Kình ngư Võ Thanh Tùng: VĐV khuyết tật giàu nhất Việt Nam

Thứ Tư, 29/10/2014 05:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là lời nói vui và rất thật của HLV Đổng Quốc Cường về cậu học trò “cưng” Võ Thanh Tùng, người đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với 5 chiếc HCV ở các cự ly bơi 50m tự do, 100m tự do, 200m tự do, 50m bướm, 50m ngửa, 200m hỗn hợp cá nhân tại ASIAN Para Games 2014.

1. Trao đổi với phóng viên Thể thao & Văn hóa chiều qua (28/10), HLV Đổng Quốc Cường vẫn rất phấn khởi nhắc lại thành tích tuyệt vời mà đội bơi của ông đã giành được ở sân chơi châu lục mới đây.

Ông Cường cho biết: “Trước khi tham gia Đại hội, tôi đã tính toán rất kỹ lưỡng thế mạnh của Thanh Tùng để so sánh với những đối thủ mạnh trong châu lục. Sau đó, mình mới mạnh dạn đăng ký nội dung tham gia.

Ban đầu, tôi nghĩ rằng với khả năng của học trò thì Thanh Tùng sẽ giành được 3-4 tấm HCV. Biết là vậy nhưng phải giữ kín không nói ra để không gây áp lực cho em ấy. Và cuối cùng, những tính toán của tôi đã cho ra kết quả ngoài mong đợi. Tôi không thể hạnh phúc hơn khi chứng kiến học trò mình thành công như thế”.

Ông Cường nói tiếp: “Tất nhiên trong cuộc chơi nào cũng có may mắn, ví dụ như 1 tấm HCV của Thanh Tùng ở Đại hội mới đây có được là do có 1 VĐV quốc gia khác phạm quy nội dung 200m khi khai không đúng hạng thương tật và HCV được trao lại cho Tùng.

Tại ASIAN Para Games 1 ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010, Võ Thanh Tùng cũng đóng góp 1 HCV cho thể thao khuyết tật Việt Nam. Hồi đầu năm nay, Thanh Tùng tham dự 3 nội dung ở ASEAN Para Games và đều có huy chương cao nhất. Đỉnh cao sự nghiệp đến với chàng trai gốc An Giang khi anh có đến 5 HCV ở ngày hội lớn nhất châu lục vừa qua.
Nhưng may mắn chỉ là phần nào thôi, muốn có may mắn thì phải lao động, lao động cật lực. Thanh Tùng đã có một kết quả phi thường nhờ quá trình tập luyện bài bản và tính toán hợp lý để đăng ký nội dung. Chúng tôi đã chuẩn bị đến 8 tháng ròng rã cho Đại hội này, bắt đầu từ tháng 3/2014. Sự đầu tư đó đã có kết quả như bạn thấy”.

Điều khiến nhiều người ấn tượng hơn cả với kình ngư vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam chính là năng khiếu và đam mê vô tận của Thanh Tùng với đường đua xanh. Bị teo chân từ khi những bước chân đi còn chưa vững, gia đình nghèo không có điều kiện chữa trị, nhưng cũng như nhiều em nhỏ miền Tây sông nước khác, Thanh Tùng vẫn hòa nhập với chúng bạn với sở thích bơi lội.

Những con sông chảy quanh nhà là nơi nuôi dưỡng năng khiếu thể thao của Tùng, nhưng để duy trì niềm đam mê đã ăn vào huyết quản, Thanh Tùng phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều. Không chỉ vượt qua những mặc cảm đời thường của một người khuyết tật, nghị lực sống của Thanh Tùng còn được biểu hiện ở suy nghĩ tự vươn lên để sống tốt với cộng đồng.

Số tiền mà một VĐV khuyết tật như Thanh Tùng kiếm được trong những ngày đầu lận đận theo nghiệp VĐV cách đây chục năm cũng không thể đủ cho nhu cầu sinh hoạt. Thanh Tùng học thêm nghề sửa chữa điện thoại di động để kiếm thêm chút đỉnh mưu sinh.

Tuy nhiên, khi phải chọn lựa giữa đường bơi và công việc, Thanh Tùng đã quyết định bỏ nghề để sống hoàn toàn với niềm đam mê. “Bỏ nghề sửa chữa điện thoại di động là quyết định khó khăn của đời tôi. Nhưng nếu muốn đeo đuổi nghiệp thể thao, phải thường xuyên tập luyện thì tôi phải chấp nhận đánh đổi. Lúc đó mọi thứ rất khó khăn nhưng rồi, tôi chọn cách suy nghĩ lạc quan và mọi chuyện cuối cùng cũng qua”, Thanh Tùng cho biết.

2. Nhưng để thành công trong thể thao, ngoài đam mê, nỗ lực tập luyện hay may mắn thì cần phải có năng khiếu, và Thanh Tùng đã sở hữu yếu tố quyết định đấy.

HLV Đổng Quốc Cường cho biết: “Thanh Tùng có năng khiếu bẩm sinh và thể hình tốt cho môn bơi lội. Khi tập luyện em rất có đam mê, nỗ lực không ngừng trong từng động tác, kiểu bơi. Trong thể thao nếu muốn thắng người ta thì phải nỗ lực. Hơn nữa, đầu óc thông minh của Thanh Tùng cũng là điều khác biệt. Ở nhiều thời điểm, VĐV không thể chỉ dùng sức mà còn phải tính toán đầu óc mới chiến thắng đối phương. Thanh Tùng là VĐV rất toàn diện”.

Thanh Tùng tâm sự: “Lúc đầu tập luyện, bản thân tôi cũng nhận thấy mình xuất phát chậm, dẫn đến dễ thua đối thủ. Nhưng sau thời gian được thầy chỉ bảo, rút kinh nghiệm, tôi đã cải thiện được thành tích đáng kể”.

Kỳ tích vô tiền khoáng hậu ở sân chơi ASIAN Para Games II vừa qua đã giúp Tùng từ một VĐV khuyết tật chân chất trở thành một “tỷ phú” thật sự. HLV Đổng Quốc Cường hồ hởi thông báo: “Với thành tích 5 HCV Đại hội châu lục và phá nhiều kỷ lục, Thanh Tùng sẽ nhận khoảng gần 1 tỷ đồng tiền thưởng. Em nó là VĐV khuyết tật giàu nhất Việt Nam rồi đấy. Và cũng như học trò, thầy nó cũng nhận được số tiền tương tự”. Ở TTTT Tân Bình, nơi luyện tập của thầy trò HLV Đổng Quốc Cường và Võ Thanh Tùng, bây giờ không ngớt tiếng cười trêu đùa bộ đôi “tỷ phú” này.

Đề cập đến tương lai của Thanh Tùng, HLV Đổng Quốc Cường cho biết: “Theo hoạch định của Hiệp hội Paralympic Việt Nam và Tổng cục TDTT, chúng tôi sẽ đầu tư thêm cho Thanh Tùng. Trước mắt là mục tiêu lớn ở đấu trường thế giới Paralympic. Xét về khả năng hiện tại thì Thanh Tùng có khả năng lấy huy chương ở đó. Tôi đã 3 lần dự Paralympic rồi và khát khao nhìn học trò mình trên bục nhận huy chương Paralympic. Dù là màu gì thì đó cũng là ước vọng cuối cùng của tôi”. 

Khi được hỏi sẽ làm gì với số tiền thưởng có được từ ASIAN Para Games, Thanh Tùng ngại ngùng: “Thật ra con số chính xác thì tôi chưa rõ, phải đợi đến ngày trao thưởng mới biết được. Nhưng tôi sẽ dùng một khoản để giúp đỡ gia đình đang rất khó khăn ở quê. Khi được thành tích như hôm nay, tôi cũng không thể quên những tháng ngày khốn khó. 

Một phần tiền tôi sẽ dành dụm đầu tư cho bản thân. Hiện tại do chưa có gia đình nên tôi phải tự chăm sóc bản thân. VĐV khuyết tật cũng cần khá nhiều chất bổ để bổ sung cho việc tập luyện. Mục tiêu trong tương lai của tôi là giành thêm nhiều thành công hơn nữa mọi đấu trường, đặc biệt là giành huy chương ở Paralympic. 

Có được thành công hôm nay tôi xin cảm ơn tất cả những người thân, HLV, bạn bè, nhà tài trợ đã dành niềm tin động viên tôi rất nhiều”.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›