(Thethaovanhoa.vn) - Được góp mặt ở một mùa giải F1 là niềm vinh dự của rất nhiều tay đua trên thế giới. Nhưng con đường đến với chiếc vô-lăng phía sau các xe đua tân tiến không hề bằng phẳng chút nào cùng những yêu cầu khắt khe dưới đây.
Có thể nhiều người theo dõi series phim F1 có tên Drive to Survive (Đua để tồn tại) bắt đầu bộc lộ ý muốn được một lần trở thành tay đua góp mặt ở giải đua xe hấp dẫn nhất thế giới. Khoan đã, hàng loạt rào cản chờ bạn.
Super Licence (tạm dịch: Giấy phép lái xe siêu hạng) là đòi hỏi đầu tiên. Một giấy phép lái xe thông thường không đủ tiêu chuẩn để các tay đua hiện diện tại các trường đua F1. Họ phải đạt được giấy phép lái xe siêu hạng thông qua bài kiểm tra viết cùng yêu cầu nhất định về kinh nghiệm lái xe. Giấy phép này do Liên đoàn ô tô thế giới (FIA) cấp.
Thêm một rào cản khác: Các tay đua phải đảm bảo từ 18 tuổi trở lên mới được hiện diện ở thế giới F1. Đó là một điều luật mới xuất hiện sau khi xảy ra vấn đề liên quan đến Max Verstappen. Nhà ĐKVĐ F1 lần đầu tiên tham gia một chặng đua F1 vào năm 2015 khi mới 17 tuổi.
Cân nặng của các tay đua và những chiếc xe cũng là thứ được đặt lên mức đòi hỏi tối đa. Cụ thể, ở mùa giải này, tổng trọng lượng của người và xe phải đạt mức tối thiểu 798kg để đảm bảo tốc độ và tính an toàn. Đó là vấn đề với các tay đua nhẹ cân bởi khi ấy các đội đua sẽ phải tìm cách tăng thêm trọng lượng nhằm đảm bảo mốc tối thiểu nêu trên. Cân nặng cũng là một yêu cầu các tay đua phải thực hiện sau mỗi chặng đua. Điều này giúp đảm bảo các tay đua và xe đua giữ được mốc tối thiểu về trọng lượng như đã nêu ở trên. Tất nhiên, con số này được du di một chút khi các tay đua có thể mất đi từ 1,8 đến 3,6kg, chi tiết hoàn toàn có thể xảy ra khi đua trong điều kiện trời nắng nóng và mồ hôi tiết ra nhiều do những chiếc xe nóng lên trong quá trình đua.
Các nhân viên y tế sẽ được tư vấn về trọng lượng giảm đi của các tay đua sau chặng đua để phát hiện có bất cứ yếu tố bất thường nào hay không. Tất nhiên, điều ấy không đồng nghĩa các tay đua phải tự mình xoay xở để đảm bảo trọng lượng cơ thể tránh bị trượt đi quá xa. Một số tay đua đã lắp đặt thiết bị thủy hóa đặc biệt trên chiếc xe của mình. Cụ thể, khi các tay đua bấm vào một nút bấm chuyên biệt trên xe, nó sẽ tự động kích hoạt đồ uống bù khoáng được thiết kế riêng biệt để đảm bảo đủ nước cho các tay đua tiếp tục chặng đua.
Một mùa giải F1 thường kéo dài trên dưới 8 tháng. Trong khoảng thời gian ấy, các tay đua sẽ phải thường xuyên xa gia đình trong một thời gian dài, nhất là nếu lịch thi đấu có những chặng đua nối tiếp nhau. Họ hoàn toàn có thể phải xa nhà hai tuần nếu phải thi đấu hai chặng đua chỉ trong hai tuần lễ, như ở giai đoạn mở màn khi GP Bahrain diễn ra vào ngày 20/3, còn GP Saudi Arabia chỉ cách đó đúng một tuần. Ít ra, các tay đua vẫn sướng hơn đội ngũ kỹ thuật, kỹ sư và các thành viên khác trong đội đua, những người có thể phải xa gia đình cả tháng trời để phục vụ cho một mùa giải.
Bù lại, các tay đua sẽ không phải bắt buộc di chuyển theo tập thể đội đua như những gì diễn ra trong bóng đá, khi các cầu thủ phải di chuyển theo phương tiện của CLB. Họ có thể lựa chọn di chuyển theo đội, hoặc tự thuê chuyên cơ để góp mặt tại các chặng đua. Thậm chí, nếu một chặng đua nào đó diễn ra trên quê hương của một tay đua, anh ta có thể ở nhà và tự lái xe đến trường đua. Một lợi thế khác là các tay đua sẽ được phía đội đua chi trả tiền ăn ở, bất luận họ ở khách sạn 5 sao hay chỉ cần ở một căn hộ cho thuê ngắn hạn.
Vậy còn về số của các tay đua trên chiếc xe? Họ phải chọn một số cố định ngay khi bước vào sự nghiệp đua xe F1 và giữ nó trong suốt sự nghiệp thi đấu. Một ngoại lệ chuyển đổi duy nhất là nếu tay đua nào giành chức vô địch thế giới, mùa giải kế tiếp anh ta được quyền đổi sang số 1. Các tay đua sẽ được đảm bảo đủ dinh dưỡng và tính toán về lượng chất lỏng trong người để đảm bảo không bỗng nhiên có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” khi chặng đua diễn ra. Nhưng nếu tình huống xấu nhất có xảy đến, họ sẽ phải “tự xử” ngay trong bộ đồ của mình, điều ít thấy trong các chặng đua F1.
Đức Hùng
Tags