Thể thao Việt Nam: Từ SEA Games đến ASIAD

Thứ Năm, 07/09/2023 04:53 GMT+7

Google News

Tại SEA Games 32 vừa qua, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) xếp thứ nhất với tổng cộng 355 huy chương (136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ). Còn ở kỳ ASIAD 19 sắp đến, chúng ta chỉ đặt chỉ tiêu giành khoảng 3-5 HCV, song mục tiêu khiêm tốn ấy xem chừng cũng rất mong manh.

1. Trước đó, tại Olympic Tokyo 2021, đoàn TTVN không giành được bất cứ một tấm huy chương nào, ra về tay trắng. Đấy là một bước thụt lùi lớn mà không thể đổ lỗi cho dịch Covid-19.  Tại SEA Games 31 và 32 chúng ta đều gặt "mưa huy chương" nhưng tại ASIAD 19 lần này, nếu TTVN không đạt từ 3 tới 5 HCV thì xem như "dậm chân tại chỗ". Chúng ta dẫn đầu 2 kỳ SEA Games liên tiếp nhưng nếu ở ASIAD 19 mà TTVN không "lột xác" thì rất đáng lo.

Đó là nỗi lo trong bối cảnh ngành thể thao đã nhận thức tầm nhìn phải vượt SEA Games, luôn coi SEA Games là bàn đạp để phát triển các môn Olympic thay vì đua tranh huy chương. Thành tích ở SEA Games chỉ có ý nghĩa "tham khảo" cho đấu trường ASIAD mà thôi. Chúng ta phải có tầm nhìn dài hơn, đầu tư bài bản hơn mới mong TTVN cất cánh.

Giới chuyên môn cho rằng sẵn sàng đánh đổi nhiều huy chương SEA Games để lấy ít huy chương ở đấu trường danh giá như Olympic và thấp hơn là ASIAD. Tại ASIAD 18 tổ chức vào năm 2018 ở Indonesia, TTVN đã giành tổng 5 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ. Với thành tích đó, TTVN xếp hạng 16/37 toàn đoàn, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Indonesia (giành 31 HCV, xếp hạng 4 chung cuộc); Thái Lan (11 HCV, hạng 11) và Malaysia (7 HCV, hạng 14).

Tại ASIAD 19 lần này, chúng ta đăng ký tham dự với hơn 337 VĐV tranh tài ở 31 môn thi đấu. Nhìn vào quá trình chuẩn bị của đoàn TTVN cho thấy đây là kỳ ASIAD có nhiều biến động về cả lực lượng cũng như các môn thi đấu.

Những VĐV từng giành HCV tại ASIAD 18 là Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí và Quách Thị Lan không thể tham gia tranh tài, do pencak silat không nằm trong chương trình thi đấu, còn Quách Thị Lan đang bị cấm thi đấu do dính doping tại SEA Games 31. Trong khi đó, HCV nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo không còn giữ được phong độ đỉnh cao của mình.

Thể thao Việt Nam: Từ SEA Games đến ASIAD - Ảnh 1.

Huy Hoàng vẫn là hy vọng số một của thể thao Việt Nam ở ASIAD 19 sắp tới. Ảnh: Tuấn Mark

2. Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu giành từ 3 tới 5 HCV tại ASIAD sắp tới không phải là dễ dàng. Người được kỳ vọng số 1 lúc này là Nguyễn Thị Oanh. Ở SEA Games 32, Oanh giành 4 tấm HCV nhưng đã không thể giành huy chương tại giải vô địch điền kinh châu Á 2023 mới kết thúc tại Thái Lan. Mục tiêu dành cho Nguyễn Thị Oanh đặt ra vẫn là kỳ vọng đạt được thành tích tốt nhất.

Những niềm hy vọng huy chương tại ASIAD 19 của TTVN không thật sự nhiều. Mới đây, đội chạy tiếp sức 4x400m nữ gồm Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh của Việt Nam đã giành HCV tại giải vô địch điền kinh châu Á 2023 với thành tích 3 phút 32 giây 36, hơn hẳn thành tích 3 phút 33 giây 05 tại SEA Games 32. Việc đội chạy Việt Nam vượt qua nhiều đối thủ mạnh Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc), Uzbekistan, Maldives mở ra hy vọng về HCV tại ASIAD 19.

Ở môn bơi, niềm hy vọng số một là Nguyễn Huy Hoàng. Tại SEA Games 32 ở Campuchia, Huy Hoàng thi đấu kém thuyết phục, song theo lý giải là do Huy Hoàng đang tập huấn để chuẩn bị cho ASIAD 19 nên thành tích ở SEA Games chưa đúng "điểm rơi" phong độ. Ở một số nội dung khác như đua thuyền, karatedo, taekwondo, cờ vua Việt Nam cũng có hy vọng giành HCV, nhưng được dự báo là cực kỳ khó khăn.

Thực tế trên cho thấy, số VĐV đỉnh cao của Việt Nam có khả năng giành HCV ở đấu trường châu Á và xa hơn là Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhìn rộng hơn, TTVN cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào các môn Olympic. Các VĐV thi đấu tốt tại SEA Games 32 cho thấy họ là những nhân tài thể thao thật sự và cần có thêm bước đà để thể thao Việt Nam "tiến công" mạnh mẽ vào ASIAD, Olympic trong tương lai. 


Trần Tuấn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›