Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Tokyo: Muốn gặt thì phải gieo!

Thứ Sáu, 30/07/2021 05:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau kỳ tích bất ngờ của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở kỳ Thế vận hội trước, Thể thao Việt Nam đã sớm chấp nhận cảnh “tay trắng” tại Olympic Tokyo 2020. Đây là một kết quả buồn, nhưng không hề bất ngờ bởi nó phản ánh đúng năng lực chuẩn bị và trình độ khi mục tiêu “tấn công vào Olympic” qua hai thập kỷ vẫn chỉ là… khẩu hiệu! bị ảnh hưởng nặng nề của tư duy cùng cách làm “thời vụ” SEA Games.

Lịch thi đấu Olympic 2021 của Đoàn thể thao Việt Nam hôm nay ngày 30/7

Lịch thi đấu Olympic 2021 của Đoàn thể thao Việt Nam hôm nay ngày 30/7

Lịch thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021 ngày 30/7: Hôm nay là ngày thi đấu của Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung 1500m tự do nam (bơi lội). Xem trực tiếp Olympic 2021 trên VTV6, VTV5.

Thất bại không bất ngờ

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chỉ đứng thứ 22 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam dù đang là đương kim vô địch Thế vận hội. Hai niềm hi vọng chính ở môn cử tạ, Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ) chỉ đứng thứ 5 còn Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg) thậm chí còn không được tính thành tích do thi đấu không thành công ở cả ba lần cử đẩy. Nữ võ sĩ boxing được chờ đợi như một “nhân tố bí ẩn” Nguyễn Thị Tâm cũng bị loại ngay từ trận đầu…

Thể thao Việt Nam đã sớm chấp nhận cảnh “tay trắng” khi mà Olympic 2020 còn tới cả chục ngày thi tài. Đây có lẽ là một kỳ Thế vận hội “tệ” nhất về chuyên môn kể từ sau Olympic Sydney 2000, nơi võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân tạo nên cột mốc mang tính đột phá với tấm HCB lịch sử. Với việc đô cử Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên nhân HCĐ Oympic 2012, thì đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam không giành được huy chương nào, kể từ 2008. Chính xác hơn, thành tích cao nhất chỉ là hạng 5 của đô cử Hoàng Thị Duyên còn các VĐV khác đều ở nhóm dưới hay nhóm cuối các nội dung.

Có thể thấy những thất bại này là không bất ngờ. Các VĐV gánh vác hi vọng đều đã thua theo cách đúng nghĩa… không đỡ nổi. Nhìn nhận thẳng thắn, nếu không có sự vắng mặt của một vài hảo thủ, hai lực sĩ Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên còn chẳng có cơ hội gì ngay từ trước khi lên đường tranh tài.

Điều đáng nói, nếu tổng kết qua ba kỳ Thế vận hội tương ứng với một thập kỷ, thể thao Việt Nam vẫn chỉ có nền tảng, trình độ ở mức rất thấp so với “đỉnh” Olympic và không thay đổi được nhiều. Theo tính toán của giới chuyên môn, ở mặt trận thể thao đỉnh cao, chỉ có trên dưới 20 VĐV của 13 môn giành suất tới Olympic, trong đó thiếu hẳn những “mũi nhọn” đủ sức tranh chấp sòng phẳng huy chương. Kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh ở Rio là một trường hợp đột xuất và ngoại lệ.

lịch thi đấu Olympic 2021, lịch thi đấu Việt Nam, Nguyễn Huy Hoàng, bơi lội, 1500m tự do nam, Đoàn thể thao Việt Nam, VTV6, VTV5, trực tiếp Olympic 2021
Hoàng Thị Duyên - VĐV có thành tích cao nhất của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo đến thời điểm này, cũng chỉ là thứ 5. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự thật phũ phàng từ Hoàng Xuân Vinh và cử tạ

Nhìn vào sự thật phũ phàng từ xạ thủ từng giành 1 HCV, 1 HCB Hoàng Xuân Vinh cùng môn “của hiếm” cử tạ mới thấy thể thao Việt Nam đã nhìn nhận và chuẩn bị Olympic hời hợt như thế nào, dù sân chơi thế giới lẽ ra phải được quan tâm đầu tư nhất.

Nhà đương kim vô địch Hoàng Xuân Vinh chỉ đến được Olympic Tokyo theo diện suất mời vào giờ chót. Trước đó, anh đã không thể giành vé chính thức khi thua ở các cuộc đấu loại. Sự sa sút của xạ thủ kỳ cựu, thể hiện qua thất bại ở liên tiếp các giải quốc tế lớn trong suốt 5 năm qua, phần nào đó được đúc kết từ lời than thở của chính người thấy của Xuân Vinh “Chúng ta chưa có tiền lệ duy trì một nhà vô địch Olympic” (!?). Cũng trong khoảng thời gian dài ấy, bắn súng Việt Nam không có phương án nào cho đích nhắm Olympic. Hiện tại, bắn súng không có xạ thủ nào lọt vào Top 15 thế giới. Xuân Vinh tranh tài ở Olympic Tokyo khi chỉ đứng hạng 37 trên bảng xếp hạng nội dung 10m súng ngắn hơi nam.

Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 được lý giải cho quá trình chuẩn bị nhiều thua thiệt, khó khăn của hai lực sĩ cử tạ tranh huy chương ở Olympic 2020, đặc biệt việc thiếu thi đấu cọ xát. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, ngành thể thao cũng đã không có giải pháp ứng phó nào. Và quan trọng hơn môn có khả năng và hi vọng tranh chấp huy chương nhất này lại không được đầu tư đúng mức trong cả một thời gian dài. Rõ nhất, khoản kinh phí dành cho việc xuất ngoại tập huấn thi đấu của cử tạ Việt Nam chưa bao giờ đạt nổi 2 tỉ đồng mỗi năm, chưa bằng mức Thái Lan, Indonesia tập trung cho một lực sĩ hàng đầu của họ.

Trong năm có SEA Games, cử tạ chỉ còn đóng vai như một môn “bình thường” đặt trong tương quan so sánh môn nào có thể đoạt được bao nhiêu HCV. Cũng thật khó tin, môn đã có hai lực sĩ đoạt huy chương Olympic, luôn trở thành niềm hi vọng chính ở các kỳ Đại hội bao năm nay vẫn chỉ có 3 phòng tập đạt tương đối đạt chuẩn, với các điều kiện khiêm tốn.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Không thể “tấn công vào Olympic” theo kiểu…. SEA Games

Còn nhớ năm 2004, tại một hội nghị chuyên đề sau thắng lợi ở SEA Games 21, ngành thể thao đã đề ra chiến lược mới “Vươn lên tầm châu Á, tấn công vào Olympic”. Nó đã được viện dẫn tại các diễn đàn thể thao một cách đầy quyết tâm và mĩ miều. Thế nhưng rốt cuộc, chiến lược ấy đến giờ vẫn chỉ là… khẩu hiệu!

Sau 17 năm, thể thao Việt Nam mới chỉ có thể giành được 4 HCV tại Asian Games 2018, và vừa trải qua cảnh “tay trắng” tại Olympic 2020. Rõ ràng, ngành thể thao vẫn chưa đặt đấu trường Olympic vào đúng vị thế của nó, với tư cách là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ phát triển quan trọng nhất. Để rồi, mỗi kỳ SEA Games, thể thao Việt Nam đều luôn tưng bừng, hoành tráng, song hễ vươn ra đấu trường đỉnh cao lại hoàn toàn chới với, thất bại.

Trên thực tế, ngành thể thao vẫn chỉ đang hướng tới Olympic với mục tiêu “giành suất tham dự” chứ chưa phải để tranh chấp thành tích. Và thực tế, việc chuẩn bị cho Olympic vẫn chỉ mang tính ngắn hạn, dàn trải mang nặng kiểu cách của một sân chơi SEA Games mang tính thời vụ, với một trình độ rất thấp. Thể thao Việt Nam đã không thể thành công tại Olympic với chủ trương phân cấp, liên thông mạnh mẽ việc đào tạo, tập huấn VĐV, quá trình chuẩn bị giữa các đấu trường, theo kiểu ba trong một SEA Games - ASIAD - Olympic.

Có lẽ đã đến lúc không thể muộn hơn, thể thao Việt Nam cần có một chiến lược mới với cách tiếp cận mới cho Olympic. Ngoài việc phấn đấu có ngày càng nhiều VÐV của nhiều môn giành quyền dự tranh, cũng phải nhìn nhận rõ ràng: Đến Olympic không chỉ để cọ xát, học hỏi mà quan trọng nhất phải đạt thành tích tốt, với những tấm huy chương ở một số môn mà Việt Nam có khả năng, điều kiện, phù hợp với xu thế quốc tế.

Thể thao Việt Nam cần có một đề án riêng cho Olympic. Trong đó, các mục tiêu, giải pháp phải được xác định rõ, vừa cụ thể vừa dài hơi, mang tính bảo đảm, gắn với nguồn kinh phí bảo đảm. Như thế, không còn cách nào khác, phải có cả một chương trình và quy trình phát hiện, đào tạo tài năng thực sự chuyên biệt về mọi mặt ở một số môn, nội dung thực sự hội đủ các yếu tố để có thể vươn lên thành một môn hay nội dung “trọng điểm tập trung” ở đẳng cấp Olympic. Việc chọn lựa môn, nội dung nào sẽ phải được tống kết, nghiên cứu kỹ lưỡng, tất nhiên trước hết với một số “mũi nhọn” đã phần nào khẳng định được minh hay sự triển vọng, tiềm năng như cử tạ, bắn súng, boxing, vật nữ, taekwondo.

Hãy nhìn từ chính bài học của các nước Đông Nam Á, như kỳ phùng địch thủ Thái Lan với “mũi nhọn” Olympic truyền thống boxing, cử tạ hay mới đây là taekwondo vừa có HCV lịch sử. Hay Indonesia với môn cử tạ liên tiếp có huy chương ở 4 kỳ Thế vận hội, và riêng lần này có tới 2 huy chương. Chưa kể, họ còn có một thế mạnh truyền thống khác là cầu lông...

Vậy còn thể thao Việt Nam, chúng ta thực sự mạnh môn nào tại Olympic? Môn nào để có thể lấy được huy chương? Câu hỏi chẳng dễ để trả lời... bởi muốn GẶT, thì trước hết phải GIEO!

“Nhìn nhận từ góc độ của giới chuyên môn, quản lý thì kết quả “trắng tay” tại Olympic 2020 phản ánh đúng quá trình chuẩn bị và trình độ của thể thao Việt Nam. Chúng ta chưa có mục tiêu và giải pháp để tranh huy chương Olympic, cụ thể hơn là chưa chăm sóc, đầu tư một cách trọng điểm cho một số tuyển thủ xuất sắc ở một vài môn tiềm năng.

Từ nhiều năm trước, nhiều người từng sốc khi tôi phát biểu chẳng ở đâu chuẩn bị Olympic như thể thao Việt Nam, và thật đáng buồn đến giờ tôi vẫn thấy thế”. – Ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao - Tổng cục TTDT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam.

 

Tường Nhi

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›