Đoàn Thạch Biền: Người viết qua hai 'chế độ'

Thứ Ba, 07/04/2015 15:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từng đoạt giải Văn học Nghệ thuật quốc gia (miền Nam) trước năm 1975, đi “học tập” sau ngày 30/4, Đoàn Thạch Biền trở thành cái tên mà hầu hết các nhà văn trẻ TP.HCM trưởng thành sau 1975 đều phải nhắc đến…

Ông Biền Áo trắng

Bây giờ, có rất nhiều cây bút thành danh từ “lò” Áo trắng của ông Biền. Gần như những tác phẩm đầu tay của những cây bút học trò ngày nào đều thông qua cửa “kiểm duyệt” của ông Biền. Ngoài in trên Áo trắng, ông Biền còn giúp rất nhiều cây bút trẻ một thời in cuốn sách đầu tay. Những cuốn sách dạng này, ông Biền tìm “lái in” vì ông quen thân rất nhiều đầu nậu sách hoặc nếu cần ông bỏ tiền túi ra in luôn. Cách chơi này của ông Biền với các nhà văn trẻ “vô danh” rất kiểu “Anh Hai Sài Gòn”; mặc dù ông sinh ra ở Nam Định và từng rất mô phạm làm nghề dạy học trước 1975.

Tùy theo lứa tuổi, có người gọi nhà văn Đoàn Thạch Biền là anh Biền hoặc thầy Biền, ông Biền… đầy trìu mến. Riêng ông Biền, trong rất nhiều tác phẩm của ông thường có hai nhân vật chính: Ông và Em. Ông - Biền, thường “tự trào”: “Nhiều người cầm bút hay nói mình viết văn, viết báo như một “cái nghiệp”, tức là “sống để viết”, nghe rất huyền thoại hóa nghề cầm bút. Tôi nghĩ nghề viết cũng như mọi cái nghề. Khi không viết được nữa thì tôi… về hưu như mọi người”.


Nhà văn Đoàn Thạch Biền (bìa trái) cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức (giữa) thuộc nhóm “Mô-tô học bổng - miền Nam” bắt tay với nhà văn Phạm Ngọc Tiến thuộc nhóm “Cơm có thịt - miền Bắc” trên cầu Hiền Lương, khi hai nhóm cùng trao học bổng tại Vĩ tuyến 17 hai bờ sông Bến Hải

Bình thường, nhà văn Đoàn Thạch Biền nói “thực dụng” rằng “viết để sống”. Thật vậy, ông viết văn hay viết báo là để sống như các nghề bình thường khác. Đôi khi, ông nói vui với các bạn trẻ: “Viết báo kiếm sống chật vật quá nên mình còn chạy xe ôm kiếm thêm”. Ông nói thế vì có bạn trẻ hỏi sao ông cứ chạy cái xe máy “cùi bắp” như vậy. Một lần, có bạn trẻ tin rằng ông Biền chạy xe ôm “kiếm thêm”, bạn này viết lên báo. Vợ ông Biền đọc được bài báo này, nhân lúc ông đi giao lưu "Gia đình Áo trắng" ở tỉnh, bà ở nhà kêu bán mất xe cũ và mua cho ông cái xe mới. Nhắc chuyện này, ông Biền cười hì hì, vì nhờ thế ông có xe mới để đi.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền trong hơn 20 năm nay, “dân” sáng tác văn chương ở các tỉnh thành gọi là “ông Biền Áo trắng”. Đơn giản, khi chính quyền “mở cửa”, vào khoảng năm 1990, ông Biền liên kết xin giấy phép ở NXB Trẻ ra lò tuyển tập thơ văn (tập san) mang tên Áo trắng. Tập san này tạo thành sân chơi cho các cây bút sáng tác văn chương, nhất là các tác giả đang ở trên ghế nhà trường. Thời gian sau, ông Biền thấy bạn đọc, cộng tác viên tham gia gửi bài cho Áo trắng khá nhiều; nên ông đi các tỉnh thành lập “Gia đình Áo trắng”.

Gia đình Áo trắng, theo ông Biền, là xem nhau như một gia đình, ở đó có người lớn người trẻ nhưng cùng một tình yêu văn chương. Có thể nói theo kiểu “kỷ lục Việt Nam”, nhà văn Đoàn Thạch Biền là người có nhiều “gia đình” nhất, trong đó ông có anh, em, bạn bè và những người đáng tuổi con cháu ông ở khắp nước Việt này.

Gia đình Áo trắng của ông Biền có rất nhiều người nổi tiếng, có người lừng danh trong giới showbiz hiện giờ, như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có nhờ nhà văn Đoàn Thạch Biền, rằng đi giao lưu Gia đình Áo trắng ở đâu, nhớ “cặp nách” theo Nguyễn Quang Dũng. Thời đó, Nguyễn Quang Dũng sáng tác ca khúc, biết chơi đàn, nên những buổi văn nghệ Gia đình Áo trắng thường có Dũng “khùng” góp vui. Sau thời gian chung vui cùng Gia đình Áo trắng với ông Biền, Dũng “khùng” đã sáng tác và in tập ca khúc riêng, tập sách nhạc này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lời giới thiệu.

Làm lại từ đầu

Nhà văn Đoàn Thạch Biền tên cha mẹ đặt là Phạm Đức Thịnh sinh năm 1947, quê Nam Định. Cha mẹ ông di cư vào Nam ở Đà Nẵng, ông học trung học ở thành phố bên sông Hàn và học đại học ở Sài Gòn. Thời sinh viên, “cậu trai” Phạm Đức Thịnh ngoài đi học ở Khoa Triết Tây, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông còn học thêm nghề biên kịch với thầy Vũ Khắc Khoan. Trước 1975 tại Sài Gòn, Vũ Khắc Khoan là một nhà biên kịch uy tín. Cùng lớp với Phạm Đức Thịnh theo học với thầy Vũ Khắc Khoan, còn có những người nổi tiếng hiện nay: diễn viên - đạo diễn Lê Cung Bắc, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân.

Học biên kịch và viết văn, Phạm Đức Thịnh ký bút danh là Nguyễn Thanh Trịnh dù đang làm nghề dạy học tại Phan Rí Cửa (Phan Thiết, Bình Thuận). Với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh, vào năm 1973 ông đoạt giải Văn học Nghệ thuật quốc gia (miền Nam) với tác phẩm Một buổi tập kịch (kịch bản văn học). Nhiều người quen gọi giải thưởng này là “Giải thưởng Tổng thống”. Lý do, giải thưởng Văn học Nghệ thuật được trao hàng năm của miền Nam trước 1975 đều do tổng thống chính quyền Sài Gòn đích thân lên trao giải. Năm đó, Nguyễn Thanh Trịnh đoạt giải với tập kịch bản văn học, nhà thơ Phạm Thiên Thư đoạt giải thơ tập trường ca “hậu Kiều” Đoạn trường vô thanh và một số nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ… khác. Giải thưởng này do rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức hàng đầu của miền Nam khi đó làm giám khảo, trong đó có nhà văn Sơn Nam.

Năm 1975 thống nhất đất nước, khi đang dạy học tại Phan Rí Cửa, như bao công chức của chế độ cũ, nhà giáo Phạm Đức Thịnh (nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh) được triệu tập trình diện chính quyền mới. Trước 1975, gần như đàn ông ở tuổi “quân dịch” đều nằm trong diện “biệt phái” dù đi… dạy học, khi có “tổng động viên, tổng động binh” đều phải ra trận. Nhà giáo Phạm Đức Thịnh cũng không loại trừ trong một xã hội thời chiến tranh. Nên dù làm nhà giáo, ông vẫn có tên trong quân đội chế độ cũ, để khi cần “tổng động binh” thì khoác áo ra trận. Cũng xin nói thêm, những nhà giáo trước 1975 tại miền Nam thường là những người học rất giỏi mới được làm thầy, nếu không thì làm… lính. Vậy nên sau ngày 30/4/1975, nhà giáo Phạm Đức Thịnh phải ra trình diện chính quyền mới và đi “học tập” dù ông chưa cầm súng ngày nào.

Thời bao cấp, ông từng rời bỏ Sài Gòn đi kinh tế mới ở miền cao nguyên Lâm Đồng. Sau đó về lại TP.HCM làm công nhân nhà máy dệt nhờ một người chú là sĩ quan “Việt cộng” ở miền Bắc vào “bảo lãnh” cho. Giai đoạn này cực kỳ khó khăn với ông, nhưng ông vẫn không quên nghề “vẽ chữ”. Khi làm công nhân dệt, ông cộng tác với một tờ báo tại TP.HCM và được nhận vào làm khi tờ báo này chính thức khai sinh chưa được bao lâu. Những tác phẩm ông viết trước và sau 1975, như: Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay, Những ngày tươi đẹp… đều được ký bút danh Đoàn Thạch Biền. Hỏi, ông nói nửa đùa nửa thật: “Đoàn Thạch Biền là tên khi tôi làm công nhân mà cô tên Biền bán quán ăn thường cho ghi sổ. Nguyễn Thanh Trịnh là bút danh tôi tạo nên, thì bây giờ tôi tạo nên Đoàn Thạch Biền, chứ cha mẹ cho tên của tôi là Phạm Đức Thịnh. Cái tên rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là tôi hoặc bạn tạo nên cái tên có ý nghĩa gì cho những ngày ta đang sống”.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền chẳng những tạo được “cái tên” có “ý nghĩa”, mà ông còn tạo được uy tín, gây dựng được sự yêu mến trong rất nhiều nhà văn thuộc các lứa tuổi sinh trước và sau 1975. Đồng nghiệp cầm bút hay nói: “Hiền như ông Biền”.

Đất nước thống nhất không chỉ là sự thống nhất về địa lý, mà quan trọng hơn, là thống nhất lòng người

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›