(Thethaovanhoa.vn) - Với vị trí thứ 3 toàn đoàn cùng thành tích 73 HCV - 53 HCB - 60 HCĐ, có thể nói đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đặt ra trước lúc lên đường, bởi mục tiêu ban đầu của chúng ta là giành từ 56 tới 65 HCV và đứng ở 3 vị trí đầu tiên.
Không những thế, theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, mục tiêu chuyên môn của đoàn thể thao Việt Nam là đứng ở vị trí nhóm đầu trong số những môn thể thao Olympic cũng đã đạt được.
Điểm nhấn Olympic
Với 11 HCV của điền kinh, 8 HCV của đấu kiếm, 10 HCV của bơi lội, 9 HCV của TDDC, 8 HCV của rowing…, có thể nói các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic chính là điểm nhấn của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games này.
Nhận xét về điểm nhấn này, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho rằng điều đó phản ánh kết quả chính xác của việc chuyển dịch phương hướng đầu tư trọng điểm của ngành thể thao, đó là lấy các môn thể thao Olympic làm trọng điểm và hướng tới các đấu trường châu lục và thế giới như Asian Games hay Olympic để phấn đấu.
Đoàn TTVN đã có bước tiến chắc chắn tại SEA Games 28 năm 2015
Cũng theo ông Phấn, ở các kỳ SEA Games trước, các môn thể thao Olympic chỉ chiếm khoảng 60% tỷ lệ trong tổng số HCV của đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội, nhưng ở kỳ SEA Games năm nay, có tới hơn 80% số HCV mà thể thao Việt Nam giành được là từ các môn Olympic, thậm chí là 2 môn cơ bản nhất gồm: Điền kinh và bơi lội.
Cách đây 10 năm, thể thao Việt Nam còn hân hoan đến sửng sốt sau khi chứng kiến Hữu Việt lần đầu tiên giành HCV nội dung 100m ếch nam tại SEA Games 23 năm 2005, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên bơi lội Việt Nam có HCV ở một kỳ SEA Games. Lúc ấy rất ít người có thể tưởng tượng được rằng chỉ đúng 10 năm sau, bơi lội Việt Nam đã có thể vươn lên ở nhóm đầu khu vực với 10 HCV cùng 9 kỷ lục SEA Games tại Đại hội năm nay, trong đó có tới 8 HCV và 8 kỷ lục thuộc về Ánh Viên, VĐV xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam ở SEA Games 28.
Tương tự bơi lội, điền kinh Việt Nam cũng khẳng định dấu ấn đậm nét tại SEA Games 28 bằng 11 chiếc HCV, thành tích xuất sắc nhất từ trước đến nay, cùng việc xô đổ những kỷ lục SEA Games từng tồn tại rất lâu (Nguyễn Thị Huyền phá kỷ lục 400m rào nữ đã tồn tại 10 năm và 2 lần đạt chuẩn Olympic ở nội dung 400m và 400m rào, đội nữ chạy tiếp sức 4x400m nữ phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại 24 năm…).
Hay như đội rowing, dù chỉ có 1 HCV tại SEA Games 27 và đến với SEA Games 28 bằng đội hình được làm mới triệt để, từ đội ngũ VĐV cho tới thành phần BHL, từ cách thức tập trung cho tới địa điểm luyện tập, nhưng vẫn đoạt được tới 8 HCV.
Có thể nói, từ chỗ chỉ hài lòng với mục tiêu giành HCV ở các môn thể thao Olympic khi tham dự SEA Games, bây giờ thể thao Việt Nam đã hướng tới mục tiêu cao hơn như phá kỷ lục SEA Games, đạt chuẩn Olympic, và đặt tham vọng ở những sân chơi đẳng cấp hơn như Asian Games hay Olympic.
Và nỗi buồn mang tên bóng đá
Thêm một lần nữa bóng đá nam lại lỗi hẹn với chiếc HCV SEA Games, và đây là nốt trầm khiến cho bức tranh chung của thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đánh giá rằng bóng đá là môn thể thao có sức lan toả rất lớn, rất được dư luận quan tâm nên kết quả thi đấu của bóng đá có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng trong đời sống xã hội.
Còn một thành viên khác của đoàn thể thao Việt Nam thì thẳng thắn nói rằng cho dù thể thao Việt Nam thi đấu thành công đến mấy mà bóng đá không được như kỳ vọng thì niềm vui cũng bớt đi sự trọn vẹn.
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28, ông Phấn khẳng định Tổng cục TDTT luôn sẵn sàng đáp ứng ngay lập tức với mọi đề nghị của đội bóng đá, và trong các cuộc làm việc với VFF cùng BHL đội U23 Việt Nam, dù chưa thực sự hài lòng với chỉ tiêu vào bán kết mà VFF và HLV Toshiya Miura nêu ra song Tổng cục TDTT cũng tôn trọng đề xuất của Liên đoàn.
Tuy nhiên, kết quả thi đấu cũng như màn trình diễn của U23 Việt Nam đã khiến không ít người cảm thấy không thể hài lòng. Có rất nhiều lý do dẫn tới kết quả không được mong đợi như thế này, nhưng trong đấy không thể không kể tới vai trò của HLV Miura. Thất bại thứ 2 liên tiếp tại vòng bán kết của một giải khu vực đã chỉ ra rằng HLV Miura vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm cho vị trí HLV trưởng ĐTQG ở những giải đấu quốc tế ngắn ngày.
Chiến thắng tưng bừng của U23 Việt Nam trong trận tranh HCĐ với U23 Indonesia lại càng làm dày thêm sự nuối tiếc của người hâm mộ, bởi nếu chơi với tinh thần cùng phong độ như thế thì ít nhất U23 Việt Nam phải có HCB chứ không chỉ là HCĐ. Nhưng như HLV Miura luôn nói: “Bóng đá không có chỗ cho những mệnh đề giả định”, và một lần nữa, bóng đá không thể hoà chung niềm vui trọn vẹn với đoàn thể thao Việt Nam tại một kỳ SEA Games.
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags