Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình gồm có: đánh đập hoặc hành vi khác xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý; vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng; cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ; hành vi bạo lực về kinh tế; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ....
Cụ thể, hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng; hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, bị phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 02 triệu đồng; hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng...
Nghị định quy định, chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 02 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp huyện và tỉnh có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng, chiến sĩ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 200 ngàn đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/01/2010; bãi bỏ các Điều: 7, 10, 11, 12 và 15 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.