(TT&VH)- Phân biệt chủng tộc rõ ràng là hành vi đáng trách, nhưng việc chúng ta cứ tỏ ra quá “mẫn cán” trong việc lên án nó liệu có làm cho vấn đề trở nên dễ dàng hơn?
Cứ la ó là phân biệt chủng tộc?
Hãy bắt đầu với một trận đấu giữa Chelsea và Lazio tại Stamford Bridge vào mùa Thu năm 2003. Simone Inzaghi nhận một cú “tắc” bóng của John Terry. Albertini sau khi giành lại được bóng và thấy đồng đội vẫn nằm trên sân đã đá bóng ra biên để các bác sĩ vào sân. Khoảng 1 phút sau, Glen Johnson thực hiện quả ném biên. Angelo Peruzzi, thủ môn của Lazio, ra dấu xin lại bóng. Nhưng Glen Johnson đã tảng lờ và ném bóng lại cho William Gallas. Những tiếng la ó vang lên từ phía các CĐV Lazio.
Đến lúc này thì bóng đã được đưa tới chân Frank Lampard. Vẫn những tiếng la ó. Vài cầu thủ Lazio lúc này cũng bắt đầu vẫy tay phản đối. Lampard chuyền bóng lại sau cho Claude Makelele, người đã nhận bóng rồi sau đó đá quả bóng ra biên và ra dấu tay tỏ vẻ đồng tình. Một câu hỏi cũ rằng liệu bạn có trả lại bóng trong trường hợp nó được đối phương phá ra biên khi có cầu thủ của họ chấn thương? Ở Italia, điều đó là hiển nhiên và chuẩn mực. Nhưng ở Anh, không phải tất cả đều như vậy. Makelele, một cầu thủ vừa gia nhập sân cỏ nước Anh từ Real Madrid đã nhận thức được điều đang xảy ra và thực hiện một việc đúng đắn (đá bóng ra biên). Anh ta thậm chí đã nhận được một số tràng pháo tay cổ vũ cho hành động lịch sự ấy. Nhưng sự việc đôi khi đã đi quá xa vì một số phóng viên chỉ chăm chăm nghe ngóng những tiếng la ó nhắm vào các cầu thủ da màu để khai thác đề tài phân biệt chủng tộc!
Suarez (trái) đã từng bị treo giò 8 trận vì có hành vi phân biệt chủng tộc với Evra (phải)- Ảnh Getty
Chúng ta đang sống trong một thế giới (tương đối) văn minh. Bạo lực, giận dữ và thù hận đều không được tán thành. Điều mà người ta đang ủng hộ và khuyến khích sự ghét bỏ đó là phân biệt chủng tộc. Một bài báo về các CĐV phân biệt chủng tộc (trừ phi họ là CĐV của chính CLB chúng ta, tất nhiên) là một sự an ủi và thu hút. Nó cho phép chúng ta thể hiện tinh thần ghét bỏ của mình đối với phân biệt chủng tộc. Và nó giúp chúng ta có cảm giác thoải mái rằng “ồ, chúng ta không giống họ (những kẻ phân biệt chủng tộc)”.
Chúng ta đang nhầm lẫn
Chủ nghĩa phát xít chỉ xếp thứ hai sau phân biệt chủng tộc trong danh sách mà con người phản đối. Cũng giống như phân biệt chủng tộc thường có những biểu hiện giúp chúng ta nhận biết như la ó, huýt sáo, giả tiếng khỉ, v.v, chủ nghĩa phát xít có kiểu chào đặc trưng mà ai cũng có thể nhận ra. Tất cả những điều đó thật tuyệt vời cho những người quyết tâm “chiến đấu chống phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phát xít” vì nó giúp họ dễ dàng nhận ra và “định vị”.
Nhưng khi các tín hiệu không rõ ràng hoặc là khi bạn cố tình hiểu sai nó, thì những nhầm lẫn sẽ xảy ra. Người ta đã nói những CĐV Italia là những kẻ phân biệt chủng tộc khi gọi Alvaro Recoba là “El Chino” – nghĩa là người Trung Quốc bởi khuôn mặt rất Á Đông của cầu thủ này. Họ không để ý một sự thật rằng thuật ngữ “El Chino” thực sự là một từ tiếng Tây Ban Nha mà đã được dùng như tên gọi thân mật của Recoba từ khi anh ấy còn là một đứa trẻ. Hoặc, thực tế rằng anh ta đã từng sử dụng danh thiếp của mình in chính chữ “El Chino”. Rõ ràng phải lưu ý rằng mỗi nền văn hóa có cảm nhận rất riêng về điều gì là chấp nhận được và điều gì là không chấp nhận được.
Nhưng phân biệt chủng tộc chính xác là cái gì? Những rắc rối bắt đầu từ đây. Đúng, bắt chước những âm thanh giống khỉ và tiếng la ó của những người da đen là những hành vi phân biệt chủng tộc. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tất cả những người phát ra những âm thanh đó là những người phân biệt chủng tộc. Việc làm điều gì đó mang tính phân biệt và trở thành một kẻ “phân biệt chủng tộc” là hai phạm trù hoàn toàn riêng biệt.
Giả tiếng khỉ chưa phải là điều tồi tệ nhất
Trong niềm hân hoan vui sướng của việc tự cho mình là đúng đắn khi gắn mác phân biệt chủng tộc cho người khác, chúng ta quên mất rằng những người có hành vi biểu hiện của phân biệt chủng tộc có thể là những kẻ mà bản thân đã có thành kiến chủng tộc sâu sắc, với sự phân biệt thâm căn cố đế chống lại những người có khác màu da, nhưng cũng có thể họ đơn thuần chỉ là những người đang huýt gió về phía các cầu thủ và CĐV đội bạn nhằm thu hút sự chú ý hoặc để thể hiện sự máu lửa, hiếu chiến của mình, còn trong thực tế, bản thân họ không hề có thành kiến hay phân biệt.
Đặt vấn đề ngược lại. Bạn có thể chẳng bao giờ nói ra một từ hay làm một điệu bộ nhìn thấy được nào mang tính phân biệt chủng tộc trong cuộc sống nhưng bạn lại cấm con gái mình hẹn hò với một chàng trai da màu hay từ chối cất nhắc một anh chàng lên vị trí cao hơn chỉ vì khác nguồn gốc, hay đơn giản hơn nữa là việc bạn hy vọng rằng sẽ không có người da đen nào ngồi vào chiếc ghế trống cạnh bạn trên xe buýt. Với những hành động trên liệu bạn có thể nói rằng bạn không phải là một người phân biệt chủng tộc? Nó thậm chí là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều so với những gã trai tạo tiếng khỉ nhằm vào Shaun Wright-Philips hay Mario Balotelli.
Mạnh Hùng
*Trang Câu chuyện ngày thứ Năm do Mạnh Hùng thực hiện. Chuyên mục xuất hiện vào thứ Năm hàng tuần