(Thethaovanhoa.vn) - "Cuối cùng, đó không phải là môn thể thao mà tôi đã yêu khi tôi bắt đầu xem". Khi những lời đó phát ra từ miệng của Sebastian Vettel, rõ ràng thất bại tại giải Grand Prix Canada đã tác động tới tay đua người Đức rất nặng nề. Thậm chí còn hơn bất kỳ thất bại nào khác trong sự nghiệp của anh.
Sự cố gây tranh cãi
Việc phạt năm giây cho một sự cố khá vô hại ở vòng 48 đã tước đi chiến thắng đầu tiên của Vettel trong 17 chặng Grand Prix, thế nhưng, nó không đơn giản là vị đắng của một cơ hội bị bỏ lỡ và khiến Vettel phiền muộn. Thay vào đó, dạ dày của anh quặn đau với cảm giác vỡ mộng. Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của anh về môn thể thao mà anh đã gắn bó cả cuộc đời được thể hiện trong một kết quả rất khó chấp nhận, đến mức anh sẵn sàng bỏ qua buổi lễ ăn mừng trên bục podium. Trong một mùa giải chưa có gì thành công cho Vettel, đấy dường như đã là điểm đáy.
Việc các tay đua tranh luận chống lại quyết định của ban tổ chức là rất bình thường. Cần phải hiểu rằng, họ ngồi trong buồng lái ở nhiệt độ 40 độ C, đặt mạng sống của anh ta vào vận tốc lên tới 200 dặm/giờ, có lí do để đưa ra một kết luận khác so với bốn người đàn ông ngồi xem màn hình tivi trong phòng máy lạnh. Tuy vậy, vấn đề này dường như đã vượt xa hơn thế, giống với cảm giác bị phản bội, bị vứt bỏ.
Để hiểu tại sao đó là một thất bại đau đớn, điều quan trọng chúng ta phải hiểu được con người của Vettel. Ở tuổi 31, Vettel giống một tay đua của những thập kỉ trước hơn là trong thời đại kỹ thuật số - một vận động viên hiếm hoi trong thế kỷ 21 không có sự hiện diện nào trên bất cứ mạng xã hội nào. Ở bãi đậu xe mới trị giá 60 triệu USD tại Montreal, anh nhún vai với những khối bê tông và kính, thừa nhận anh "khá thích phong cách cắm trại mà chúng ta đã có trước đây". Nói ngắn gọn, trong thời đại mà những tay đua thường lái xe mô phỏng trong thời gian rảnh rỗi, Vettel là người lạc hậu.
Thế nhưng, mức phạt cho tay đua người Đức ở Canada là một sản phẩm của F1 hiện đại. Một quyết định dựa trên phân tích của những hình ảnh chuyển động chậm và những dấu vết quan trọng, từng quyết định tính bằng giây để hiểu rõ những gì đang diễn ra trên buồng lái của xe, và sau đó xem xét có phù hợp với các quy tắc của Liên đoàn mô-tô quốc tế (FIA) hay không.
Kết quả là một phán quyết dựa trên các quy định, nhưng khá khắc nghiệt đối với bất kỳ ai chứng kiến vụ việc.
Vettel thất vọng
"Các thành viên ban tổ chức đã xem xét bằng chứng video và xác định rằng xe 5 [Vettel] rời khỏi đường đua ở khúc cua 3, nhập vào đường đua ở khúc cua 4 một cách không an toàn và ép xe 44 ra ngoài", báo cáo của các thành viên cho biết.
Để hiểu rõ quyết định đó chi tiết hơn, phần đầu tiên dựa trên Điều 27.3 của Quy định thể thao nêu rõ tay đua chỉ có thể nhập vào đường đua "khi thực sự an toàn để làm như vậy và không giành bất kỳ lợi thế nào". Việc Vettel ép xe của Hamilton thực sự có yếu tố nguy hiểm - kết quả là tay lái của đội Mercedes đã phải nhấn phanh - và do đó có thể được coi là không an toàn.
Thế nhưng, quyết định của ban tổ chức đã không đánh giá chính xác việc Vettel mắc lỗi ban đầu ở khúc cua 3 và lao lên cỏ trước khi vào khúc cua 4 bởi anh không có cách nào khác trở lại đường đua. Đây không phải là một trường hợp "nhìn, nháy đèn, hành động"; đó là một trường hợp phản ứng với hoàn cảnh khi Vettel cố gắng trong tuyệt vọng nhằm ngăn chiếc Ferrari mất lái và đâm vào tường. Quan sát góc lái của anh trong các cảnh quay trên xe, và hướng duy nhất anh điều khiển chiếc xe chẳng có gì khác ngoài việc bẻ lái về bên trái.
Đã đành theo các quy định thì Vettel đáng bị phạt nhưng ở tình thế khó khăn của anh, việc áp dụng luật lại có vẻ hơi cứng nhắc. Chắc chắn trong suy nghĩ của tay đua người Đức, bộ quy tắc hiện tại đã đi quá xa, để rồi nó trở thành phần nổi của một vấn đề lớn hơn trong môn thể thao này.
Bỏ lại sau lưng tất cả, khi những tin đồn về tương lai của Vettel sau năm 2019 tiếp tục xuất hiện, nỗi thất vọng ở Canadian Grand Prix có lẽ đã đổ thêm dầu vào lửa và khiến anh sớm quyết định nên hay không nên kéo dài sự nghiệp.
Mạnh Hào
Tags