1. Mắt đen, răng khểnh, nụ cười tươi - nhiều người công nhận khuôn mặt Thanh Tú có những nét rất đặc trưng của phụ nữ Hà Nội xưa. Chẳng vậy, hầu hết những bộ phim chị tham gia đều lấy bối cảnh của một Hà Nội cũ: Gánh hàng hoa, Em bé Hà Nội, Chuyện tình tuổi 17, Sao tháng Tám…Lúc khăn mỏ quạ, lúc áo nâu non, lúc trong trang phục của một tiểu thư thành thị, ngần ấy vai diễn cũng là ngần ấy lần Thanh Tú hóa thân thành những cô gái Hà Nội trong đủ mọi thăng trầm của lịch sử.
Rồi cả sân khấu nữa. Nhất định bỏ dở trường ĐH Kiến trúc khi đang là sinh viên năm đầu, cô con gái rượu của ông Thứ trưởng Bộ xây dựng đã chuyển sang Trường Sân khấu Hà Nội (nay là ĐH Sân khấu Điện ảnh), bất chấp sự phản đối của gia đình. Ra trường năm 1964, cho tới khi nghỉ hưu, cũng chỉ duy nhất Nhà hát kịch Hà Nội là nơi Thanh Tú chọn để gắn bó với nghiệp diễn.
Đợt dựng Sao tháng Tám, nhiều người lo lắm: Tú là con gái phố cổ, liệu có vào được mẫu “bần nông” như Nhu? Rồi, phim quay ở nhà máy điện Yên Phụ. Nghỉ trưa, tôi ăn cơm ở chợ Châu Long – Thanh Tú hào hứng kể. Một người đàn ông bắt chuyện, tưởng tôi làm nghề nhặt than thật nên thương lắm. Cả tuần liền, ông chờ tới buổi trưa để gặp và trả hộ tiền cơm. Còn tôi thì nghịch ác, không nói thật.
Đến giờ, đều đặn mỗi năm, Sao tháng Tám được phát sóng lại nhân ngày Cách mạng. Vai cô Nhu của Thanh Tú đã mang lại cho chị giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt
Cũng khó rạch ròi được rằng danh hiệu NSUT Thanh Tú có được là nhờ điện ảnh hay sân khấu. 3 năm sau khi đóng Sao tháng Tám, Thanh Tú lại có một dấu ấn lớn nữa tại Nhà hát kịch Hà Nội với vai Quận công Minpho (Âm mưu và tình yêu) năm 1979. Yêu đương, hận thù, ghen tuông, vật vả… ngần ấy tâm trạng cùng liên tục thay nhau bộc lộ và hoán đổi trong vai diễn Mipho, với hàng chục trang độc thoại mà tác giả Schiller đã viết lên. Tập, nhập vai, cố phân tích và hiểu tâm lý nhân vật, rồi cũng tới lúc Thanh Tú nuốt trọn vai diễn ấy. Diễn tới mức xuất thần,nhận những tràng vỗ tay như vỡ rạp của khán giả, rồi khi ngừng diễn, ăn bát phở bồi dưỡng mà miệng đắng nghét vì mệt. Nói như lời chị, diễn xong thì cơ thể rời rã không còn là chính mình..
Định nghĩa phong cách riêng của sân khấu kịch Hà Nội là gì thì cũng khó cắt nghĩa thành lời. Nhìn chung, như một quy ước ngầm, các vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam thì sang trọng, chuẩn mực, kịch Tuổi trẻ thì sắc sảo, hóm hỉnh, trẻ trung, còn kịch Hà Nội thì cố gắng tìm được sự điềm đạm, nền nã và lịch thiệp. Khi làm vở thì mọi người luôn theo hai hướng ấy- Thanh Tú trả lời khi nói về kịch Hà Nội.
2. Nói công bằng, diễn viên có điều kiện thuận lợi như Thanh Tú không nhiều. Với địa vị của cha mẹ, gia đình chị thuộc loại danh giá trong khu phố cổ Hà Nội khi trước. Năm 9 tuổi, Thanh Tú được gửi đi học tại Trung Quốc trong chương trình “tạo nguồn” dành cho con em cán bộ cấp cao. Bây giờ, trong số bạn bè cùng đi năm ấy, rất nhiều người thành đạt trên chính trường và vẫn luôn gặp chị.
Thẳng thắn, hồn nhiên và không ngại nói về những câu chuyện của mình, mấy năm qua, đã có không ít bài viết tìm đến chị về những câu chuyện khá riêng tư. Chuyện hạnh phúc gia đình, rồi chuyện sống, chuyện yêu, cả chuyện quy y đạo Phật từ hơn 20 năm trở lại đây. Quy y, nhưng không cắt tóc hay ở lại tại chùa - mà như chị nói, tu tại gia hay tại tâm đều được. Nhưng, một phần lớn thời gian trong cuộc trò chuyện với TT&VH, Thanh Tú nói về nghề đạo diễn sân khấu.
Muốn tìm một hướng mới trong nghề sân khấu, Thanh Tú theo học khoa đạo diễn sân khấu của trường ĐH SKĐA đầu những năm 80. Quay về Nhà hát kịch Hà Nội, chị dựng các vở như Đỉnh cao và vực thẳm (1989), Cơ đấm (1991), Thị trường trái tim (1993), Thoát vòng tục lụy (1994). Giữa thập niên 1980, sân khấu chuyển mình và bước sang một môi trường mới. Nhưng rồi, những éo le trong chuyện công việc, Thanh Tú cũng không có duyên trong việc tham gia đạo diễn trực tiếp những vở diễn đó. Thành công lớn nhất của Thanh Tú là vở kịch Cầu vồng trắng của tác giả Thiều Hạnh Nguyên dàn dựng năm 2000. Câu chuyện đẹp như một bài thơ. Nhưng cũng chỉ tới đó thôi…
“Nhiều lúc, tôi cũng tổ chức những buổi diễn theo kiểu xã hội hóa. Nhưng rồi, làm mãi như vậy cũng thấy tủi - Thanh Tú kể - có một lần, tôi nhớ mãi, hội nghị hợp đồng tới diễn. Diễn gần tới giờ, bên công đoàn đưa cho mình một phong bì: “Các chị cầm chút bồi dưỡng, nghỉ đi”. “- Không, theo hợp đồng thì chúng tôi biểu diễn cơ mà” – các chị thắc mắc. Và rồi nhận được câu trả lời dứt khoát: “Không, chị cầm lấy rồi nghỉ đi”.
Nhìn ngoài, ít ai nghĩ Thanh Tú đã ngần ấy tuổi. Vẫn khỏe - để hàng ngày ngược xuôi trên đường phố Hà Nội bằng chiếc xe cub được “độ” lại với màu vàng rất trẻ trung.Vẫn đủ vui tươi để nhìn lại quãng đời đã qua của mình.
NSUT Thanh Tú, sinh năm 1944 tại Hà Nội. Các vai diễn tiêu biểu: Biển lửa (1966), vai Thảo; Tiền tuyến gọi (1969), vai cô sinh viên Hương Giang; Em bé Hà Nội (1974), vai mẹ bé Hà; Vùng trời (1975), vai chị Hảo; Sao tháng Tám (1976), vai Nhu (điện ảnh); Tanhia (1976), vai Tanhia; Âm mưu và tình yêu (1979), vai quận chúa Minfo (sân khấu)