Kình ngư Ánh Viên và nỗi lo 'con độc'

Thứ Năm, 15/10/2015 14:13 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong đúng 5 tháng kể từ khi đoạt 8 HCV, 8 kỷ lục tại SEA Games 28, kình ngư số 1 Việt Nam đã dự tranh liên tiếp 6 giải đấu đủ loại. Ánh Viên đã giành tổng cộng 28 huy chương, trong đó có 16 HCV- một kỷ lục độc nhất vô nhị ở  làng thể thao. Chỉ có điều, phía sau kỳ tích ấy lại là nỗi lo về kiểu  “con độc” của cả một nền thể thao quốc gia.

Máy  “cày” huy chương số 1

Ánh Viên vừa tham dự Đại hội Thể thao Quân sự thế giới, nơi chị đoạt trọn 1 bộ huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Đây cũng là cuộc đấu quốc tế thứ 6 của tuyển thủ 19 tuổi chỉ trong đúng 5 tháng. Chị đã mang về tổng cộng 16 huy chương các loại, trong đó có tới 16 HCV.

Chưa từng có một tuyển thủ nào từ trước tới nay  thi đấu nhiều giải quốc tế và giành thành tích “khủng” cả về số lượng lẫn chất lượng như Viên. Tài năng trẻ đất Tây Đô đã thực sự trở thành một “máy gặt” huy chương số 1 của không chỉ môn bơi mà cả thể thao Việt Nam.

Và có thể thấy, sự “cày ải” huy chương tối đa có thể ở Viên đã rất rõ ràng, chứ không còn là nguy cơ. Ngoài con số 6 giải đấu vốn đã quá nhiều đối với một kình ngư đang ở giai đoạn tăng tốc và tích lũy điều đáng nói hơn chính là kiểu cách dự tranh của chị, với đủ loại hình mà không hề nằm trong một quy trình dài hạn, thống nhất.


Ánh Viên liên tiếp gặt hái huy chương ở các giải đấu mà cô tham dự. Ảnh: Q.T

Rất khó để có lý giải thuyết phục  tại sao chỉ trong một thời gian ngắn số cuộc đấu của Viên tăng đột biến, mà lần nào cũng trải ra quá nhiều nội dung. Có một vài cuộc, đơn cử giải trẻ châu Á mà Viên giành tới 7 HCV, 5 HCB, thực sự không hề có lợi gì cho chuyên môn, sự phát triển nếu nhìn vào các chỉ số.

Nỗi lo phong độ

Ánh Viên đã phải vắt kiệt sức đúng trong thời kỳ đang tăng tốc và tích lũy cho sự phát triển. Suốt cả một năm, chị bị cuốn vào một guồng quay của những cuộc di chuyển và thi đấu liên tiếp, đến mức gần như không có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.

Như một hậu quả khó tránh, chị đã rơi vào tình trạng quá tải. Trên thực tế, Viên chỉ có một “điểm rơi” phong độ duy nhất tại SEA Games 28 (giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục Đại hội) còn lại đều thua xa khả năng. Rõ nhất ở Đại hội Thể thao Quân sự thế giới vừa kết thúc, tất cả các nội dung, chị đều đạt thành tích thua kém rất xa đẳng cấp của mình.

Trong khi đó, đáng ra Ánh Viên đang phải ở Mỹ, đặt mình ở một quy trình đào tạo chuyên biệt nhắm tới đích Olympic 2016 với quyết tâm tranh chấp 1 tấm huy chương, hay chí ít cũng lọt vào Top 8 một vài nội dung sở trường. Tài năng trẻ xứ Tây Đô đã chắc chắn giành quyền dự tranh Olympic trên đất Brazil song rất ít cơ hội vươn cao nếu tiếp tục “cày ải” huy chương, trong cách nghĩ cách làm đặc thù kiểu Việt Nam

Olympic quá gần mà ‘đỉnh” còn quá xa

Cần phải nhắc lại, thành quả cao nhất của Ánh Viên mới là đứng thứ 10 đường bơi 400m hỗn hợp ở giải VĐTG, còn lại đều đang đứng ngoài Top 15. Độ tuổi 19 của Ánh Viên cũng không còn sớm, nếu không muốn nói là bắt đầu chậm trễ cho các mục tiêu quốc tế tầm cao. Quỹ thời gian cho Olympic 2016 cũng chỉ còn khoảng 8 tháng. Nguy cơ lãng phí một tài năng xuất chúng của cả một nền thể thao lại đang hiển hiện, mà ngay từ bây giờ có thể khẳng định khó có thể kịp lấy lại phong độ cho Olympic 2016. Chưa kể, thực tế Viên còn phải đối mặt với những hạn chế cơ bản về hình thể, sức mạnh, kỹ thuật xuất phát và quay vòng. Trong khi đó, mặt bằng chung trình độ của môn bơi thế giới quá cao và ngày càng cao.

Như đánh giá của giới chuyên môn, Viên cần 2 năm để gia nhập Top 15 thế giới, mà cao nhất là hạng 10 nội dung 400m hỗn hợp tại giải VĐTG 2015.  Và chị  cũng phải cần chừng ấy thời gian, với quyết tâm nỗ lực cao hơn nhiều mới có thể tiếp tục vượt qua được một vài đối thủ xếp trên mình.

Có nghĩa là, ngay cả việc tập luyện, thi đấu theo đúng chuẩn Mỹ, Ánh Viên cũng phải phấn đấu mệt nghỉ may ra mới “chen” vào nhóm đầu thế giới ở một vài nội dung có thể mạnh và sự phù hợp. Nó sẽ gần như bất khả thi, nếu không muốn nói là Viên có thể sẽ giật lùi khi bị biến thành “máy cày” huy chương như hiện tại. Rất bi hài vì sau Đại hội Thể thao Quân sự thế giới, Viên lại về nước để tham dự giải VĐQG, một sân chơi quá dưới tầm mà chị vừa bơi vừa nhắm mắt cũng thừa sức đoạt HCV ở tất cả các nội dung cá nhân.

Bao giờ mới hình thành nội dung “trọng điểm”?

Chính cái sự ôm đồm thành tích đã chẳng những ảnh hưởng đến quy trình đào tạo chuyên biệt trên đất Mỹ mà còn khiến Ánh Viên không thể thực hiện được mục tiêu hình thành nên một số, hay thậm chí chỉ cần 1 nội dung “trọng điểm” tầm hàng đầu thế giới. Điều này đã được các nhà quản lý huấn luyện đặt ra từ lâu song đến giờ vẫn bất thành.

Trong khi đó, Viên có những nội dung, điển hình như 400m hỗn hợp, hoàn toàn có khả năng vươn tới đỉnh quốc tế cao nhất. Đây cũng cũng là đường bơi gần như duy nhất Viên luôn có những bước thăng tiến nhanh và ổn định như một “mũi nhọn” số 1. Kể từ khi nền tảng thể lực của cô có bước đột phá, cùng khả năng bơi ếch được nâng cao, điều này càng được khẳng định. Ở giải VĐTG 2013, Viên xếp thứ 21 với thông số 4 phút 47 giây 60. Qua 2 năm, kỷ lục gia SEA Games này đã bơi dưới 4 phút 40 giây, rút ngắn được tới 7-8 giây, một thành quả rất “khủng”.

Không thể mong Ánh Viên có “mũi nhọn” thực thụ một khi người ta còn muốn chị “gặt” huy chương ở đủ các loại giải, mà mỗi cuộc đấu cả chục nội dung.

Quy trình tập huấn tại Mỹ bị gián đoạn và xáo trộn

Trên đất Mỹ, Ánh Viên đang tập luyện theo một chương trình ổn định gồm 9 đến 12 buổi mỗi tuần, 1-2 buổi tập mỗi ngày, với 1,5 đến 3 giờ mỗi buổi, 20-30 giờ mỗi tuần. Tổng khối lượng bơi tổng cộng hàng tuần của cô từ 35- 70km.

Tùy theo các mục tiêu và giai đoạn, nó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Viên đã giành 3 chuẩn A Olympic, và gần như chắc chắn sẽ có thêm 1 chuẩn A nữa để có thể được tranh tài nhiều nội dung tại Olympic 2016. Tuy nhiên, cả quy trình này đang bị gián đoạn và xáo trộn kể từ sau SEA Games 28.


Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›