(Thethaovanhoa.vn) - Trước giờ lên đường, từ thầy đến trò đều tin tưởng kỳ Paralympic Rio 2016 sẽ là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Lê Văn Công và thể thao khuyết tật Việt Nam.
Tạ là cứu cánh cuộc đời
Bắt đầu bằng 300 nghìn đồng ít ỏi trong túi, từ Hà Tĩnh, Lê Văn Công vượt con đường thiên lý vào Sài Gòn, đến xin học trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Văn Công suy nghĩ với đôi chân không lành lặn của mình, công việc phù hợp nhất với anh là sữa chữa máy móc ở nhà. Nhưng công việc không dễ dàng gì khi chàng trai sinh năm 1984 vừa ra trường. Thuê trọ ở TP.HCM ở với bạn bè, Công hàng ngày phải lặn lội xuống Đồng Nai để làm việc.
Bước ngoặt cuộc đời Công đến khi anh gặp HLV cử tạ Nguyễn Hồng Phúc ở Trung tâm Văn hóa, Thể thao Tân Bình. Thầy Phúc nhận thấy Văn Công có tố chất và thuyết phục chàng trai này về đầu quân cho TP.HCM. Cuộc đời Lê Văn Công rẽ ngang từ đó.
9 năm theo nghiệp cử tạ, Văn Công xô đổ hàng loạt giới hạn của bản thân. Mất 9 năm để chàng trai Hà Tĩnh nâng thêm được 31,8kg tạ. Nặng chưa đến 49kg nhưng chinh phục mức tạ gấp hơn 3,7 lần trọng lượng cơ thể (niềm hy vọng khác của cử tạ Việt Nam ở hạng 54kg là Nguyễn Bình An có thành tích tốt nhất 183kg), những con số thống kê “khủng khiếp” giúp Công đang đứng trên đỉnh cao thế giới. Cũng từ kỳ tích trong thể thao, Văn Công đã thuyết phục được gia đình chị Chu Thị Tám (người vợ hiện tại của Văn Công) cho anh “rước nàng về dinh”. Hiện tại, tổ ấm của Văn Công đã là mơ ước của nhiều người bình thường khác khi anh tự tay xây được căn nhà khang trang nhờ tiền thưởng và 2 đứa con (1 trai, 1 gái) kháu khỉnh. Nếu không còn đẩy tạ, hàng ngày Công sẽ đóng vai ông chủ coi sóc xưởng loa mà mình cùng thầy cũ mở ra kinh doanh ở Quận Thủ Đức.
Kỳ tích được báo trước
Sở hữu dàn VĐV đang trong độ chín của sự nghiệp, Đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam mạnh dạn đặt chỉ tiêu huy chương trước giờ lên đường. Người trong cuộc từng chia sẻ trước giờ lên đường rằng: “VĐV bình thường thì không dám đặt huy chương Đại hội nhưng người khuyết tật thì dám nhận đấy”. Và ngay ngày đầu tiên Đại hội khởi tranh, Văn Công đã thậm chí vượt chỉ tiêu.
HLV Hồng Phúc từng rất vui vẻ trước khi đến Brazil rằng ông chăm sóc Văn Công như “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, “Văn Công muốn gì lúc này tui đều chiều hết”. Ông Phúc tin chắc rằng: “Chỉ cần duy trì tâm lý ổn định, huy chương sẽ nằm trong tầm tay chúng ta”. Và điều ông Phúc tiên liệu đã chính xác. Nhưng cũng cần kể thêm trong thành công của Văn Công, việc VĐV cạnh tranh số 1 tấm HCV là Yakubu vắng mặt đã tạo tâm lý thăng hoa cho Công. Không còn đối thủ xứng tầm ngáng đường, Văn Công thoải mái phô diễn những gì đã làm được khi tập luyện.
Nhìn những giọt nước mắt rơi trên gương mặt HLV Hồng Phúc ngày 9/9, đủ hiểu những kỳ vọng và phấn khích được đè nén lâu ngày cuối cùng đã được giải tỏa. Ít người biết rằng, ngoài phát hiện và nâng đỡ để có một Văn Công như hôm nay, HLV Hồng Phúc còn như một người anh cả ngoài đời của Công. Khi Văn Công thiếu tiền xây nhà lo cho tổ ấm của mình, ông Phúc đã cho Văn Công mượn để hoàn thành. Ông Phúc còn tếu táo rằng ông không lo bị cậu học trò quỵt tiền vì thành tích của Văn Công trong tương lai sẽ có nhiều hơn số tiền vài trăm triệu đồng ông cho Công mượn.
Sau Hoàng Xuân Vinh, Quốc ca Việt Nam lại được vang lên ở đấu trường lớn nhất hành tinh giành cho người khuyết tật. Brazil có vẻ là đất lành để thể thao Việt Nam “cất cánh”.
Niềm tự hào của thể thao TP.HCM “Văn Công đã nâng được khối lượng tạ hơn 3 lần cơ thể anh ta thì đó là điều phi thường rồi. TP.HCM rất vui và tự hào khi đón nhận tin tức này và tấm gương của Văn Công đáng để mọi người học tập. Trong vinh quang vừa giành được thì những HLV, trong đó có HLV Nguyễn Hồng Phúc là người ghi dấu ấn không nhỏ. Anh Phúc đã đầu tư học hỏi, đưa giáo án hợp lý để huấn luyện VĐV ngày một trưởng thành hơn, kích thích động viên các học trò chinh phục thành tích cao hơn. Không riêng gì Lê Văn Công, những VĐV giỏi nhất đến Olympic của môn cử tạ lần này rất đông và điều đó nói lên chuyên môn của người thầy”. “Trước mắt mình thưởng theo Quyết định 60 của TP.HCM, để khuyến khích VĐV thì TP.HCM có chính sách tốt khi thưởng 100% thay vì 50% như Quyết định 32 đã ban hành. Nếu tôi nhớ không lầm thì Quyết định 32 thưởng mỗi chiếc HCV Đại hội là 184 triệu đồng thì VĐV khuyết tật được thưởng bằng một nửa. Về TP.HCM thì Văn Công sẽ được thưởng trọn số tiền đó. Còn tiền thưởng cho kỷ lục là 69 triệu đồng. Ngoài ra, những khoản thưởng khác chưa thống kê hết được lúc này”. (Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao TP.HCM). |
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags