(Thethaovanhoa.vn) - Những vấn đề về môi trường chỉ thoáng qua khi biển Đà Nẵng vẫn sạch và an toàn để khai thác du lịch và chào đón Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 từ 24/09 đến 03/10. Nhưng vấn đề tài chính là bài toán nan giải với ngành thể thao.
- Đại hội Thể thao bãi biển châu Á có nhà tài trợ
- 10.000 người tham dự Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Đà Nẵng
- Lắp đồng hồ đếm ngược cho Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5
Bó tay với 212 tỷ đồng
Lãnh đạo ngành thể thao như đang ngồi trên đống lửa kể từ khi nhận được thông báo từ Bộ Tài chính về việc sẽ chỉ đáp ứng 45,5% khoản dự toán 476 tỷ đồng cho tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á (Asian Beach Games) tại Đà Nẵng. Như khẳng định của những người trong cuộc, con số 476 tỷ đồng đã là mức tối thiểu nhất có thể để đảm bảo tổ chức một cuộc đấu tầm cỡ châu lục tiết kiệm, hiệu quả, và tương đối đạt chuẩn mà Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đặt ra.
Một trong những hoạt động quảng bá trước thềm Đại hội
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Tài chính Tổng cục TDTT thừa nhận, với mức 212 tỷ đồng, ngành thể thao coi như bó tay, dù có thể vẫn cố gắng để tổ chức. Tuy nhiên, khả năng và mức độ thành công ra sao thì rất đáng lo ngại. Tiêu chuẩn của hàng loạt nội dung, hoạt động của Đại hội như cam kết với OCA gần như chắc chắn phải hạ thấp hay thậm chí bỏ qua. Rõ nhất như các mảng lễ tân, khai mạc, bế mạc, ăn ở.
Từ thời điểm nhận phản hồi của Bộ Tài chính đến nay, ngành thể thao đã phải liên tục triệu tập nhiều cuộc họp lớn nhỏ khác nhằm rà soát lại toàn bộ các công việc, với phương châm cắt giảm chi phí ở mức tối đa có thể. Tuy nhiên, ngành thể thao gần như chắc chắn sẽ phải cầu cứu Chính phủ xem xét hỗ trợ bởi mức 212 tỷ đồng thực sự chỉ đủ phân nửa cho nhu cầu thực tế. Có những hạng mục liên quan đến cơ sở vật chất kỹ thuật, Ban Tổ chức có xoay sở kiểu gì cũng không thể cắt giảm được kinh phí. Đặt trong tương quan so sánh với SEA Games 2003, Asian Indoor Games 2009, hay ngay cả Đại hội TDTT Toàn quốc 2014, kinh phí tổ chức được duyệt 70-80% dự toán mới thấy lần này khó tới mức nào. Đơn cử lễ khai- bế mạc Đại hội TDTT toàn quốc 2014 đã ngốn 13 tỷ đồng.
Tự kiếm 25 tỷ
Khó khăn kinh phí của Đại hội càng trở nên nghiêm trọng do mảng vận động tài trợ tiếp thị quá khiêm tốn và yếu kém. Ban Tổ chức cũng chỉ cam kết sẽ tạo nguồn được 25 tỷ đồng, tính cả tiền mặt lẫn hiện vật, một con số hết sức nhỏ so với kinh phí bỏ ra. Và đến tháng 03 vừa rồi, Ban Tổ chức mới chính thức ký kết được 2 hợp đồng tài trợ với 2 doanh nghiệp của Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, 100% giá trị tài trợ đều là các sản phẩm chứ chưa có một đồng tiền mặt.
Dù Tiểu ban Tiếp thị Tài trợ cam kết sẽ nỗ lực ở mức cao nhất song khả năng có thêm mạnh thường quân cho Đại hội là rất thấp. Nếu có cũng chỉ là các gói tài trợ nhỏ lẻ bằng sản phẩm. Kết quả này một phần xuất phát từ bối cảnh chung khi các doanh nghiệp đều đang gặp khó song phần quan trọng nhất do sự chậm trễ cùng cách làm theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” của Ban Tổ chức. Việc khai thác thương quyền sự kiện của thể thao Việt Nam vẫn chỉ đơn giản là chuyện “cứ có là tốt rồi”. Những người có trách nhiệm càng phải lo lắng hơn khi quỹ thời gian từ giờ tới Đại hội còn quá ngắn.
Và chính từ khoản kinh phí được duyệt 212 tỷ đồng gây sốc ấy đã cho thấy những vấn đề trong việc tiếp cận, cách chuẩn bị và tổ chức một sự kiện tầm cỡ quốc tế. Nhận cờ đăng cai cách đây 2 năm, song quá trình chuẩn bị, tổ chức gần như chỉ được chính thức khởi động từ đầu 2016. Việc tuyên truyền về sự kiện cũng khá hạn chế. Sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục phần nào đó còn xa lạ ngay cả với người dân Đà Nẵng, nơi cũng mới chỉ được chốt lại là địa điểm duy nhất hơn 1 năm trước.
Bởi thế, phần nào đó cũng thấy cảm thông cho những cán bộ chuyên môn tay ngang làm tiếp thị tài trợ với chia sẻ thành thật “kiếm được đủ 25 tỷ đồng như mục tiêu cũng là cả một sự nỗ lực lớn”. Rất có thể, Chính phủ cũng sẽ xem xét hỗ trợ thêm kinh phí ở mức phù hợp vì sự thành công của Đại hội.
Thế mới biết, việc Việt Nam ‘trả lại” quyền tổ chức Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2019 thực là một quyết định sáng suốt.
Quên tiêu chuẩn của OCA thôi “Tôi xin khẳng định với mức kinh phí nào chúng ta cũng phải quyết tâm và cố gắng tổ chức Đại hội. Thế nhưng, mọi tiêu chuẩn mà Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đưa ra sẽ phải thay đổi, thậm chí khó có thể đáp ứng. Khi đó, hình ảnh và uy tín của nước chủ nhà sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều trong mắt OCA cũng như các đoàn dự tranh. Chúng tôi sẽ rà soát lại kỹ lưỡng để tiếp tục cắt giảm chi phí ở mức tối đa có thể. Trong trường hợp mọi chuyện tới mức không thể đảm bảo, Ban Tổ chức sẽ buộc phải báo cáo trực tiếp lên Chính phủ xem xét giải quyết”- Vụ trưởng Vụ Tài Chính Tổng cục TDTT Nguyễn Văn Bình. Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 diễn ra từ 24/09 đến 03/10 tại Đà Nẵng, dự kiến thu hút sự tham gia của 6.500 quan khách, HLV, VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chương trình thi đấu của Đại hội gồm 14 môn với 22 phân môn, có tổng số bộ huy chương là 172. Có 4 địa điểm được chọn cho việc tổ chức Đại hội là Công viên biển Đông, bãi biển Mỹ Khê, khu dự án Phương Trâm và bãi tắm Sơn Thủy. Trong đó, Công viên biển Đông sẽ là nơi tổ chức lễ khai, bế mạc của Đại hội. Chọn môn sao cho tiết kiệm Năm ngoái, Việt Nam đã thông báo cho OCA về việc sẽ chỉ tổ chức sự kiện tại Đà Nẵng thay vì cả ở Bình Thuận và Khánh Hoà như một trong các biện pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí (di chuyển, ăn ở). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ không tổ chức các môn thể thao đòi hỏi chi phí lớn như lướt sóng, đua thuyền buồm… Thay vào đó, các môn tiết kiệm hơn sẽ được tổ chức trong đó có petanque bãi biển và thể hình bãi biển bên cạnh nhiều môn truyền thống được giữ lại như bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển… |
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags