(Thethaovanhoa.vn) Đọc tập sách Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam của Mario Sica (Nhã Nam & NXB Thế giới, 2013). Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang giới thiệu.
1. Người ta thường thích khám phá vùng đất mới, nhưng có một cảm giác thú vị không kém khám phá miền đất chính mình đang sống thông qua lăng kính của người từ phương xa đến.
Hẳn vì thế, khi nhìn thấy cuốn sách Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam của Mario Sica (Nhã Nam & NXB Thế Giới, 2013) bày bán trên giá các cửa hành sách, không ít người dừng chân lại, tò mò mà cầm sách giở ra xem.
Tập sách Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam
17 lữ khách Ý đã chạm chân đến Việt Nam, khởi nguyên từ Marco Polo (1254 - 1323), dù chỉ hai lần ngắn ngủi, đã kịp ghi chép lại vài trang sách. Dĩ nhiên, đây là những ghi chép bề mặt, khi chưa thực sự sống cùng thì khó thể hiểu thấu hơn, nhưng lại hết sức quý giá, vì đó là những cái nhìn chân thật, thấy gì ghi nấy. Và đến chúng ta hiện nay, cũng khó biết rõ hóa ra cách đây gần 800 năm, tổ tiên ta đã sống và có nhu cầu cho việc tôn thờ bản ngã lớn đến như thế:
“Thông thường cả đàn ông lẫn phụ nữ đều vẽ trên người nhiều hình thù như sư tử, rồng, chim chóc, vân vân, và các hình đó được vẽ bằng kim để tránh bị phai mất. (...) Đó là một việc cực kỳ đau đớn, nhưng người ta vẫn làm bởi họ cho rằng trên người càng nhiều hình săm thì càng đẹp và ra dáng quý tộc. Có nhiều người chết khi xăm hình bằng cách đó, bởi bị mất quá nhiều máu”. (T20)
Cho đến Francesco Vincenti Mareri (sinh năm 1911) làm phái viên Lãnh sự quán Sài Gòn ở Việt Nam từ năm 1942, đến năm 1943 bị người Pháp bắt do Ý ký hiệp ước đình chiến theo yêu cầu của Nhật Bản. Đến năm 1945, được quân đội Anh đổ bộ vào Sài Gòn trả tự do, ông sống tại Sài Gòn cho đến năm 1953. 11 năm sống ở một vùng đất và trải qua thăng trầm của chiến tranh Việt Nam với vai trò là một thành viên, hẳn nhiên quan sát của Francesco Vincenti Mareri về Việt Nam đã có chiều dày cho cảm nhận, dù vẫn vướng ít nhiều đến liên quan chính trị.
“Trên thực tế, một mặt phần lớn người dân bản địa vốn sùng bái tôn giáo đều khao khát độc lập dân tộc, dù ý tưởng còn mơ hồ” (T176).
Đọc những dòng mà Giulio Fano (1856 - 1930) từng đến Sài Gòn trong hai ngày 19 và 20/2/1893, mới cảm nhận được hết sự thú vị khi một ngày có người lạ nói cho ta biết, chúng ta là ai và hiện hữu trong họ như thế nào:
“Những người Việt Nam giàu có thường ra đường với áo choàng lụa dài màu xanh sẫm và một cặp kính lớn nằm chễm chệ trên mũi, trông giống như những nhà hiền triết vỉa hè. Nhìn chung những người bản xứ đều có vẻ ngoài tốt bụng, hơi nhút nhát, thân thiện, không quá khỏe mạnh, vạm vỡ”.
2. Đọc Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam do Đại sứ Mario Sica tuyển chọn, có thể thấy sự tỉ mẩn không chỉ tìm kiếm tài liệu liên quan đến Việt Nam, mà còn cả những cẩn thận cho việc giới thiệu từng lữ khách, mà đôi khi phần giới thiệu tác giả dài bằng phần họ đã ghi chép về Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ ở Việt Nam, Mario Sica đã viết cuốn Nước Ý và hòa bình ở Việt Nam – Chiến dịch Marigold (1965 – 1968) được NXB Aracne ấn hành tại Roma vào năm 2013 . Và với Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam, ông đề tặng vợ: “Lâm Phương Dung, người đồng hành cùng tôi trong hành trình cuộc đời”. Thế nên, dù không trực tiếp viết ra những điểm nhìn cá nhân về Việt Nam nhưng vẫn thấy tình cảm ngọt ngào đúng phong cách Ý trong ông đối với Việt Nam.
Nguyễn Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa