(TT&VH) - Vào mùa Hè 2001, khi hội nghị G8 được tổ chức tại thành phố Genoa, thủ phủ của vùng Liguria, Italia bỗng trở thành tâm điểm của cả thế giới. Người ta chú ý đến cuộc hội nghị không chỉ vì kết quả mà 8 quốc gia hàng đầu đạt được mà còn vì cuộc đàn áp kinh hoàng trong lịch sử hiện đại. Hơn 200.000 người, với đủ mọi sắc tộc, màu da, đủ mọi quốc tịch tập trung về Genoa để phản đối G8 đã khiến chính phủ Ý phải dùng mọi biện pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa bạo loạn.
Thế nhưng, mọi chuyện trở nên vô nghĩa khi chính lực lượng cảnh sát được lệnh tổ chức cuộc bố ráp bất ngờ nhằm vào trường học Diaz, nơi tạm trú của rất nhiều sinh viên, nhà hoạt động xã hội tình nguyện, nhà báo và cả dân thường. Họ bị đánh đập hết sức dã man, nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, thậm chí còn bị cảnh sát ngụy tạo bằng chứng giả. Về sau này, tổ chức ân xá thế giới đã gọi cuộc đàn áp kể trên là sự kiện vi phạm quyền dân chủ nghiêm trọng nhất tại phương Tây kể từ sau Thế chiến II.
Đạo diễn: Daniele Vicari Diễn viên: Claudio Santamaria, Jennifer Ulrich, Elio Germano Thể loại: Tâm lý |
Do bản thân cuộc đàn áp đã hết sức kinh hoàng nên Daniele Vicari cũng phải đẩy sự dữ dội, bạo lực lên mức cực hạn. Qua đó, khán giả mới có thể hình dung được những gì mà các nhân vật đã phải trải qua. Trong vài trường đoạn, đạo diễn Daniele Vicari sử dụng phong cách giả tài liệu, phối hợp với máy quay cầm tay của nhân vật để bộ phim thêm phần chân thực.
Diaz: Don’t clean up this blood được trình chiếu ở hạng mục toàn cảnh tại LHP Berlin hồi đầu năm 2012 vừa qua và đoạt giải nhì do khán giả bình chọn. Đây là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất của Italia trong thời gian gần đây.