(Thethaovanhoa.vn) - Giáng sinh là dịp để bạn bè, người thân quây quần bên bữa tiệc nhưng cho đến những năm 1950, các trận bóng đá ở Anh thường diễn ra vào ngày Giáng sinh.
2 ngày, 3 trận đấu
Năm 1888, Everton thi đấu 2 trận vào ngày Giáng sinh, sau đó là một trận khác vào dịp Boxing Day. Cả 3 trận đấu đều diễn ra tại sân cũ của Everton - Anfield. Vào buổi sáng Giáng sinh, họ gặp Blackburn Park Road ở Lancashire Cup và thắng ngược 3-2. Đến buổi chiều, họ có trận đấu giao hữu thường niên với Ulster FC, thắng 3-0. Đến dịp Boxing Day, họ gặp Bootle trong điều kiện thời tiết xấu, có mưa đá, và trận đấu không có bàn thắng.
Một năm sau, trận đấu Football League đầu tiên được tổ chức vào ngày Giáng sinh là Preston North End gặp Aston Villa. Đội hình bất bại của Preston đang là đương kim vô địch Anh nhưng Aston Villa đã thắng trong trận đấu trước đó giữa hai đội bóng hàng đầu của xứ sở sương mù. Không có gì ngạc nhiên khi 9.000 người đã hoãn bữa tối gà tây của họ để đến sân, khiến đây là một trong những trận đấu có nhiều khán giả nhất vào thời kì sơ khai của giải vô địch Anh.
Preston đã thắng 3-2 sau đó đầy vất vả và rồi bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Anh.
Khi Football League mở rộng, các đội bóng phải di chuyển xa hơn trong những trận đấu vào ngày Giáng sinh. Thường thì họ sẽ đá luôn lượt về vào dịp Boxing Day trước một đối thủ để đảm bảo rằng các đội gặp nhau đều di chuyển bằng nhau. Chẳng hạn như năm 1908, Man City đánh bại Chelsea 2-1 vào ngày Giáng sinh và Chelsea thắng lại 2-1 vào dịp Boxing Day. Bristol thắng Bradford 1-0 và thua lại 0-1. Nhìn chung, phong độ trong những trận đấu như thế này không có ý nghĩa nhiều mà là chấn thương và thể lực đóng vai trò quan trọng. Đội mạnh hơn là đội có đội hình dự bị tốt nhất.
Giữa sự sống và cái chết
Trận bóng đá nổi tiếng nhất vào ngày Giáng sinh diễn ra vào năm 1914, thời điểm của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lúc này, “Thỏa thuận Giáng sinh” giúp khoảng 100.000 binh lính dọc theo Mặt trận phía Tây trao đổi quà tặng, hát những bài hát mừng và thi đấu bóng đá. Trận đấu đã đi vào truyền thuyết nhưng những lá thư từ nhiều người lính cho thấy trận đấu giữa quân Anh và quân Đức đúng là có diễn ra.
Có thể xem đó là một khoảnh khắc hiếm hoi của hòa bình trong một ngày quan trọng, khi hơn 16 triệu binh lính và thường dân đã thiệt mạng trong Chiến tranh thứ nhất.
Tuy nhiên, thời đấy, nhiều cầu thủ cũng kiêng thi đấu trong ngày lễ tôn giáo bởi lúc này, bóng đá Anh cũng không có các trận đấu diễn ra ngày Chủ nhật. Việc ra sân là tự nguyện và FA có quy định cho biết, không đội bóng nào phải thi đấu vào thứ Sáu tuần Thánh hay ngày Giáng sinh.
Thậm chí thì cho đến năm 1925, Arsenal không được phép thi đấu trong ngày Giáng sinh trên sân nhà của họ. Sở dĩ như vậy vì Highbury thuộc sở hữu của Trường dòng St John. Năm 1925, Arsenal đã mua lại mảnh đất này và vào lúc 11 giờ 15 phút sáng Giáng sinh, họ có trận đấu vào ngày Giáng sinh đầu tiên, gặp Notts County, trước 33.500 người hâm mộ. Arsenal giành chiến thắng 3-0.
Những cái đầu không tỉnh táo
Lịch thi đấu bận rộn vào dịp lễ mang lại nhiều tiền cho các đội bóng nhưng cầu thủ thì không thích vậy. Bởi ngày lễ là ăn uống, say xỉn. Cũng vì thế mà một số đội bóng đã phải chiều cầu thủ theo kiểu cho họ “say tới bến”.
Tiền đạo Ted Crawford có kể lại rằng, cả đội Clapton Orient của anh đã say xỉn trước trận đấu trong ngày Giáng sinh với Bournemouth vào năm 1931 vì một thùng bia do chính HLV của họ tặng. Crawford đã không thể nhìn thẳng và cuối cùng gục trên sân. Clapton (nay là Leyton) Orient thua 2-1, nhưng họ đã thắng lại 1-0 trong trận lượt về vào dịp Boxing Day.
Bóng đá ngày Giáng sinh tiếp tục trong Chiến tranh thế chiến thứ hai, và mang đến những trận đấu nhiều bàn thắng. Chẳng hạn như năm 1940, 40 trận đấu diễn ra đã có 210 bàn thắng được ghi, như Southend đánh bại Clapton Orient 9-3, Bournemouth thắng Bristol City 7-1, Mansfield đánh bại Stoke 7-2, và Bury và Halifax hòa 5-5.
Một số đội thậm chí còn chơi 2 trận ngày hôm đó, như Leicester thua 2-5 tại Northampton vào buổi sáng và thắng 7-2 trên sân nhà vào buổi chiều.
Toàn cảnh thế giới
Sau Anh, nhiều giải đấu, nhiều nước cũng tổ chức các trận đấu vào ngày Giáng sinh. Thậm chí cả các trận đấu quốc tế, đáng chú ý nhất là ở Nam Mỹ. nơi Argentina, Brazil, Ecuador và Paraguay gặp nhau tại Copa America vào ngày 25/12. Ở châu Âu, Pháp gặp Bỉ trong các trận đấu giao hữu vào ngày Giáng sinh năm 1952, 1955 và 1963, thua cả ba, và cũng thi đấu với Bulgaria năm 1957, hòa 2-2. Các đội tuyển cũng ra sân trong ngày Giáng sinh có Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel, Palestine, Ghana và Uzbekistan. Mới đây nhất, vào ngày 25/12/2012, UAE đã đánh bại Yemen 2-0 trong một trận giao hữu ở Doha.
Tuy vậy thì ngày Giáng sinh năm 1957 là ngày cuối cùng bóng đá Anh ra sân đồng loại. Sự xuất hiện của đèn sân và các trận đấu vào buổi tối khiến người ta cảm thấy không cần thiết phải tổ chức thi đấu vào ngày lễ. Và vì thế mà đến năm 1958 chỉ còn 3 trận đấu ở First Division diễn ra vào ngày 25/12 và năm 1959 chỉ có 1 trận đấu. Trận đấu cuối cùng của bóng đá Anh diễn ra vào ngày Giáng sinh là trận đấu giữa Blackpool và Blackburn năm 1965.
Một kế hoạch hồi sinh các trận đấu trong ngày Giáng sinh đã thất bại vào năm 1983 khi đội hạng ba Brentford định gặp Wimbledon vào lúc 11 giờ sáng Giáng sinh.
Đó là tại Anh, còn ở Scotland, bóng đá chỉ được tổ chức trong ngày Giáng sinh nếu đó là thứ Bảy. Và lần cuối cùng những trận đấu như thế diễn ra là năm 1976 khi Clydebank gặp St Mirren (2-2) và Alloa gặp Cowdenbeath (2-1).
Tuy nhiên, bóng đá ngày Giáng sinh vẫn diễn ra ở Bắc Ireland, nơi trận chung kết Steel and Sons Cup thường được tổ chức vào ngày 25/12. Giải đấu này có gần 120 năm tuổi sau khi được thành lập 1890 bởi nhà buôn vàng bạc người Belfast là David Steel.
Mạnh Hào
Tags