Ngay khi các trường công bố điểm, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo nếu thấy điểm số của mình “có vấn đề”. Tuy nhiên, thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ, vì không nhiều trường hợp được nâng điểm. Do đó, kéo theo cả việc thí sinh bị giảm cơ hội được xét tuyển nguyện vọng 2, 3.
Hiếm khi được nâng điểm
TS Trần Văn Nghĩa-Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngay sau khi các trường công bố điểm thi, các thí sinh nếu thấy mức điểm chưa thỏa đáng có thể gửi đơn xin phúc khảo. Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) các trường ĐH, CĐ sẽ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố điểm thi và trả lời thí sinh chậm nhất 15 ngày kể từ khi hết hạn nhận đơn. Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo phải nộp lệ phí theo quy định của trường (đối với các môn tự luận là 15 ngàn/1 đơn, các môn năng khiếu có quy định riêng của mỗi trường), nếu sau khi phúc khảo phải sửa điểm thì HĐTS sẽ hoàn lại khoản lệ phí này cho thí sinh. Các môn năng khiếu sẽ không được phúc khảo.
TS Nguyễn Hoàng Việt-Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng-người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh khẳng định: “Những bài thi được nâng điểm lên sau khi phúc khảo rất ít. Mức điểm cao nhất cũng chỉ là 0,25 điểm. Mà nguyên nhân những bài nâng điểm cũng chủ yếu do một sự sai sót nào đó khi cộng điểm thành phần các câu trong bài làm, chứ không phải là do cán bộ chấm thiệt điểm của thí sinh”. Bởi vì quy trình chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ được thực hiện rất chặt chẽ. Trước khi chấm, Hội đồng tuyển sinh các trường thường có tổ chức chấm thử và thảo luận kỹ phương án chấm dựa trên đáp án và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là căn cứ để chấm phúc khảo sau này. Các bài thi được tổ chức chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt. Thang điểm chấm thi là thang điểm 10 và được tính đến 0,25 điểm. Vì vậy những trường hợp được nâng điểm sau khi phúc khảo không nhiều.
Thiệt đơn, thiệt kép
Các thí sinh cũng cần lưu ý, thông thường mức điểm do các thí sinh tự chấm cho mình sẽ “lạc quan” hơn thực tế khá nhiều. Trung bình cũng khoảng từ 1-3 điểm. Bởi vì khi tự so sánh với đáp áp và ba rem của Bộ GD&ĐT công bố, thí sinh thường không chấm cho mình phần trình bày. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các môn xã hội. Trong khi đó, việc chấm thi thật tại các hội đồng thi sẽ có hướng dẫn chấm cho toàn bộ bài thi của thí sinh. Vậy nên, chỉ nên nộp đơn khi có sự chênh lệch lớn giữa điểm thi trường công bố và mức điểm mà thí sinh tự chấm.
Khi chấm phúc khảo bị hạ điểm, thí sinh không chỉ làm hạn chế cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường đã đăng ký mà có thể tự hạn chế khả năng trúng tuyển khác. Trước tiên là khả năng được xét tuyển vào những ngành khác trong trường. Có rất nhiều trường chỉ xác định điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành. Những thí sinh không đủ điểm ngành đã đăng ký sẽ được nhà trường xét tuyển vào các ngành thấp điểm hơn. Ngoài ra, hiện nay có một số trường đại học xác định điểm chuẩn theo nhóm ngành (thường tương đương với khối thi). Nếu trượt ngành này thí sinh vẫn có thể được đỗ vào nhóm ngành khác. Thực tế, chương trình đào tạo các ngành trong một nhóm ngành của một trường khá giống nhau.
Và đặc biệt, nếu trượt NV1 thì các thí sinh còn rất nhiều cơ hội để trúng tuyển theo NV2, NV3. Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, ngày 10/8 sẽ công bố điểm sàn ĐH, CĐ. Những thí sinh có mức điểm trên 3 môn trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT sẽ được tham gia xét tuyển NV2,3 vào các trường có chỉ tiêu. Thực tế các năm tuyển sinh, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo NV1 chỉ chiếm khoảng 2/3, còn lại theo NV2, NV3. (Năm 2007 có 63,5% theo NV1, 31% theo NV2 và 5,5% theo NV3). Hơn nữa, có rất nhiều trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển nên có rất nhiều cơ hội dành cho thí sinh.
Lưu ý thủ tục các trường đại học vùng
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh dự thi ở hội đồng thi nào thì nộp đơn phúc khảo ở hội đồng thi đó. Tuy nhiên, đối với một số trường đại học vùng (trường đại học có nhiều đại học và khoa thành viên) các thí sinh thường phải gửi đơn phúc khảo về hội đồng tuyển sinh của “trường to”. Ví dụ, trường ĐH Đà Nẵng có 8 cơ sở đào tạo (ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum và Khoa Y-Dược). Theo TS Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng thì các thí sinh có nguyện vọng phúc khảo bài thi phải gửi đơn về ĐH Đà Nẵng.
Về quy trình chấm bài thi phúc khảo, TS Trần Văn Nghĩa-Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Sau khi nhận được đơn của thí sinh, các hội đồng tuyển sinh sẽ rút bài thi giao cho ban phúc khảo. Ban thư ký hội đồng tuyển sinh phải tra cứu biểu số 3 để từ số báo danh tìm ra số phách bài thi, đối chiếu với danh sách theo dõi thí sinh để kiểm tra đối chiếu số tờ giấy thi, kiểm tra sơ bộ tình trạng bài thi, đối chiếu những phần thí sinh xin phúc khảo trong bài thi và trong đơn. Hội đồng tuyển sinh cũng phải cộng lại các điểm thành phần, đối chiếu với điểm đã công bố để phát hiện xem có sai sót hoặc xô phách không. Các công việc liên quan đến việc phúc khảo phải có ít nhất từ hai người trở lên và tuyệt đối bí mật về quan hệ giữa số báo danh và số phách. Việc phúc khảo bài thi do 2 cán bộ chấm thi thực hiện riêng biệt, trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực có màu khác.
Theo quy định, nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho trưởng ban phúc khảo tổ chức chấm lần ba trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác. Nếu kết quả của hai trong ba lần phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu ba lần chấm cho kết quả lệch nhau thì trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm điểm chính thức. Trong trường hợp phúc khảo bài thi mà thí sinh từ diện không trúng tuyển thành trúng tuyển (và ngược lại), hoặc lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì hội đổng tuyển sinh sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ phúc khảo đối với các bài thi có điều chỉnh điểm. Điểm phúc khảo sau khi đối thoại giữa hai cặp chấm và được Chủ tịch hội đồng tuyển sinh ký duyệt là điểm chính thức của bài thi.