị Ánh Viên hay Quách Thị Lan, thậm chí cả những cái tên khác nữa hoàn toàn có thể giành thêm những tấm huy chương khác, thậm chí là HCV cho đoàn thể thao Việt Nam nếu được đầu tư bài bản, khoa học và có một lộ trình hẳn hoi.
Từ ASIAD 17, việc xác định lại hướng đi cũng như mức độ đầu tư cho các tài năng của thể thao Việt Nam là việc cần thiết và phải làm thật chính xác, tỉ mỉ và nghiêm túc. Đây là trách nhiệm của ngành thể thao khi tiến hành tổng kết quá trình thi đấu của ASIAD 17. 4 năm nữa một kỳ ASIAD nữa lại diễn ra tại Indonesia, hai năm nữa, thể thao Việt Nam lại đến với một đấu trường còn lớn hơn thế, đó là Olympic tại Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016. Thời gian không còn nhiều để chuẩn bị và có những sự đầu tư kịp thời, đúng hướng. Thể thao Việt Nam cần nhiều hơn nữa những Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Quách Thị Lan (điền kinh) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) thì mới giải tỏa được cơn “khát vàng” như ở Incheon tháng 9 vừa qua.
Từ khi tham dự đấu trường ASIAD năm 1982 đến nay, sau 32 năm, thể thao Việt Nam mới chỉ có tổng cộng 11 HCV, thua cả thành tích 12 HCV riêng của đoàn thể thao Thái Lan tại kỳ ASIAD 17. Đó hẳn là con số biết nói và những người làm công tác thể thao phải suy ngẫm.
Nhìn vào thất bại để chỉ ra nguyên nhân, mong một ngày tiến bộ, trưởng thành hơn, đó cũng là điều nên làm lắm chứ!
THÀNH TÍCH CỦA VIỆT NAM TẠI ASIAD 17 HCV: Dương Thúy Vi (wushu). HCB: Nguyễn Hoàng Ngân (karate), Bùi Trường Giang (wushu), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Đặng Hồng Hà - Nguyễn Thị Lệ Quyên (bắn súng), Nguyễn Hoàng Phương (bắn súng), Phạm Thị Huế - Phạm Thị Thảo - Phạm Thị Hài - Lê Thị An (đua thuyền), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh). HCĐ: Nguyễn Thanh Duy (karate), Lê Thị Bằng, Lừu Thị Duyên (boxing), Nguyễn Tiến Nhật (kiếm chém), Nguyễn Phước Đến - Phạm Hùng Dương - Nguyễn Tiến Nhật - Trương Trần Nhật Minh (đồng đội kiếm chém), Đinh Phương Thành, Đặng Nam, Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Tạ Thanh Huyền, đồng đội thuyền bốn người (rowing), Dương Thị Xuyến - Lê Thị Tâm - Nguyễn Thị Quyên/cầu mây đội tuyển, 25m súng ngắn ổ quay đồng đội, 50m đồng đội súng ngắn hơi nam, 25m súng ngắn hơi nam, 10m súng trường hơi di động nam/nữ, Ánh Viên: 200m ngửa/ 400m hỗn hợp, Phạm Thu Hiền, Hà Thị Nguyên (taekwondo), Nguyễn Thanh Tùng - Nguyễn Mạnh Quyền - Ngô Văn Sỹ - Tần Thị Ly (wushu). |
Lâm Chi
Thể thao Văn hóa cuối tuần
Tags