* Anh đáng giá thế nào về màn thể hiện của các tay vợt VN tại giải lần này, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia?
- Nhìn chung một số tay vợt cũng đã thi đấu rất cố gắng. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, ngoài trình độ chuyên môn chưa có nhiều điểm nhấn thì có cảm giác, các tay vợt không thể hiện được động lực thi đấu của mình. Đã là VĐV của ĐTQG thì bất kỳ ở giải đấu nào cũng phải có động lực. Có động lực thì mới có sự tự tin, niềm tin. Ngoài ra, thi đấu phải có sự chuẩn bi tốt về thể lực mới thể hiện tốt được chuyên môn. Tôi lấy ví dụ như ở giải này, việc BTC tổ chức thi đấu theo giờ quốc tế, tức là bắt đầu từ 9-10h sáng thông qua trưa, một số tay vợt VN không theo kịp dẫn đến những kết quả không như mong muốn. Các VĐV của VN quen thi đấu với giờ riêng tại các giải toàn quốc nên khi thi đấu với các VĐV nước ngoài thường gặp bất lợi.
* Còn về vấn đề tâm lý thi đấu. Rõ ràng là nếu Đinh Quang Linh không bị khớp tâm lý thì đâu để thua Gao Ninh với những tỷ số cách biệt trong trận chung kết nam?
- Tâm lý cũng chỉ là một phần. Cần phải có kỹ thuật và đặc biệt là khả năng gây ra đột biến bằng những sở trường của mình. Khi gây ra khó khăn cho đối phương thì mới họ mới dễ để lộ nhược điểm. Thử nhìn lại mà xem, tất cả những tay vợt mạnh đều có “ngón nghề” riêng của mình.
Vũ Mạnh Cường rất lo lắng cho tương lai của bóng bàn VN
- Linh là một trong những VĐV trẻ đáng chú ý nhất hiện nay. Tuy nhiên theo tôi nghĩ, với lối chơi cắt bóng chỉ có thể chiếm ưu thế ở trong nước, còn ra quốc tế thì Linh phải có thêm những pha giật đối giật chứ không thể chỉ mãi phòng thủ, đợi đối thủ “tự sát”.
* Người hâm mộ bóng bàn VN rất thất vọng về phong độ của tay vợt số 1 Đoàn Kiến Quốc. Dưới con mắt chuyên môn anh có thể lý giải về sự sa sút của tay vợt này?
- Thể thao là phải có sức trẻ, sức khoẻ. Ở đây thì Kiến Quốc đang đi xuống thấy rõ. Việc tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng thi đấu âu cũng là chuyện bình thường trong thể thao. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, lý giải về sự sa sút của Kiến Quốc tại giải lần này cũng một phần là do tay vợt này không có nhiều động lực thi đấu.
* Vậy theo anh thì Kiến Quốc có thể thi đấu đỉnh cao được bao nhiêu thời gian nữa?
- Ở độ tuổi của Kiến Quốc thì tôi nghĩ cũng chỉ khoảng 2 năm nữa thôi.
* Bóng bàn nam VN từ xưa tới nay luôn có đội ngũ kế thừa. Tuy nhiên sau thế hệ của Kiến Quốc, có vẻ chúng ta chưa tìm được nhân tố thay thế?
- Theo quan sát của tôi thì chưa có. Đây là một báo động với thế hệ bóng bàn trẻ của VN hiện nay.
* Anh lý giải sao về điều này?
- Muốn có VĐV kế thừa thì quan trọng nhất là LĐ Bóng bàn VN phải có chiến lược đưa các VĐV trẻ vào tập luyện cùng ĐT. Như hiện nay, cả ĐT cũng chỉ có 7-8 VĐV, trong khi chúng ta có khá nhiều nhân tố triển vọng, gần tương đương thành phần ĐTQG nhưng lại không được tập luyện ở môi trường tốt. Trong khi đó, chúng ta cũng phải chấp nhận hy sinh 1, 2 kỳ SEA Games để cho các VĐV trẻ thử lửa. ĐTQG là phải có sự đào thải. Còn nếu cứ tiếp tục đuổi theo thành tích như hiện tại, tôi nói thật 1-2 năm nữa các tay vợt trẻ cũng quá tuổi và hết động lực.
Ngoài ra, việc tìm kiếm và đào tạo các VĐV trẻ ở các tỉnh cũng ngày càng không được chú ý. Trung Quốc đào tạo được mấy trăm VĐV mỗi năm thì ta cũng phải được chục VĐV chứ?. Tuy nhiên, nhìn cả nền bóng bàn VN hiện nay, tài năng trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
* Xin cảm ơn anh!