Lê Minh Hà về Việt Nam in 5 cuốn sách: Hà Nội đầy ắp trên trang sách

Thứ Hai, 12/10/2015 13:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Điều kiện của Lê Minh Hà với các nhà xuất bản là “tôi có 5 cuốn sách đấy, nếu chấp nhận in cả thể thì tôi về”. Thế là, người mẹ (toàn thời gian), nhà văn (lúc rảnh rỗi) Lê Minh Hà đã từ Đức trở về Hà Nội một mình trong thời gian in ấn xuất bản và ra sách của mình.

Để bõ cái công xa gia đình, bị các con, đặc biệt là cậu út Cục Mỡ hờn trách “mẹ về Hà Nội một mình là unfair” (không công bằng) chị in liền một lúc 5 cuốn: Cổ tích cho ngày mới, Thương thế ngày xưa, Còn nhớ nhau không, Chơi nhiều hết mệt, Này bọn mình rất đẹp...

1. Lê Minh Hà sinh năm 1962, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm 1983, từng là cô giáo trường PTTH Hà Nội – Amsterdam. Sau đó, chị sang định cư tại CHLB Đức. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên chị in là Gió từ thời khuất mặt (1998), ngoài ra chị viết tản văn, truyện ngắn Gió biếc (1999), Những giọt trầm (2005), Những gặp gỡ không ngờ (2012)...

Trong talk show với Lê Minh Hà tại Heritage Space hôm 10/10, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn chia sẻ anh khá tiếc khi một cây bút có giọng điệu riêng, có kiến văn sâu sắc như Lê Minh Hà dường như được hơi ít độc giả biết đến. Cái sự “kén độc giả” của văn chương Lê Minh Hà khiến ít người tìm thấy chị chăng, nhà phê bình Mai Anh Tuấn đặt dấu hỏi?


Lê Minh Hà và nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn trong talk show tại Trung tâm văn hóa Heritage Space hôm 10/10/2015

Lê Minh Hà tự nhận mình thuộc diện “ô sin của gia đình”, “ăn bám chồng”, “viết văn không phải vì tiền”, nên không đặt mục tiêu viết cho số đông. “Tôi viết vì tôi thôi và tôi đi tìm sự đồng điệu ở mọi người”, chị nói.

2. Tác giả Nguyễn Trương Quý, người sau khi biên tập sách của Lê Minh Hà đã chia sẻ: “Văn của chị Hà đầy ắp những "mã" về Hà Nội. Khi đọc tôi có cảm giác như đang khảo cứu một bảo tàng về ngôn ngữ, đặc biệt những uyển ngữ ở Hà Nội luôn đầy ắp trong các trang văn...”.

Các tác phẩm của Lê Minh Hà nổi bật 3 chủ đề: hồi ức về thời kì chiến tranh; đời sống xa xứ, và Hà Nội. Giọng điệu của chị được đánh giá là sự pha trộn của các yếu tố: nhẹ nhàng, hài hước mà không kém phần, sắc sảo, triết lý.


Bìa cuốn “Thương thế, ngày xưa...”

Có một câu hỏi từ nhà phê bình Mai Anh Tuấn phải chăng chị cũng giống rất nhiều người xa xứ, viết về quê hương xứ sở là để giải tỏa cảm giác hoài hương.

“Tôi nghĩ nếu ai đã từng sinh ra trên một vùng đất nào đó, đã từng sống ở đó đến năm 17 tuổi thì sẽ vĩnh viễn thuộc về vùng đất đó. Tôi viết về Hà Nội là viết về nơi tôi đã thực sự sống, hiểu và ngấm. Tôi nghĩ không phải cứ đi xa mới hoài cổ đâu, đọc văn của Bảo Ninh sẽ thấy văn của ông ấy là một hoài niệm rất dài. Tôi cũng không hoài hương lắm đâu, tôi viết về Hà Nội xưa là để nói về hôm nay thôi”, Lê Minh Hà nói.

Ngoài những trang văn đầy hoài niệm, triết lý, có phần “kén khách” đó, năm nay Lê Minh Hà giới thiệu 2 cuốn, mà chị cho rằng các chị em phụ nữ rất thích: Này bọn mình rất đẹp (lúc đầu có cái tên “ăn khách” hơn 50 rất dễ bỏ chồng) và cuốn Chơi nhiều hết mệt.

Đọc Chơi nhiều hết mệt quả nhiên thấy rất khỏe. Sự hồn nhiên, ngây thơ của Cục Mỡ, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho cậu khiến người đọc cảm động. Tác phẩm là nhật ký của Lê Minh Hà với cậu con út Cục Mỡ. Chị sinh con ở tuổi có thể lên chức bà (45 tuổi), nhưng Cục Mỡ đã đem về cho chị một tình yêu vô bờ bến.

Lê Minh Hà vẫn trung thành với việc làm mẹ toàn thời gian. Khi rảnh rỗi, chị lại ngồi vào bàn viết văn. Dù rằng chị nhận là “viết cho riêng mình” nhưng phàm những người viết trân trọng những điều nhỏ bé, ti ti trong cuộc sống lại là những người rất vì bạn đọc.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›