Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung: “Độc cô cầu bại” của kiếm chém Đông Nam Á

Thứ Hai, 19/11/2012 09:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sở hữu 7 tấm HCV ở 4 kỳ SEA Games 22, 23, 24 và 26 cùng 6 HCV Đông Nam Á, Nguyễn Thị Lệ Dung được xem là một tượng đài của đấu kiếm Việt Nam. Bất bại tại mọi giải đấu trong khu vực, đến nỗi cô gái Hà thành này được xướng danh như là “đệ nhất kiếm chém” ở Đông Nam Á.

Liều mình ứng thí

Tính đến tháng 11 này, Lệ Dung kỷ niệm đúng 11 năm gắn bó với đấu kiếm, nên giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á 2012 vừa qua lại càng có nhiều ý nghĩa với cô và quyết tâm của Dung vì thế cũng cao hơn. Ngoảnh lại hành trình 11 năm cầm kiếm, Lệ Dung cũng thấy thú vị vì trước đây, cô bé sinh trưởng tại huyện ngoại thành Sóc Sơn này chẳng biết gì về đấu kiếm.

Ấy vậy mà trong một ngày cuối năm 2001, khi đoàn tuyển quân ở Sở TDTT Hà Nội về trường tuyển lứa VĐV đầu tiên cho đội kiếm Hà Nội để chuẩn bị cho SEA Games 22, Nguyễn Thị Lệ Dung và cô chị song sinh Nguyễn Thị Hoài Thu lại dám đề tên ứng thí.

Chân dài, sải tay rộng, đúng theo tiêu chuẩn của một VĐV đấu kiếm, Thu và Dung lọt vào mắt xanh của HLV đội kiếm Hà Nội và chuyên gia người Trung Quốc. Lúc đầu, khi 2 chị em đăng ký dự tuyển đã vấp phải sự ngăn cản kịch liệt của gia đình, vì hoàn cảnh con nhà nông nên để nuôi được 2 chị em ăn học là bố mẹ cũng đã vất vả lắm rồi.


Lệ Dung chưa dứt bỏ được niềm đam mê đấu kiếm của mình. Ảnh: V.V

2 chị em thuyết phục, nhưng ban đầu mẹ Dung chỉ đồng ý cho một trong 2 chị em theo đấu kiếm, thế là cả 2 chị em lại phải đi vận động các bác, chú bạn bè bố mẹ để mọi người tác động giúp, sau đó cả 2 mừng rơn vì cuối cùng mẹ cũng đồng ý.

Xa nhà, 2 chị em bảo ban nhau tập luyện. Thứ bảy cuối tuần, “song sinh kiếm thủ” lại trèo lên xe buýt đi 35 cây số về nhà ở Phù Linh (Sóc Sơn). Bố mẹ nhìn “song kiếm” vừa mừng vừa lo, chẳng biết cứ đao với kiếm như thế sau này liệu có lấy được chồng.

2 năm sau ngày làm quen với cây kiếm, Lệ Dung được tham dự giải đấu kiếm Thái Lan mở rộng nhằm cọ xát trước SEA Games 22. Ngay tại giải đấu đầu tiên này, Lệ Dung đã giành được HCĐ cá nhân.

Tại SEA Games 22 năm 2003 tổ chức ở Việt Nam, Nguyễn Thị Lệ Dung đã mở đầu một mùa giải thành công cho đấu kiếm Việt Nam, cũng như mở ra một chương mới cho cuộc đời VĐV của mình khi giành chức vô địch kiếm chém cá nhân nữ.

Con đường đến ngôi vô địch của Lệ Dung không mấy vất vả khi liên tiếp dẫn đầu ở 2 vòng đấu bảng trước 10 đối thủ. Đặc biệt ở trận bán kết, nữ kiếm sĩ Hà thành này đã giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ người Thái Lan Supanna Samaboot với tỉ số 15-5.

Vào đến trận chung kết, cô thắng luôn đồng đội Nguyễn Thủy Chung với tỉ số 15-10 để lên ngôi vô địch. Lệ Dung chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham dự đấu trường quốc tế và đoạt HCV là niềm hạnh phúc khôn tả. Lúc đó tôi sung sướng đến phát khóc khi tiếng quốc ca vang lên”.

Một năm sau, Lệ Dung lập cú đúp khi mang về HCV cá nhân và đồng đội nội dung kiếm chém tại giải vô địch Đông Nam Á năm 2004. Ở kỳ SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, một lần nữa Lệ Dung đoạt 2 HCV tại giải để khẳng định vị thế của đấu kiếm Việt Nam trong khu vực.

Thành công nối tiếp thành công

Sau SEA Games 23, ĐT kiếm chém nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều biến động. Việc chuyên gia Rao Bin dứt áo ra đi sau 2 kỳ SEA Games gắn bó đã khiến kiếm chém nữ Việt Nam rơi vào tình trạng hụt hẫng. Bằng chứng là trong suốt vài tháng đầu năm 2006, các kiếm thủ chỉ biết tự tập và tự học làm thầy truyền lại kinh nghiệm cho lứa đàn em. Đến khi chuyên gia Huang Li Feng (Trung Quốc) tới thế chỗ HLV Rao Bin, các tuyển thủ cũng phải mất khá nhiều thời gian mới bắt nhịp được phong cách của thầy mới. Hơn một năm, Lệ Dung phải tập trung nắn lại kỹ thuật cơ bản như sử dụng lực cổ tay, cổ chân nhiều hơn...

Trước SEA Games 24, kiếm thủ gốc Hà thành phải nghỉ tập một thời gian vì chấn thương khuỷu tay phải trong một bài tập tạ. May mắn là vết thương này không ảnh hưởng tới sự nghiệp. Ở SEA Games 24 tại Thái Lan 2007, Lệ Dung lại thi đấu xuất sắc để giành cả HCV cá  nhân và đồng đội nội dung sở trường.

Đến SEA Games 26 trên đất Indonesia, tay kiếm Nguyễn Thị Lệ Dung một lần nữa đoạt HCV ở nội dung kiếm chém nữ, để nâng tổng số HCV Dung có được qua 4 kỳ Đại hội lên tới 7 chiếc.

Năm ngoái, Dung đã quyết định nghỉ tập để lo học tại chức Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Nhưng chỉ được nửa năm, máu nghề lại níu Dung trở lại ĐT. “Theo tập 10 năm rồi, đấu kiếm giờ cũng đã trở thành niềm đam mê, muốn bỏ cũng khó lắm”, Dung tâm sự.

Đến với giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á năm nay, Lệ Dung được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang về HCV đấu kiếm Việt Nam. Tuy thể lực không còn sung mãn như cũ, song đẳng cấp của kiếm thủ 4 lần liên tiếp vô địch SEA Games vẫn hơn nhiều đối thủ trong khu vực một bậc.

Lệ Dung tiến thẳng đến bán kết gặp tay kiếm Putri Salim Mega Alida của Indonesia, cô chứng tỏ sự vượt trội khi kết thúc nhanh trận đấu với tỷ số cách biệt 15-3. Trận chung kết gặp tay kiếm Thái Lan Starrat Sirawalai là trận đấu mà Lệ Dung gặp nhiều vất vả nhất.

Bị dẫn trước 2 điểm, cô thi đấu bình tĩnh để dẫn lại 4-2 rồi kết thúc hiệp 1 với tỷ số 8-7. Hiệp 2 tay kiếm người Thái thi đấu quyết tâm để bám đuổi tỉ số, nhưng bản lĩnh trận mạc giúp Dung vượt qua thời khắc quyết định để giành chiến thắng chung cuộc 15-10, qua đó, giành HCV nội dung kiếm chém.

Đây là HCV thứ 6 của Lệ Dung tại giải đấu vô địch Đông Nam Á ở nội dung kiếm chém kể từ năm 2004 đến nay. Thế nên nếu trao tặng danh hiệu “ Đệ nhất kiếm chém” trong khu vực ĐNÁ cho Lệ Dung thì hẳn cũng chẳng có gì để tranh cãi, bởi tài năng và bản lĩnh của Lệ Dung hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ấy.

Chi Hà
Thể thao & Văn hóa

Nguyễn Thị Lệ Dung

Năm sinh: 1985

Sở trường: Kiếm chém

Thời gian luyện kiếm: Bắt đầu tập luyện từ năm 2001

Thành tích 4 HCV cá nhân kiếm chém tại SEA Games các năm: 2003, 2005, 2007, 2011

3 HCV đồng đội kiếm chém tại SEA Games các năm: 2003, 2005, 2007

HCV cá nhân vô địch Đông Nam Á các năm: 2004, 2006, 2008, 2012

HCV đồng đội vô địch Đông Nam Á các năm: 2004, 2008

Cùng nhiều huy chương các giải trong nước và quốc tế khác


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›