Môn lặn là điểm sáng hiếm hoi cho sự… nổi
Nhiều người trong cuộc đã phải than thở như vậy để diễn đạt tình trạng khan hiếm các thông số chuyên môn tốt, thông qua cột mốc dễ thấy nhất là các kỷ lục quốc gia, rõ nhất với nhóm môn cơ bản có tính định lượng chính xác. Tổng cộng chỉ có 45 kỷ lục quốc gia được phá – một con số được xem là chưa xứng với tầm một cuộc đấu mang tính kết đọng cho cả một chu kỳ 4 năm, mà các đơn vị, từng VĐV đã phải tốn nhiều đầu tư, công sức. Trong đó, phải buồn hơn vui vì môn lặn lại “nổi” nhất khi chiếm tới 17 kỷ lục, vượt xa bắn cung (12), cử tạ (7), điền kinh (3) và bơi (2). Lặn không phải là môn phổ biến, hiếm khi được đưa vào hệ thống thi đấu quốc tế, và kể cả bắn cung chẳng hề là thế mạnh, nên sự tỏa sáng của hai môn này gần như không phản ánh bước tiến nào cho thể thao Việt Nam.
Các ngôi sao hàng đầu như Ánh Viên dù đoạt tới 18 HCV, Kim Tuấn lấy dễ 3
HCV, Vũ Thị Hương vô đối trên hai đường chạy ngắn… đều chỉ có thành tích ngang, kém, thậm chí thua khả
năng vốn có của mình. Điểm qua cả 36 môn thi, nhiều môn “kéo” cả cựu binh hay
quân trẻ về đấu giải cũng gần như không “bói” đâu ra những gương mặt mới đột phá
hay triển vọng. Với nhóm môn võ vật, tình trạng quyết liệt ăn thua huy chương là
có song trình độ, tính cạnh tranh chuyên môn lại không cao. Riêng bóng đá nam -
môn thể thao vốn được xem là hấp dẫn nhất, nhưng chỉ có 5 đội dự tranh, và đều
ưu tiên quân trẻ hay tập dượt cho V.League hay hạng Nhất.
Ánh Viên (giữa) từ lập kỷ lục giành tới 18 HCV
Tấm mức châu Á đếm chưa hết mười đầu ngón tay
Nếu như lấy đích châu lục là đích quan trọng nhất mà thể thao Việt Nam hướng tới, rõ ràng những gì thể hiện qua Đại hội TDTT toàn quốc là chưa đạt yêu cầu. Bởi cuộc đấu ròng rã, hút gần như toàn lực của cả ngành lại chỉ cho ra được thành quả đếm chưa hết mười đầu ngón tay những thành tích vươn tới đỉnh cao châu Á. Đáng kể nhất với trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người bắn vượt kỷ lục thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Nó đã tiếp tục khẳng định đẳng cấp của vị đại tá quân đội, chỉ có điều bảo rằng anh đạt được nó nhờ sung lực của Đại hội e rằng quá khiên cưỡng. Cũng ở môn bắn súng, còn có Quốc Cường và Minh Thành cũng đạt ngang tầm huy chương châu Á ở sở trường của mình. Điền kinh có hai tài năng trẻ Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan tiệm cận mức này trên hai đường chạy 400m và 400m rào, riêng Huyền đã vượt HCĐ ở 400m rào.
Nhìn xuống mức thấp hơn nhiều như SEA Games, diện mạo cũng không có gì sáng sủa. Ngay cả các nhà ĐKVĐ ở nhiều môn với phong độ và kết quả như tại Đại hội sẽ lập tức mất ngôi, thậm chí văng ra khỏi nhóm có huy chương.
Thời điểm tổ chức… đánh tụt điểm rơi
Một lần nữa lại phải nhắc lại về thời điểm tổ chức của Đại hội, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức hút, giá trị quảng bá mà còn “góp” một phần lớn… đánh tụt điểm rơi phong độ. Với lịch trình thi đấu trong năm của các môn đều đã trải qua các đấu trường lớn quan trọng như ASIAD hay các giải thế giới, châu Á, nhất là lại gắn với đặc tính “năm một” của thể thao Việt Nam, các VĐV gần như đến với Đại hội khi đã chạm đáy về cả thể lực lẫn phong độ. Nói cách khác, giải Đại hội rơi vào tình cảnh của một cuộc đấu… cuối mùa, phần nào đó còn rất nửa vời về nhiều mặt.
Dù có quyết tâm, nỗ lực đến đâu, các VĐV cũng không tài nào thi thố được đúng khả năng. Không phải ngẫu nhiên ngay đô cử vô địch thế giới Thạch Kim Tuấn cũng phải thừa nhận sau khi chỉ đạt mức tổng cử 283kg, kém mức tốt nhất của mình rằng: “Có muốn hơn cũng không thể khác”. Nhiều đô cử, chân chạy hay kình ngư cũng tâm sự thật về nguy cơ có thể dính chấn thương như bỡn trong tình trạng “cạn pin” nên cũng chỉ thể hiện ở mức cầm chừng.
Khi huy chương là mục tiêu chính
Tuy nhiên suy cho cùng, chuyện thời điểm tổ chức không phù hợp cũng chỉ là một mặt trong câu chuyện “lỗi hệ thống” xuất phát từ cách tiếp cận, dự tranh Đại hội TDTT của từng đơn vị, từng HLV và thậm chí từng VĐV: Huy chương và số lượng huy chương mới quyết định - Nó giống như một thứ “tư duy Đại hội” khó ai có thể cưỡng nổi.
Chỉ tiêu huy chương được giao khoán cho các HLV, VĐV như một thứ nghĩa vụ. Với An Giang, Vũ Thị Hương đấu giải Đại hội đơn giản là phải mang về 2 HCV 100 và 200m. Kim Tuấn dù “tụt” tới cả chục kg, song với TPHCM việc anh đoạt 3 HCV hạng 56kg đã quá đủ. Đến Ánh Viên cũng phải thực hiện một cuộc “cày” huy chương rất rõ ràng.
Chẳng hiểu với những
thực tế như thế, Đại hội TDTT toàn quốc sẽ có thể đánh giá về quá trình phát hiện, đào tạo lực lượng VĐV
trong suốt 4 năm, cũng như liên thông cho các đấu trường quốc tế như thế nào?
Hay chẳng nhẽ, chỉ là theo nếp đến hẹn lại lên?
Nhưng vẫn còn những điểm sáng Ở góc độ đỉnh cao, rõ ràng, sau 30 năm tính từ kỳ Đại hội TDTT toàn quốc đầu tiên vào năm 1985, sân chơi này đang bộc lộ phần nào sự tụt hậu so với chính sự phát triển của nền thể thao quốc gia cũng như toàn xã hội. Nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng, sân chơi số 1 quốc gia này cũng có những điểm sáng đáng để ghi nhận. Đó là việc 62/65 đoàn thể thao tham dự Đại hội đã giành được huy chương, điều đó chứng tỏ, bản đồ thể thao đỉnh cao đã phủ rộng ra cả nước. Nhiều tuyển thủ quốc gia, đặc biệt là các tuyển thủ trẻ tiếp tục khẳng định được sự vượt trội về chuyên môn của mình....
Quan trọng hơn, dấu ấn của Đại hội TDTT với phong trào TDTT quần chúng là khá rõ nét thông qua Đại hội TDTT các cấp cơ sở. Gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", Đại hội TDTT cấp cơ sở đã thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, gắn liền với nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương, thực sự trở thành ngày hội thể thao để thông qua đó, phát triển sâu rộng hơn phong trào TDTT quần chúng.
.
Tường Nhi