Bóng bàn Trung Quốc đã thống trị thế giới và Olympic như thế nào?

Thứ Năm, 18/08/2016 15:28 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Có thể nhận thấy rõ ràng rằng hầu hết các VĐV bóng bàn tại Olympic Rio đều là người Trung Quốc (hay gốc Trung Quốc). Tầm ảnh hưởng của họ mạnh mẽ tới mức, người ta sẽ nghĩ rằng môn thể thao này chỉ dành riêng cho quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trong số 56 đội tuyển bóng bàn tại Olympic Rio năm nay, thì 21 tuyển trong số đó đều gồm các thành viên người Trung Quốc, hoặc gốc Trung Quốc. Nói cách khác, cứ 5 VĐV bóng bàn thì lại có 1 người Trung Quốc. Điều này chứng tỏ rằng nền bóng bàn thế giới đang thuộc về người Trung Quốc, vì cuộc chơi đã thật sự chỉ thuộc về họ.

Trung Quốc đã đem tới Rio lực lượng tốt nhất của mình. Không chỉ vậy, các tên tuổi người Trung Quốc còn xuất hiện trong các đội tuyển khác. Bên cạnh những Li Xiaoxia, Ding Ning, Ma Long hay Zhang Zike,... còn có rất nhiều các VĐV gốc Trung Quốc đại diện cho Ba Lan, Congo, Ukraine hay Luxembourg. Ví dụ, Ni Xialian, 53 tuổi, đại diện cho Luxembourg sau khi chuyển đến châu Âu vào năm 1989; Li Ping, VĐV giành chiến thắng nội dung đôi nam nữ tại giải Vô địch bóng bàn thế giới 2009, rời tuyển Trung Quốc vào năm 2014 và sang chơi cho tuyển Qatar vào năm 2015. Đến cả tuyển Mỹ cũng có hai tay vợt với xuất phát điểm Trung Quốc. Còn tuyển Úc có 3 tay vợt gốc Trung Quốc, người thứ tư sinh ra ở Melbourne nhưng có bố mẹ là Trung Quốc.


Ding Ning, vô địch đơn nữ tại Rio 2016

Từ năm 1999 cho đến nay, giải Vô địch bóng bàn Thế giới chỉ ghi nhận duy nhất một chức vô địch của một tay vợt không mang quốc tịch Trung Quốc. Đó là Werner Schlager người Áo khi vô địch nội dung đơn nam vào năm 2003. Sau Olympic 1988 tại Seoul, khi bộ môn bóng bàn lần đầu tiên xuất hiện, các tay vợt Trung Quốc giành tới 24/28 tấm Huy chương vàng ở bộ môn bóng bàn.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên hay các quốc gia châu Âu như Đức luôn cố gắng vượt bậc, sử dụng nhiều tay vợt bản địa, thay vì nhập tịch nhiều tay vợt Trung Quốc. Tuyển Hàn Quốc còn ra quy định về việc không để cho các VĐV Trung Quốc đánh đôi cùng các VĐV Hàn Quốc. Tuy vậy, khoảng cách vẫn không thể thu hẹp. Chênh lệch về đẳng cấp giữa các VĐV Trung Quốc và phần còn lại là quá lớn.


Ma Long cũng giành 2 Huy chương vàng tại Olympic năm nay

HLV tuyển bóng bàn của Luxembourg, ông Tommy Danielsson, cho rằng sự hiện diện của các VĐV Trung Quốc trong đội tuyển sẽ mang lại nhiều thành tích hơn, tuy vậy, họ sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của các VĐV địa phương. Ông cũng đã kêu gọi lên Liên đoàn Bóng bàn quốc tế phải có hành động để ngăn chặn sự thống trị của người Trung Quốc.

Năm 2009, nhận ra sự suy giảm của môn bóng bàn thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Bóng bàn Trung Quốc, ông Cai Zhenhia đã phát động “Kế hoạch nuôi sói”. Kế hoạch này cho phép các VĐV, HLV được đến “du học” tại các trung tâm huấn luyện bóng bàn ở Trung Quốc, nhằm cố gắng khôi phục lại sự cân bằng trong môn thể thao này.

Dẫu vậy, mặc dù dã có nhiều quy định nhằm đem lại tính cạnh tranh cao hơn cho bộ môn này, nhưng tại Rio năm nay, tất cả các Huy chương Vàng đều thuộc về người Trung Quốc.

T.Tú
Tổng hợp

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›