(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải sân đất nện ở châu Âu được xem là giai đoạn căng thẳng nhất trong năm của quần vợt, ít nhất là đối với ATP. Thực tế thì không có thời điểm nào có 3 sự kiện Masters 1000 chỉ trong vòng 6 tuần và ngay sau đấy là giải Grand Slam.
Hai trong 3 sự kiện đó sẽ bắt đầu ngày hôm nay với Madrid Masters và sau đó là Rome Masters hay còn gọi là Italian Open. Điều quan trọng là kết quả thi đấu ở đây có thể là chỉ dẫn phong độ cho French Open vào cuối tháng.
Những giải đấu quan trọng
Để nói Madrid Masters hay Rome Masters quan trọng hơn là rất khó trả lời bởi hai giải có những vai trò khác nhau. Madrid là nơi mà phần lớn các cây vợt bắt đầu sự chuẩn bị cho Roland Garros, trong khi Rome là nơi họ hoàn tất sự chuẩn bị đó. Dĩ nhiên, Rafael Nadal là một ngoại lệ bởi anh là chuyên gia sân đất nện và rất thành công.
Xét về lịch sử, Madrid không phải là giải vô địch quốc gia chính thức của nước chủ nhà như Rome (Italian Open) hay US Open và Australian Open. Madrid cũng không có bề dày như Rome đã xuất hiện từ năm 1930 (chỉ có 13 năm gián đoạn vì vấn đề chính trị trước, trong vào sau Thế chiến 2). Nói ngắn gọn, Madrid là một “tân binh”, một giải Masters ban đầu được tổ chức trong nhà và tái sinh trên mặt sân đất nện năm 2009.
Một đặc điểm nữa ở Madrid Masters là Ion Tiriac, ông chủ của Madrid Open, đã xây dựng một môi trường thân thiện giữa cây vợt và người hâm mộ, biến giải thành Indian Wells của châu Âu. Tuy vậy, Madrid không phải là chỉ dẫn chính xác cho thành công ở French Open.
Trong khi đó, nằm trong hệ thống Masters đã giúp Rome duy trì và củng cố vị thế của mình. Các cây vợt hàng đầu đều có mặt tại Rome, biết rằng họ sẽ có một tuần nghỉ ngơi trước khi bắt đầu Roland Garros. Nghĩa là Madrid như một giải khởi động nhẹ nhưng Rome sẽ là nơi tất cả thấy được sự chuẩn bị của các cây vợt cho Grand Slam thứ 2 trong năm.
Điều này giải thích tại sao bảng thành tích ít nhiều đã nói lên tính chất của hai giải đấu tại Madrid và Rome. Chẳng hạn như Nadal được xem là ông vua sân đất nện nhưng cũng "chỉ" có 4 danh hiệu Madrid kể từ khi giải chuyển sang sân đất nện năm 2009 (ngược lại, cùng thời gian, cây vợt người Tây Ban Nha đã có 7 danh hiệu tại French Open, Monte Carlo Masters và Barcelona, cộng thêm 5 danh hiệu ở Rome).
Trong khi đó, Roger Federer có 2 danh hiệu Madrid - không danh hiệu nào kể từ năm 2012 - nhưng chưa một lần thắng ở Rome. Novak Djokovic cũng chỉ có 2 lần thắng ở Madrid và lại 4 lần vô địch tại Rome. Những nhà vô địch gần đây có Alexander Zverev và Andy Murray, với mỗi người chiến thắng ở mỗi giải.
Những tranh cãi đáng chú ý
Về phía nữ, Petra Kvitova thành công hơn bất cứ cây vợt nào khác tại Madrid sau khi có được 3 danh hiệu. Trong khi đó, Simona Halep và Serena Williams cùng chiến thắng 2 lần ở Tây Ban Nha. Còn tại Rome, cô em nhà Williams và Maria Sharapova (vừa rút khỏi giải Rome cũng như Madrid) áp đảo khi mỗi người giành được 3 danh hiệu. Tuy nhiên, ở 2 trận chung kết gần đây chỉ có Elina Svitolina và Halep, trong đó Svitolina chiến thắng cả 2 lần.
Dĩ nhiên, nói đến Madrid Open không thể không nhắc đến một trong những sự kiện gây tranh cãi năm 2012 khi thay vì sử dụng mặt sân truyền thống, nước chủ nhà để các cây vợt thi đấu trên mặt sân đất nện màu xanh. Có thể vì họ muốn trái bóng được nhìn rõ hơn nhưng phía các cây vợt lại cho rằng, bề mặt sân rất dễ trơn trượt và nhanh hơn trên mặt sân màu đỏ. Vậy nhưng, bỏ qua những điều đó, Federer đã vô địch sau khi đánh bại Tomas Berdych ở trận chung kết.
Còn tại Italian Open thì xuất hiện không ít sự cố. Năm 1978, trong trận bán kết giữa Adriano Panatta của Italy và Jose Higueras của Tây Ban Nha, người hâm mộ đã lăng mạ Higueras. Họ la ó, nguyền rủa và ném đồng xu về phía cây vợt người Tây Ban Nha. Kết quả, cả trọng tài Bertie Bowron và Higueras rút lui sau khi Panatta ngược dòng 0-6, 5-1 để thắng ở set 2 nhờ sự giúp đỡ của khán giả nhà.
"Tôi sẽ không bao giờ thi đấu ở Italy nữa," Higueras đã phát biểu như vậy. "Tôi đã kết thúc địa điểm này."
Sự chuẩn bị cho Roland Garros
Như đã nói ở trên, do không có giải đấu quan trọng nào nữa trước khi French Open diễn ra, điều này cũng có nghĩa nhà vô địch tại Rome sẽ có lợi thế rất lớn về mặt tâm lí so với các đối thủ. Cũng vì thế, Serena Williams chỉ tham dự Rome để chuẩn bị cho giải đấu ở Roland Garros.
Thực tế thì cây vợt người Mỹ có một vài lí do để làm vậy, trong đó có lí do quan trọng nhất mà mọi cây vợt đều biết: Madrid diễn ra ở độ cao và như vậy, bóng bay nhanh hơn, trong khi mặt sân ở Rome giống với tại French Open.
Nên nói thêm, Italian Open diễn ra từ năm 1935 tại Foro Italico, một tổ hợp thể thao được xây dựng dựa trên cảm hứng từ kiến trúc La Mã cổ và nhằm vận động xin đăng cai Olympic (1940). Quanh sân là những bức tượng vận động viên bằng đá cẩm thạch, lối đi rộng và nhiều cây xanh. Mặc dù sân đã được tu sửa lại với sức chứa 10.500 chỗ nhưng Foro Italico vẫn mang dáng dấp cổ điển.
Mạnh Hào
Tags