Lính đảo 'đói' báo thể thao

Chủ nhật, 20/03/2016 06:28 GMT+7

Google News

(Thehaovanhoa.vn) - Ở Trường Sa, sự đam mê thể thao của những người lính đảo dường như thêm cháy bỏng. Họ xem... bằng tai những buổi tường thuật đội tuyển U23 Việt Nam.

Và những tờ báo thể thao mới nhất là cách đó vài tháng, dù ở điểm nào cũng có phòng đọc và rất nhiều đầu sách báo khác nhau.

Kể tiếp chuyện thể thao ở Trường Sa cũng là để chúng tôi đáp ứng những chia sẻ ấm áp mà độc giả gửi về TT&VH Cuối tuần dành cho lính đảo qua 2 kỳ báo trước.  

Tường thuật bóng đá bằng điện thoại

Hôm tàu Quân y 561 đưa chúng tôi vừa ra khỏi Vịnh Cam Ranh, cả đoàn công tác đang chuẩn bị đi ngủ thì bỗng có tiếng rao chạy rọc hành lang: “Ai báo ơ?”.

Rồi tất cả các phòng đều bị gõ cửa. Một nhóm 4-5 chiến sĩ còn trẻ măng bước vào phòng, lặp lại duy nhất một câu hỏi: “Các anh có ai mang theo báo không cho chúng em xin! Đặc biệt là báo thể thao. Cũ cũng được ạ”.

Câu hỏi ấy đã khiến nhiều anh em làm báo trong chúng tôi không khỏi ân hận, vì trước khi lên đường, ai cũng chỉ chăm chăm chuẩn bị đồ nghề, thực phẩm, thuốc men cho cuộc tác nghiệp dài ngày, nhưng không ai cõng theo dù chỉ là một trang báo.


Thể thao & Văn hóa vẫn được "phát hành" đến nơi đầu sóng nhờ vào tình yêu của độc giả...

Chúng tôi “khuyên” các chiến sĩ truy cập internet để đọc báo. Nhưng “giữa biển thế này thì... chỉ có sóng nước thôi anh ạ! Còn lên đảo có sóng Viettel, nhưng căng lắm cũng chỉ được... 2 vạch. Mà dẫu có đầy sóng thì chúng em cũng đâu có máy tính như các anh. Còn điện thoại, nhất là smarphone, lính đảo chúng em không được dùng...”, một chiến sĩ nói.

Nghe thế, nhiều anh em trong chúng tôi khóe mắt đã rưng rưng.

Đến những ngày diễn ra VCK 23 châu Á 2016 có tuyển U23 Việt Nam góp mặt, chúng tôi vẫn đang lênh đênh trên biển và thêm một lần nữa nước mắt lại rưng rưng trước tình yêu bóng đá và nhu cầu về thông tin thể thao của những người lính đảo.

Chẳng là trên tàu, phòng nào cũng có TV, nhưng chỉ thu được 3 kênh: VTV2, THVL và HBO. Hôm nào U23 Việt Nam ra sân, hôm ấy kênh HBO lại tự động chuyển sang kênh VTV6 để truyền hình trực tiếp, khiến không khí toàn tàu vui như hội.

Đến giờ trận đấu diễn ra, mọi người kéo xuống phòng ăn – phòng rộng nhất trên tàu để cùng theo dõi những bước chân của đội bóng con cưng.

Nhưng ngặt nỗi, sóng thu từ vệ tinh rất kém, hình nhiễu, hầu như chẳng thấy gì nên thay vì xem, tất cả mọi người đều ngồi im để “nghe” tiếng bình luận viên. Những lúc tàu lắc mạnh, tín hiệu mất, nhiều chiến sĩ vì đam mê đã không ngần ngại mượn điện thoại nhà báo, kéo nhau chạy thẳng lên boong tàu “gọi cho người thân” ở đất liền để cập nhật kết quả.

Nhưng không chỉ quan tâm đến bóng đá Việt Nam, những người lính đảo còn quan tâm đến bóng đá thế giới và nhiều môn thể thao khác.

Đến đảo, điểm đảo nào, cánh báo chí chúng tôi cũng đều được rất nhiều chiến sĩ hỏi thăm về các đội bóng, cầu thủ, tay vợt... mà họ yêu thích. Thế nên, ai là cây viết thể thao, am tường thể thao thì tha hồ “chém”, còn những ai không viết thể thao, không quan tâm đến thể thao thì xin mời... đi chỗ khác.  

“Phát hành” báo thể thao ở Trường Sa

Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngày nay đều đã được phủ sóng 2G, có sóng truyền hình để phục vụ nhu cầu thông tin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Tại hầu hết các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều có phòng đọc sách báo, với đa dạng thể loại và số lượng lên tới hàng ngàn, nhưng báo về lĩnh vực thể thao thì người viết bài này mới chỉ cầm tận tay tờ Thể thao & Văn hóa (TTXVN) ở đảo Đá Tây.

Thể thao ở Trường Sa: Nơi sân bóng chìm trong biển cả

Thể thao ở Trường Sa: Nơi sân bóng chìm trong biển cả

Sân bóng là đường băng của sân bay, hoặc là một bãi phẳng chìm sâu dưới mực nước lúc thủy triều lên, chơi thể thao ở quần đảo Trường Sa cũng trở nên siêu tưởng.


Thực ra, báo TT&VH không phải đến bây giờ mới có mặt ở Trường Sa mà đã “phát hành” ở nơi đầu sóng này từ cách đây gần 3 thập kỷ, chính xác là năm 1988.

Cụ thể, một nhóm các các bộ, chiến sĩ thế hệ 5X của Bộ Quốc phòng những năm 80 của thế kỷ trước đã lập “Quỹ bóng đá” với một mục đích duy nhất là mua tờ Tin nhanh Espana ‘82 (tiền thân của tờ TT&VH), phục vụ cho buổi “giao ban” bóng đá sáng hôm sau.

Trong một bài viết nhân Kỷ niệm 30 năm TT&VH (1982-2012), cựu chiến binh Lê Chí Dũng kể lại hành trình mang báo TT&VH ra Trường Sa:

“Tôi nhận lệnh vào Cam Ranh, chuẩn bị cho CV-88, một hoạt động chi viện cho Trường Sa. Theo kế hoạch, đêm đó tàu rời cảng Cam Ranh để ra Trường Sa thì buổi chiều chuyến máy bay quân sự từ Hà Nội vào đã mang đến cho tôi một gói quà bao gồm toàn bộ các số báo Văn hóa Thể thao Quốc tế (8 số tất cả) trước, trong và sau giải EURO 1988. Thế là năm 1988 báo TT&VH đã có mặt ở Trường Sa!”.

Bây giờ, cũng giống như gần 3 thập kỷ trước, báo TT&VH vẫn “phát hành” ở Trường Sa bằng... tình yêu của độc giả dành cho báo.

Hơn 50 số báo TT&VH hiện diện ở đảo Đá Tây là minh chứng cho điều đó!

Chuyện là, ở đảo Đá Tây có chiến sĩ Ngô Quang Tuyên, quê ở Thái Bình, là một “fan” của TT&VH. Trước khi vào lính, Tuyên thường nhờ chị gái học Đại học ở Hà Nội mua TT&VH gửi theo xe khách về quê đọc. Ra đảo làm nhiệm vụ, trong hành lý mang theo Tuyên “gùi” theo cả báo TT&VH. Không những vậy, Tuyên còn dặn chị gái ở nhà tiếp tục sưu tầm tờ báo mình yêu mến gửi vào Hải quân Vùng 4 để nếu có tàu ra đảo sẽ chuyển báo đến Tuyên.

Đến thời điểm người viết bài lên đảo Đá Tây (cuối tháng 1/2016), Tuyên mới chỉ có trong tay những số báo TT&VH của tháng 9/2015. Tất cả đều đã thủng gáy, nhiều chỗ đã được “băng bó” bằng băng keo hoặc khâu gáy. Tuyên cho biết, đó chính là dấu hiệu tờ báo được các chiến sĩ đọc nhiều chứ không phải do báo quá cũ nát...

Đến tháng 7 này, Tuyên hoàn thành nghĩa vụ, trở về đất liền, lại được cầm trên tay tờ báo mà theo như Tuyên cho biết đã đọc nó được 5 năm, không sót số nào kể từ trước khi nhập ngũ. Và thật cảm động khi Tuyên cho biết ước mơ giản dị của Tuyên là sau khi về quê, Tuyên sẽ tiếp tục thi báo chí, cố gắng trở thành một cây viết thể thao và nếu được chọn em sẽ đầu quân cho... TT&VH. “Còn nếu không đậu, em sẽ mở sạp báo ở quê, trong đó có bán... TT&VH”, Tuyên nói.

Ngoài Tuyên, còn một chiến sĩ khác cũng ở đảo Đá Tây “mê” đọc Thể thao & Văn hóa là Nguyễn Văn Khang, quê ở Gò Vấp, TP.HCM.

Về “thâm niên” đọc Thể thao & Văn hóa, Khang không được như Tuyên, mới chỉ đọc Thể thao & Văn hóa được 3 năm. Khang nói trong gia đình, ngoài Khang có mẹ Khang cũng là “fan” của tờ Thể thao & Văn hóa và Khang thích đọc tờ báo này là do... mẹ.

“Mẹ em hôm nào cũng mua một tờ về đọc. Mẹ đọc xong lại xếp gọn, để trên nóc tủ lạnh và bảo em đọc. Em cũng là người thích thể thao và ca hát nên Thể thao & Văn hóa rất phù hợp với “gu” của em. Đọc rồi, đọc mãi thì thành quen và thích báo...”

Và cũng giống như Tuyên, ở nhà, mẹ của Khang vẫn lưu lại những tờ TT&VH bà đã đọc để gửi cho Khang. Hôm người viết bài trở về đất liền, gọi điện cho mẹ Khang để “xác minh” thì được bà phấn khởi cho biết: “Vừa gửi cho Khang hơn 10 ký (10kg) báo ngày và cả số Tết Thể thao & Văn hóa... Chắc chừng... tháng 3 là đến tay các chiến sĩ thôi à”.

Huy Thông
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›