(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên bơi lội Việt Nam có huy chương ở cấp độ thế giới và việc phá kỷ lục bản thân nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ (2 phút 12 giây 33) của Ánh Viên là rất đáng ghi nhận. Đó là đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa sáng qua (12/8), không lâu sau khi đón nhận thông tin Ánh Viên giành HCĐ nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ tại Cúp bơi lội thế giới ở Moskva (Nga), chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Xin chúc mừng VĐV Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn về tấm huy chương vừa mới giành được. Xét về mặt hình thức, đây là lần đầu tiên bơi lội Việt Nam có được một tấm huy chương ở một giải đấu tầm cỡ thế giới.
Nhưng điều đáng mừng hơn cả là Ánh Viên đã phá được kỷ lục của bản thân ở nội dung 200m hỗn hợp, đạt chỉ số thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Từ SEA Games đến giải VĐTG và bây giờ là Cúp thế giới, với mật độ thi đấu liên tục như vậy mà Ánh Viên cải thiện được thành tích của bản thân là rất đáng nể và tôi nghĩ đây mới là điều quan trọng nhất”.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, chúng ta tự hào khi Ánh Viên đã giành HCĐ Cúp thế giới nhưng cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là, Cúp bơi lội thế giới khác hẳn về tính chất so với giải VĐTG mới kết thúc hôm 9/8 tại Kazan (Nga).
“Cúp thế giới tổ chức 8 giải trong 1 năm, khác giải vô địch thế giới, giải này cũng không quy tụ nhiều VĐV xuất sắc nhất. Như ở nội dung 200m hỗn hợp mà Ánh Viên giành HCĐ thiếu nhiều gương mặt xuất sắc, một số nước còn cử VĐV trẻ tham gia.
Cô VĐV người Hungary giành HCV (Katinka Hosszu – PV) thành tích ở Cúp thế giới cũng không tốt bằng giải vô địch thế giới diễn ra trước đó. Tại giải VĐTG mỗi nội dung có khoảng 50-90 VĐV tham gia tranh tài thì ở Cúp thế giới, có nội dung chỉ 6 VĐV thi đấu, các VĐV hàng đầu thế giới cũng không xuất hiện nhiều ở giải này.
Khi VĐV thi đấu ở một giải mà biết chắc mình sẽ thất bại, tâm lý khi nhập cuộc sẽ khác so với một giải đấu vừa sức. Thành tích của 2 VĐV Hungary xếp trên Ánh Viên ở nội dung 200m hỗn hợp khoảng cách không lớn. Trong khi đó, tại giải VĐTG ở Kazan, đối thủ của Ánh Viên thể hiện trình độ vượt trội”.
Quan điểm của nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Hồng Minh cũng trùng với ý kiến của HLV Đặng Anh Tuấn. Trao đổi ngắn gọn với báo chí sau khi cô học trò Nguyễn Thị Ánh Viên giúp bơi lội Việt Nam tạo nên kỳ tích ở đấu trường Cúp thế giới, ông Tuấn cho biết: “Việc giành HCĐ không quan trọng bằng chuyện Ánh Viên đạt thành tích tốt nhất ở nội dung 200m hỗn hợp từ trước đến nay.
Giải đấu diễn ra ở Kazan có quá nhiều đối thủ mạnh, Ánh Viên thi đấu chủ yếu để tích luỹ kinh nghiệm và làm nóng cho Cúp thế giới. Do không có quá nhiều đối thủ sừng sỏ nên cơ hội giành huy chương của Ánh Viên ở giải đấu tại Moskva cao hơn. Tấm HCĐ lần này sẽ có tác động rất tốt tới sự nghiệp của Ánh Viên sau này” – HLV Đặng Anh Tuấn khẳng định.
Cúp bơi lội thế giới năm 2015 do Liên đoàn bơi lội thế giới (FINA) tổ chức có 8 chặng gồm Moskva (11 và 12/8), Paris-Chartres (15 và 16/8), Hong Kong (25 và 26/9), Bắc Kinh (29 và 30/9), Singapore (3 và 4/10), Tokyo (28 và 29/10), Doha (2 và 3/11), Dubai (6 và 7/11).
Sau khi kết thúc nội dung thi đấu cuối cùng là 400m hỗn hợp cá nhân nữ vào rạng sáng nay (13/8, theo giờ Việt Nam), HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên di chuyển sang Paris (Pháp) thi đấu chặng tiếp theo vào các ngày 15 và 16/8 trước khi quay về Mỹ tiếp tục tập luyện vào ngày 18/8.
Lâm Chi
Thể thao & Văn hóa
Tags