(Thethaovanhoa.vn) - Usain Bolt, người nhanh nhất hành tinh, không chỉ vượt trội nhờ tài năng thiên bẩm.
Không ai theo kịp Bolt
Những VĐV nước rút từng tranh tài với Bolt ở nội dung 100 mét mô tả rằng trong một khoảnh khắc ở nửa sau cuộc đua, anh bỗng nhiên vượt hẳn lên so với họ. Mới trước đó họ còn chạy ngang với Bolt, với lòng tin rằng huyền thoại sẽ bị lật đổ, nhưng rồi ngay sau đó họ đã phải “ngửi khói” nhà vô địch người Jamaica.
Tuần trước Bolt đã bày tỏ sự tự tin khác thường của anh, bất chấp việc một chấn thương dây chằng khiến anh không thể tham gia các cuộc chạy thử để dự Olympic của đoàn VĐV điền kinh Jamaica. Bolt đã được Liên đoàn điền kinh Jamaica đặc cách không cần tham gia các thử nghiệm y tế và cuộc chạy thử mà vẫn có mặt trong đoàn dự Rio.
“Cơ hội chiến thắng của tôi không thay đổi: Rất cao!” anh nói. “Mọi thứ đang diễn ra đúng kế hoạch, tôi sẽ rất tự tin khi Olympic bắt đầu”. Các CĐV của Bolt đã quen với điều đó. Huyền thoại của họ, cao 1,95 mét, đã giành mọi HCV Olympic và các giải VĐTG ở nội dung chạy 100 mét từ năm 2008 tới giờ (trừ giải VĐTG năm 2011, khi anh bị loại vì lỗi khi xuất phát).
“Ai cũng có thể bị đánh bại, nhưng anh ấy là một tài năng khó tin và là điều chúng ta chưa bao giờ được thấy trong thể thao”, Lance Brauman, HLV từng đào tạo nhiều VĐV chạy nước rút hàng đầu thế giới, bao gồm Tyson Gay, nhà VĐTG năm 2007, ngay trước khi Bolt nổi lên và thống trị, nói.
Nếu VĐV chạy nước rút là những chiếc xe hơi, thì Bolt có vẻ có một cần số riêng khác hẳn mọi người. Anh tăng tốc, và không ai theo kịp. Người trần mắt thịt chúng ta đều nhìn thấy thế, nhưng không có gì mà khoa học không thể giải thích. Bolt thực ra không khác nhiều so với những VĐV chạy nước rút khác, đạt tới tốc độ tối đa là 43,4 km/h ở thời điểm chạy được 70 mét trong cuộc đua 100 mét. Từ đó, tốc độ anh giảm xuống, dù chỉ ở mức vài phần trăm giây cho mỗi 10 mét còn lại. Tuy nhiên, trong một cuộc đua được quyết định bởi từng tích tắc, thì một giây cũng dài bằng một thiên niên kỷ.
Lý giải của khoa học
Tức là Bolt không phải bỗng nhiên nhanh hơn những người khác. Sự thật là tốc độ của anh giảm xuống chậm hơn (xét cho cùng, vật lý học đã luôn nói tốc độ chỉ là tương đối, và sự nhanh chậm cũng thế). Điều thú vị là các nhà khoa học hiện vẫn đang tìm hiểu tại sao con người, hay báo đốm và linh dương, cùng nhiều loài có vú chạy rất nhanh khác, lại chậm lại rất nhanh (có hơi khó hiểu, nhưng đúng là như thế).
Trước kia, các nhà nghiên cứu cho rằng sự giảm tốc bắt đầu khi năng lượng trong các cơ bắp cạn dần. “Tất cả các loài có vú chạy tốc độ cao, VĐV điền kinh, những con báo săn mồi… đều dựa vào năng lượng trong cơ thể, thường là dưới dạng glycogen”, Karen Steudel, giáo sư động vật học ở Đại học Wisconsin, Mỹ, nói. “Một khi nguồn năng lượng đó cạn, con người hay con báo về cơ bản coi như cũng “hết xắng””.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2012 của Matthew Bundle thuộc Đại học Montana, Missoula, và Peter Weyand thuộc Đại học Southern Methodist ở Dallas đã cho thấy sự suy giảm mạnh nhất trong vận động cơ là vào những giây đầu tiên của cuộc nước rút khi người chạy vẫn còn đang tăng tốc, điều cho thấy rất có thể việc giảm tốc sau vài chục mét đầu tiên có thể không liên quan tới việc chuyển hóa glycogen.
“Sự mệt mỏi của cơ bắp xảy ra từng phần một”, Weyand nói, và do đó cơ chế của nó vẫn còn là một điều bí ẩn, khó đo lường. Dẫu vậy, ý tưởng về việc cơ bắp mất dần năng lượng không phải cùng lúc mà từng phần một góp phần giải thích tại sao Bolt lại khó đánh bại như thế. Huyền thoại người Jamaica nhìn chung thường là người cao nhất trên đường chạy, trong khi nhịp chạy của anh không thua kém ai cả. Như thế, anh có thể di chuyển được những khoảng cách dài hơn với số bước chạy ít hơn. Cụ thể, Bolt hoàn tất 100 mét sau 41 sải chân, trong khi với các đối thủ của anh, con số trung bình là 45.
Nếu cơ bắp mất năng lượng từng phần, nghĩa là chúng trở nên yếu hơn sau mỗi bước chạy, thì nhờ ít sải chân hơn, cơ bắp của Bolt đỡ mệt hơn. Nếu giả thuyết đó đúng, thì nó giải thích được tại sao trong 20 mét cuối, anh chậm lại lâu hơn những người khác. Chạy nước rút hiệu quả nghĩa là tìm được sự cân bằng giữa chiều dài và cường độ sải chân (để so sánh, với những người biết nhạc, giống như trường độ và cao độ hài hòa thì mới cho ra một bản nhạc lý tưởng). Nếu sải chân dài hơn mức cân bằng, nhịp độ chạy sẽ bị ảnh hưởng. Còn sải chân quá ngắn sẽ không bao phủ đủ khoảng cách.
Ở kỳ Thế vận hội sắp tới, Bolt đang nhắm đến một kỷ lục vô tiền khoáng hậu: hat-trick của hat-trick, tức lần thứ 3 liên tiếp giành HCV Olympic ở cả 3 nội dung điền kinh nước rút 100 mét, 200 mét và 400 mét tiếp sức. Ngay lúc này, anh đã là VĐV chạy vĩ đại nhất mọi thời, nhưng Rio có thể còn chứng kiến một tượng đài kỳ vĩ hơn nữa.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Tags