Một năm 2024 khá yên tĩnh cũng đã trôi qua, năm 2025 đến với những tín hiệu vui từ xung lực mà chức vô địch Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam đem đến. Trong bộn bề khó khăn và những thách thức đến từ tham vọng vươn tầm, thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn tìm thấy những sức bật mới trong mùa Xuân của những đổi thay.
1. Những ngày cuối năm Giáp Thìn, giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam 2024 cũng đã công bố danh sách rút gọn – hay còn gọi là các đề cử sau cùng – những cái tên sẽ chiến thắng tại lễ trao giải dự kiến tổ chức sau Tết. Trong bản danh sách đặc biệt là ở nội dung bầu chọn cầu thủ nam, gần như không thể có tranh cãi nào khi đó đều là những cái tên xuất sắc lên ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 lần thứ 3.
Đáng chú ý là cả 9 cái tên thuộc 2 hạng mục Quả bóng Vàng và "Cầu thủ trẻ xuất sắc" đều là tuyển thủ quốc gia. Đó là chưa kể tiền đạo Nguyễn Xuân Son nằm trong hạng mục "Cầu thủ ngoại xuất sắc" do thời điểm chơi bóng tại ASEAN Cup 2024 anh vẫn chưa hội tụ đầy đủ điều kiện của một "nội binh".
Sự trở lại của Nguyễn Quang Hải, hay lần đề cử thứ 4 liên tiếp của Hoàng Đức, cũng như các cái tên quen thuộc Tuấn Hải, Tiến Linh đã đặt một dấu ấn về đẳng cấp lên giải thưởng năm nay. Họ là trụ cột của đội tuyển Việt Nam từ nhiều năm trước, tưởng đã có lúc sa sút và đánh mất khát vọng chiến thắng.
Nhưng năm 2024 họ thực sự có một mùa giải trọn vẹn cả trong màu áo đội tuyển lẫn CLB khi nỗ lực lấy lại phong độ, vẫn "cháy" khi được ra sân. Bất kỳ ai trong số họ chiến thắng Quả bóng Vàng đều xứng đáng, đó chính là điều may mắn cho bóng đá Việt Nam.
Bản danh sách đề cử Quả bóng vàng Việt Nam 2024 hội tụ đầy đủ các yếu tố của đẳng cấp và sức trẻ, thể hiện được tính ổn định của nền bóng đá và bảo đảm được sự tiếp nối trong tương lai. Có đến 10 Quả bóng vàng xuất hiện tại đề cử năm nay, bao gồm Huỳnh Như (bóng đá nữ - 5 lần), Nguyễn Hoàng Đức (2), Nguyễn Quang Hải (1) và Hồ Văn Ý (futsal – 2) . Nhưng chính họ cũng đang bị cạnh tranh bởi những cái tên không kém nổi bật khác, khiến cuộc đua đến vị trí cao nhất giải thưởng năm nay thật sự khó lường.
2. Nhìn từ câu chuyện của Quả bóng Vàng Việt Nam, có thể thấy bóng đá Việt cũng như nền thể thao Việt Nam luôn có sẵn 2 thứ tài nguyên vô giá: Con người và khao khát vươn xa. Trong tổng thể của một nền thể thao hiện vẫn còn nằm ngoài Top 15 châu lục và Top 50 Olympic thì vẫn không thiếu những chiến công nức lòng.
Chúng ta có những nhà vô địch thế giới ở một số môn đặc thù, có tốc độ phát triển bóng đá nhanh nhất Đông Nam Á, có một nền võ thuật đậm đà bản sắc và đa dạng. Quan trọng hơn cả, là tinh thần không ngại khó khăn, chấp nhận thử thách để chinh phục rất nhiều môn thể thao vốn phát triển rất mạnh trên thế giới như canoeing, đấu kiếm, golf …
Nhưng làm sao để khai thác và phát huy bền vững những tài nguyên đó, lại là một câu hỏi không dễ trả lời. Năm 2024 là một trong những thời điểm mà câu hỏi đó thực sự … đi vào ngõ cụt sau một kỳ Olympic Paris 2024 không thành công.
Một giai đoạn phát triển nóng của TTVN và bóng đá Việt đã phô bày khoảng trống về kế thừa cũng như vấn đề chuẩn bị nguồn lực để đi nhanh và đi xa hơn. Bằng những con người ưu tú cùng nguồn sức mạnh tinh thần, chúng ta đã có thể chiến thắng ở Olympic, đột phá tại Asiad, dự World Cup bóng đá nữ, trẻ hay futsal. Nhưng sự thành công đó không ổn định và bền vững.
Chiến lược phát triển TDTT 2030 – Tầm nhìn 2045 về lý thuyết chính là đáp án lớn nhất để nền thể thao gỡ dần từng nút thắt. Chiến lược đặt ra những mục tiêu rất tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi, bên cạnh đó cũng đặt vấn đề cốt lõi: cần một nền kinh tế thể thao thực thụ trước khi có thể chuyển đổi nội lực thành chiến thắng sau cùng.
Trên thực tế, TTVN đã có những bước tiến ở công tác xã hội hóa. Chúng ta có hệ thống thể thao địa phương và gần như có đầy đủ các Liên đoàn/Hiệp hội để điều hành. Ngân sách trung ương được phân bổ không hề nhỏ nếu so sánh với mức đóng góp của ngành thể thao vào GDP quốc gia, chưa kể mỗi tỉnh, thành, ngành đều có lực lượng và cơ sở vật chất riêng. Thế nhưng, như chính con người và tinh thần, mọi thứ vẫn chỉ mới dừng lại ở mức "tài nguyên", chưa thể chuyển đổi thành một nền thể thao chuyên nghiệp hoặc xã hội hóa cao độ. TTVN vẫn kiếm ra tiền, chỉ có điều nguồn thu đó chỉ mới để chi cho các khâu cơ bản, gần như không phải là nguồn đầu tư dài hạn để có các thế hệ VĐV vượt trội về thể chất lẫn tài năng.
3. Năm Ất Tỵ - 2025 được kỳ vọng là bản lề và chúng ta khởi đầu bằng một tín hiệu vui: Chức vô địch ASEAN Cup 2024 của bóng đá Việt Nam.
Mặc dù bóng đá nam vẫn chưa thể vượt qua được vòng loại thứ 3 World Cup, nhưng thực tế thì bóng đá là môn thể thao đã chứng minh chúng ta có thể vươn đến tầm thế giới sau khi futsal, bóng đá nữ, U19 đã từng dự các sự kiện lớn nhất hành tinh, điều mà 30 năm trước, ngay cái ngày mà giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam có những chủ nhân đầu tiên, không ai có thể hình dung dù chỉ là mơ mộng.
Không chỉ có bóng đá, một môn chơi tập thể khác là bóng chuyền cũng hoàn toàn thay đổi so với 3 thập niên trước. Đội nữ 2 lần vô địch châu Á, dự play-off World Cup, còn đội nam thì đã ở trong tốp 4 khu vực. Nếu các môn cá nhân vẫn có thể hy vọng vào may mắn xuất hiện một tài năng kiệt xuất, thì các môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền chính là biểu tượng của một nền thể thao. Chỉ cần so sánh với những năm 1990, thì hiện tại, những môn chơi tập thể này đều thay đổi đẳng cấp một cách khác biệt.
Đấy chính là cơ sở để Chiến lược 2030-2045 thiếp lập các mục tiêu lớn. TTVN đã đến lúc vươn tầm để cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Vấn đề bây giờ là làm như thế nào và sẽ mất bao lâu.
Hãy lấy chính bài học của bóng đá. Tròn 20 năm trước, chúng ta đã gần như đánh mất cả một lứa cầu thủ tài năng sau scandal tại SEA Games 2005, nhưng vượt qua nỗi đau ấy là 2 thập niên phát triển với các chiến tích chưa từng có.
Đi cùng giai đoạn "đứng dậy ngay chỗ té ngã" ấy chính là hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp, là V-League, là sự ra đời của Công ty VPF, là những nguồn thu tăng mạnh mỗi năm và sự thành công của bản quyền truyền hình. Nói cách khác, TTVN có chính bài học ngay trên "sân nhà".
Và chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, đã tạo ra một sức bật cho Xuân mới. Mùa Xuân của TTVN trong một kỷ nguyên mới.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh, một trong những mục tiêu hàng đầu của TTVN trong năm 2025 là đầu tư trọng điểm cho các môn, các VĐV để có thể nâng tầm vị thế thể thao nước nhà thông qua thành tích quốc tế trong tương lai gần. Theo đó, Cục Thể dục thể thao cũng thống nhất chọn 17 môn thể thao đầu tư trọng điểm từ năm 2025, bao gồm: bơi, bắn súng, bắn cung, boxing, cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, xe đạp, judo, vật (nhóm môn Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm môn Asiad).
Tags