(Thethaovanhoa.vn) - Olympic 2016 ở Rio (Brazil) đã kết thúc mà ở đó thể thao Việt Nam ghi được dấu ấn lịch sử, để cho sân chơi này trở nên gần gũi hơn với người hâm mộ Việt Nam. Nó có những ý nghĩa đặc biệt đối với chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam.
- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 'Đầu tư kiểu này thành công như Hoàng Xuân Vinh là phi thường'
- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh mất ngủ vì HCV của Hoàng Xuân Vinh
- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 'Kỳ vọng Vương Thị Huyền và Hoàng Xuân Vinh'
1. Thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành được thắng lợi to lớn nhất, vinh quang nhất trong một kỳ tham dự Olympic Games tại Rio 2016. Bắn súng Việt Nam với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã lập nên kỳ tích với 1 HCV, 1 HCB và lập kỷ lục Olympic mới ở nội dung 10m súng ngắn hơi.
Trong thể thao thành tích cao, sáng tạo kỷ lục quan trọng hơn và có giá trị hơn huy chương. HCV là phần thưởng trao cho người đứng đầu trong những người tham gia cuộc thi, còn "kỷ lục" là dấu mốc phát triển, sáng tạo phi thường, là thách thức tất cả những ai đang và sẽ tham gia đua tranh.
Thành tích của Xuân Vinh là đỉnh cao trên một nền tảng ấn tượng khác khi TTVN lần đầu tiên có hơn 20 (23) VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại, đạt tiêu chuẩn chính thức tham dự Olympic. Chúng ta có VĐV tham dự ở những môn truyền thống Olympic như điền kinh, bơi lội, TDDC, cử tạ, bắn súng, vật, judo… Và điều đáng mừng khác là thuyền rowing, đấu kiếm, những môn thể thao hiện đại đòi hỏi sự phát triển cao của thể hình, thể lực và kỹ thuật phức tạp, thì chúng ta cũng vượt qua hàng loạt các cuộc đua tranh cấp châu lục, thế giới để tranh tài ở Olympic. Cũng cần nói thêm là các môn này trước kia thì các "lý luận cổ điển" của một số nhà quản lý thể thao từng cho rằng những môn này "không phù hợp với người Việt Nam"?!
Kỳ tích giành 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 là động lực thúc đẩy sự phát triển của Thể thao Việt Nam.Ảnh: ISSF
Sau thắng lợi của các môn thể thao trong chương trình Olympic tại SEA Games 2015 (Singapore), thành tích xuất sắc mang "tính chất toàn cầu" tại Olympic Rio 2016 của TTVN là một dấu ấn lịch sử. Dấu ấn này như một"cột mốc nhảy vọt" trong quá trình phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam trên đấu trường Olympic. Thật đáng ngợi ca và trân trọng.
2. Thành tích của đoàn TTVN tại Olympic Rio 2016 có những ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện.
Hiển nhiên là nó đã dem lại vinh quang cho Việt Nam, vinh dự cho dân tộc Việt, người Việt. Chiến thắng của Hoàng Xuân Vinh đêm 7/8/2016 khiến thể thao thế giới phải ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng - lá cờ Tổ quốc tung bay ở vị trí cao nhất. Phong trào Olympic quốc tế phải biết đến Việt Nam. Việc toàn dân Việt Nam vui mừng chào đón sự kiện này cũng đúng như tư tưởng của phong trào Olympic: Thể thao thành tích cao sáng tạo nên những thành tích và kỷ lục, góp phần xây dựng giá trị của con người và của một dân tộc, rồi thành tích và kỷ lục mang về vinh quang cho chính con người và dân tộc đó.
HCV Olympic, kỷ lục Olympic góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của các nhà lãnh đạo và quản lý thể thao, các VĐV, HLV và cả những người hâm mộ rằng: TTVN hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao của đấu trường Olympic, rằng các trẻ em Việt Nam, VĐV Việt Nam hoàn toàn có khả năng tranh chấp ở trình độ cao.
Tôi biết là trong tư duy và nhận thức của nhiều nhà quản lý thể thao, cho đến nay vẫn còn có những ý kiến cho rằng TTVN phải lấy SEA Games làm đấu trường chính. Còn việc chinh phục đỉnh cao Asian Games và đặc biệt là Olympic Games còn quá xa vời! Thực tiễn đã mang lại niềm tin và tự nó là một minh chứng bác bỏ những suy nghĩ, quan điểm lạc hậu và trì trệ.
Việc ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nói: "HCV của Hoàng Xuân Vinh sẽ giúp TTVN tự tin hơn khi thi đấu ở các giải quốc tế sau này" có thể hiểu như là sự khẳng định, xóa đi những mặc cảm nếu còn trong ai đó.
HCV, HCB, kỷ lục Olympic cùng 23 VĐV của 10 môn trong chương trình thi đấu Olympic còn là kết quả của những thay đổi đúng đắn và quan trọng của ngành thể thao trong định hướng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao: Tập trung đầu tư cho các môn thể thao Olympic, là nhờ sự quyết tâm dũng cảm thay đổi biện pháp đầu tư: từ dàn trải, cào bằng sang trọng tâm, trọng điểm (môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm và VĐV trọng điểm…).
3. Tham gia vào cuộc đua tranh quyết liệt trên đấu trường Olympic khốc liệt, TTVN cũng đã bộc lộ rõ những yếu kém và bất cập. Người hâm mộ thể thao Việt Nam có thể thất vọng vì thất bại của Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền (cử tạ) - không đạt được kỳ vọng lấy huy chương, thất vọng vì Ánh Viên (bơi), Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC), không đạt chỉ tiêu lọt vào chung kết và một số môn và nội dung thi đấu VĐV đã không vượt qua được chính mình. Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Hoàng Quý Phước, Ánh Viên (bơi) và một số môn khác dù cố gắng nỗ lực rất cao nhưng "sức mình quả bất địch chúng". Về tổng thể, VĐV ta thua kém là vì trình độ còn thấp so với trình độ các VĐV ưu tú của các quốc gia khác.
Trình độ còn thấp là do công tác chuẩn bị và mức độ đầu tư. Công tác chuẩn bị đó là tuyển chọn, huấn luyện, tập huấn, thi đấu, quản lý VĐV, chăm sóc về dinh dưỡng, về chữa trị chấn thương, về y học hồi phục… đó là yếu tố chủ quan, yếu tố chủ quan này trách nhiệm thuộc ngành thể thao.
Mức độ đầu tư là yếu tố khách quan, ngân sách đầu tư cho thể thao thành tích cao, cho chiến lược Asian Games và Olympic… phụ thuộc vào quan điểm chủ trương, chính sách của các cơ quan Bộ, ngành hữu quan (ngoài ngành thể thao) và cao hơn nữa là của Chính phủ, Quốc hội.
Ngân sách đầu tư quyết định đến công tác chuẩn bị VĐV, đến xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu, đến ứng dụng khoa học công nghệ, chăm sóc y học hồi phục và chữa trị chấn thương… Và việc đầu tư không đủ mức là khó khăn lớn nhất hạn chế việc nâng cao trình độ thể thao.
Đánh giá nguyên nhân và bài học kinh nghiệm là việc cần làm sau Olympic Rio 2016. Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cũng đã nói: "Sau Olympic chúng tôi sẽ đánh giá, rút ra kinh nghiệm và các bài học từ những thành công và cả không thành công, thậm chí là thất bại trong thời gian qua. Cần tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan để thay đổi".
4. Năm 2018 sẽ có Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) và năm 2020 lại đến kỳ Olympic Games nữa tại Tokyo. TTVN lại phải chuẩn bị để tham gia. Có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.
Hầu hết các VĐV ưu tú ở Olympic Rio 2016 và rất nhiều VĐV của các môn thể thao không có ở Olympic sẽ có mặt ở Asian Games 2018 - Indonesia. Nhiều VĐV có thành tích và kinh nghiệm thi đấu ở ASIAD, một số VĐV trẻ ưu tú tiến bộ, một số môn thể thao thế mạnh của Việt Nam có trong chương trình thi đấu (karatedo, pencak silat, boxing nữ…) và cơ hội giành nhiều huy chương cho đoàn TTVN đã nhìn thấy rõ. Nhưng giành HCV và nhiều HCV lại là vấn đề không dễ chút nào: Xuân Vinh vẫn còn Pang Wei (Trung Quốc), Jin jong-oh (Hàn Quốc) chặn đường, Thạch Kim Tuấn vẫn có Long Qi Quan (Trung Quốc), Om Yun Choi (CHDCND Triều Tiên) ở trước mặt, Vương Thị Huyền có 4-5 VĐV khác sẵn sàng bám đuổi, Ánh Viên sẽ gặp lại những người hùng của Trung Quốc, Nhật Bản. Môn TDDC còn các tượng đài truyền thống của Nhật Bản, Trung Quốc…
4 năm nữa ở Olympic Tokyo là một thuận lợi cho karatedo Việt Nam vì ở môn thể thao này Việt Nam đã có một số VĐV trẻ có trình độ cao đã được chuẩn bị. Nhiều VĐV ưu tú của Việt Nam đã có kinh nghiệm trên đấu trường Olympic, ngành thể thao đã có kế hoạch chiến lược và có quyết tâm, những thay đổi về nhận thức… Nhưng tất cả vẫn phải trông chờ vào công tác chuẩn bị và mức độ đầu tư.
Tác giả bài viết này rất vui mừng và hy vọng khi được biết tân Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã xác định: "Bộ sẽ tăng cường đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu; nâng cao chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho VĐV… "xây dựng môi trường văn hóa thể thao lành mạnh và tính chuyên nghiệp trong thể thao".
Và cao hơn nữa người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: "Dù điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng ngành thể thao cần đầu tư mạnh hơn không chỉ cho môn bắn súng mà còn cho các đội tuyển khác… không để các VĐV thiếu điều kiện tập luyện, thiếu dinh dưỡng. Cần phải tính toán lại những điều bất hợp lý để thể thao đi đúng lộ trình”!
Có sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH, TT&DL với ý chí, quyết tâm của VĐV, HLV, cán bộ ngành thể thao chúng ta hy vọng Asian Games 2018 và Olympic 2020, TTVN sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.
Nguyễn Hồng Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags