(Thethaovanhoa.vn) - Một năm mới lại đến, nhưng với họ - những nhà báo thể thao, đó không hề là quãng nghỉ giữa cuồn cuộn sự kiện của đời sống thể thao. Và trong số đầu tiên của năm 2016, Thể thao & Văn hóa cuối tuần tổ chức cuộc trao đổi bàn tròn có chủ đề "Lời ước đầu năm" với sự tham gia của các nhà báo thể thao là: Hoàng Lâm (báo Lao Động); bình luận viên Vũ Quang Huy, nhà báo Hà Quang Minh với phần "soạn mâm" của nhà báo Trần Hải (báo Thể thao & Văn hóa).
- TTVN tổng kết SEA Games 2015: Ánh Viên và Hà Thanh được nhận Huân chương Lao động hạng nhì
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt các VĐV Đoàn TTVN tham dự SEA Games 28
- Nhìn lại thành tích của TTVN tại SEA Games 28: Đường lên đỉnh Olympia còn... xa lắm!
* Nhà báo Trần Hải: Như các cụ ta vẫn nói "ôn cố, tri tân". Để mở đầu cho cuộc trao đổi đầu năm mới này, chúng ta cùng nhìn lại một năm đã qua của Thể thao Việt Nam. Theo các anh, đó là một năm thành công hay thất bại? và nếu được chọn 1 sự kiện hay 1 gương mặt nào đó ấn tượng nhất, các anh sẽ chọn sự kiện hay gương mặt nào?
- Nhà báo Hoàng Lâm: Tôi nghĩ có nhiều góc độ để định danh hai chữ “thành công” trong thể thao. Thường thì chúng ta thấy thế này: Cứ một cuộc thi đấu quốc tế đi qua, như SEA Games hay ASIAD thì số lượng HCV nhiều hơn thì được cho là thành công, hoặc số huy chương nhiều hơn dự kiến của các nhà quản lý, ấy là thành công. Nghĩa là phải định lượng nó ra, tính toán, cân đo đong đếm được. Tuy nhiên, ở những góc độ khác, thành công chưa chắc được tính trên đầu huy chương mà là ở chỗ nó mang lại được điều gì cho đời sống thế thao, cho mỗi người dân hoặc chính những nhà quản lý.
Với tôi, thành công nhất năm nay đó chính là việc “THỨC TỈNH” trong quản lý và tư duy thể thao mới. Trong vòng 20 năm, thể thao Việt Nam tư duy đi tắt đón đầu, chọn những môn cá nhân không phổ biến, lấy nữ làm chủ công để gom huy chương. Kết quả là thể thao Việt Nam vẫn có số lượng huy chương tốt, đứng trong nhóm đầu tại SEA Games nhưng gần như không có chuyển biến, thậm chí thụt lùi một cách âm thầm.
Câu chuyện THỨC TỈNH bắt nguồn từ ASIAD tại Incheon năm 2014 và tỏ rõ hiệu quả và tính khả thi năm 2015. Đó là Việt Nam hoàn toàn có thể mạnh và thống trị những môn thể thao trong nội dung Olympic tại những đấu trường như SEA Games và từ đó nhìn ra được những mục tiêu cao hơn tại các cuộc thi châu lục. Điều này mang lại niềm tin đầu tư cho những nhà quản lý, niềm tin chiến thắng cho những HLV, VĐV và tạo ra động lực phấn khích với người hâm mộ. Những điều này kích thích lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Đó là thành công.
Các nhà báo cũng như người hâm mộ thể thao Việt Nam cầu mong một năm mới đầy thành công
Còn ở khía cạnh thất bại, cũng chính từ thành công ấy. Sự THỨC TỈNH chưa đủ để tạo ra một cuộc lột xác mạnh mẽ. Ở đây có yếu tố rào cản là kinh tế còn những bất cập song nếu hỏi những tác động cụ thể của những Ánh Viên, Lý Hoàng Nam như thế nào, thì rõ ràng là chưa!
Cái khó khăn nhất chính là chúng ta chưa khiến những nhân vật này là trung tâm của sự chú ý, là một trạng thái idol tạo ra làn sóng “bơi như Ánh Viên”, “luyện tập như Lý Hoàng Nam”… Tôi rất thích một băng-rôn của một CĐV khi chào đón Hoàng Nam từ Wimblendon trở về, rằng “Lý Hoàng Nam làm được, tại sao chúng ta không?”. Tuy nhiên hiện thực tinh thần ấy chưa cao.
Việc lựa chọn ra một sự kiện hay một nhân vật ấn tượng nhất rất dễ dàng và các tờ báo thể thao hàng năm đều làm chuyện đó. Ánh Viên là cái tên dễ được chọn bởi thành tích của cô quá xuất sắc, sự lựa chọn ấy hiển nhiên tới mức nhàm chán.
Nếu được chọn, có lẽ tôi chọn Lý Hoàng Nam với chức vô địch trẻ Wimbledon 2015. Một chút gì đó, tôi hy vọng Nam sẽ làm được như Paradorn Srichaphan- huyền thoại quần vợt Thái Lan và cũng mong quần vợt Việt không đi vào vết xe đổ của Thái Lan- đừng say men chiến thắng mà đầu tư đào tạo trẻ nhiều hơn với những trung tâm huấn luyện thật sự chất lượng. Đó cũng là một sự THỨC TỈNH.
- Bình luận viên Vũ Quang Huy: Với tôi về tổng thể 2015 là năm thành công của Thể thao Việt Nam. Các môn Olympic của chúng ta đã có được những bước tiến vượt bậc mà minh chứng rõ nhất là SEA Games 27 vừa qua. Nói kỳ SEA Games này thành công nhất của Thể thao Việt Nam từ trước đến nay cũng không hề quá lời. Ngoài ra, việc Lý Hoàng Nam giành chức vô địch đôi giải trẻ Roland Garros cũng là một kỳ tích, tạo cú hích đặc biệt cho việc xã hội hoá thể thao.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công cũng có những sự thất vọng trong đó đáng nói nhất là việc các đội tuyển bóng đá Quốc gia và U23 thi đấu không được như dự kiến dù có nhiều tiềm năng. Ở đây không thể đổ hết lỗi cho HLV Miura mà phải nhìn thẳng vào sự thật là đội ngũ chóp bu của VFF có những hạn chế về chuyên môn dẫn đến sự lệch pha giữa ông thày người Nhật và bóng đá Việt Nam.
Olympic Rio 2016 là sự kiện quan trọng nhất mà TTVN tham gia trong năm 2016
- Nhà báo Hà Quang Minh: Thất bại hay thành công đều phải dựa trên thước đo. Với thước đo của người này thì có thể là thành công, nhưng với thước đo của người khác thì không. Tôi thì không dám nói đến thất bại hay thành công bởi tôi không phải người đặt ra, hoặc nắm bắt rõ rệt thước đo của ngành thể thao nước nhà. Nhưng tôi vẫn thất vọng vì đã mong mỏi thấy một biến chuyển của thể thao Việt Nam quá lâu rồi mà vẫn chưa nhìn ra được điểm sáng nào để mà hi vọng. Tất cả vẫn là guồng quay cũ: lạc hậu, manh mún, thiếu chuyên nghiệp.
May mà còn có Ánh Viên, điểm sáng duy nhất để an ủi rằng ít ra Thể thao Việt Nam còn có cái gì đáng để mà nói đến trong năm 2015.
* Nhà báo Trần Hải: Vâng, mỗi người có 1 cách nhìn nhận và đánh giá riêng. Nhưng như chúng ta vẫn thường viết - Thành công hay thất bại xin nhường lời cho các nhà quản lý. Riêng tôi lại thấy rằng, ấn tượng lớn nhất của TTVN 2015 chính là những gương mặt trẻ với những kỳ tích mà họ mang về. Đó là Ánh Viên, Lý Hoàng Nam, Vương Thị Hiền, kể cả lứa trẻ Hoàng Anh Gia Lai như: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... chắc chắn họ vẫn là những niềm hy vọng của năm 2016. Các anh có đồng ý vậy không?
- Nhà báo Hoàng Lâm: Cần phải nói thêm về Nguyễn Lê Cẩm Hiền- nữ VĐV vừa vô địch U8 thế giới. Cách đây chừng hơn 15 năm, thông tin về Nguyễn Ngọc Trường Sơn đoạt chức vô địch U 10 thế giới khiến cho báo chí tung hô. Lần này, vinh quang không kém nhưng có vẻ tung hô ít hơn. Điều mà nhiều VĐV trẻ mắc phải đó là không vượt ra khỏi ánh hào quang của thành tích đã đạt được và tôi hy vọng những cái tên vừa kể trên không rơi vào những trường hợp ấy.
Với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thì điều tôi trông chờ không phải là những gì họ mang về mà là những gì họ… mang đi và thể hiện ở đấu trường có tính chuyên nghiệp cao như J-eague và K-League. Khó có thể kỳ vọng quá nhiều vào sự tỏa sáng nào đó nhưng những cầu thủ này sẽ đại diện cho hình ảnh một lớp trẻ Việt Nam. Đó là trọng trách của những cầu thủ mà người hâm mộ đang kỳ vọng.
- Bình luận viên Vũ Quang Huy: Chắc chắn những vận động viên trẻ mà anh vừa nhắc đến sẽ còn toả sáng và cống hiến lâu dài cho Thể thao Việt Nam. Điều khiến tôi có sự băn khoăn khi nghĩ về những cái tên này là định hướng đầu tư thế nào để tối ưu hoá tài năng của họ. Đây là nhưng vận động viên không phải lúc nào cũng có được. Cần có sự nghiên cứu, cân nhắc hết sức cụ thể để những con người có tố chất đặc biệt này phát triên hơn nữa, trở thành biểu tượng đích thực của Thể thao Việt Nam.
- Nhà báo Hà Quang Minh: Vâng, họ vẫn còn là niềm hy vọng của 2016, thậm chí là của một vài năm sau đó nữa. Bởi họ còn trẻ, khát vọng còn nhiều. Nhưng tôi vẫn mong sao có được những cải cách lớn trong cấp quản lý, để những tài năng đó không bị phí hoài trong mòn mỏi, như thế hệ trước đã từng. Họ xứng đáng nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa, không chỉ tài chính đâu, mà chủ yếu là từ cách làm việc chuyên nghiệp thực sự.
* Nhà báo Trần Hải: Sau 1 năm khá "nhàn" chỉ với SEA Games 28, TTVN 2016 bận rộn hơn nhiều với Olympic Rio; AFF Cup; VCK U23 châu Á... cùng nhiều cuộc đấu trong nước, quốc tế khác. Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi thể thao, theo các anh đâu sẽ là mặt trận chính của cả nền thể thao. 1 tấm huy chương Olympic nữa, chức vô địch AFF Cup thứ hai, hay một nền thể thao quay lại với các giá trị cơ bản...
- Nhà báo Hoàng Lâm: Những mục tiêu quốc tế cần phải đặt ra, tuy nhiên việc mang chuông đi đánh nước người phỏng có ích gì khi ngay tại sân nhà, những môn thể thao mà chúng ta tung hô gần như không có khán giả? Hãy nhìn lên khán đài ở những môn như karate, vật, bắn súng hay đấu kiếm. Thậm chí bóng bàn cũng lác đác người xem.
Tôi nghĩ, mặt trận chính của Thể thao Việt Nam, trong đó đặc biệt là bóng đá chính là “mặt trận trong lòng khán giả”. Chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin với bóng đá và ngay cả những thành công như chúng ta đang bàn cũng chưa thể gọi là bền vững. Làm tốt những gì đang có, chắc chắn trên sân nhà thì tự khắc thành công ở những đấu trường quốc tế sẽ tới.
- Bình luận viên Vũ Quang Huy: Tôi nghĩ cái cần nhất lúc này là Thể thao Việt Nam quay lại vơi những giá trị cơ bản, tuy nhiên huy chương Olympic vẫn là mục tiêu mà chúng ta nên quyết liệt theo đuổi bởi nó có tính khả thi. Việc giành được 1 tấm huy chương Olympic chính là sự khẳng định hướng đi của một nền thể thao quốc gia. Sau chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân tại Sydney năm 2000 chúng ta đã trắng tay tại Athens 4 năm sau đó, đến Bắc Kinh năm 2008 xuất hiện Hoàng Anh Tuấn rồi lại trắng tay ở London. Đến năm nay nếu tiếp tục không có huy chương thì chính những người làm thể thao sẽ bị xói mòn niềm tin, đồng thời sự ủng hộ của xã hội đối với thể thao cũng sẽ giảm đi đáng kể
AFF Cup là danh hiệu mà bóng đá Việt Nam đã từng có. Nếu lúc này bỗng dưng có bất ngờ may mắn một lần nữa thì ai cũng vẫn thấy là bóng đá Việt Nam vẫn kém Thái Lan rất xa. Trong lúc khó khăn về nhiều mặt bóng đá Việt Nam cần sự căn cơ, thực tế hơn là những cảm hứng xa rời thực tế.
- Nhà báo Hà Quang Minh: Tôi cho rằng, mục tiêu chính của ngành thể thao Việt Nam hiện nay không phải là thành tích đâu, mà phải là việc tạo ra một "xã hội thể thao". Đó là xã hội có sự tồn tại của chuyên nghiệp đúng nghĩa; của thể thao học đường phong phú đa dạng; của thể thao đại chúng. Suy cho cùng, thể thao là hoạt động nâng cao thể chất và nhiệm vụ của ngành thể thao chính là tạo ra một xã hội mạnh khoẻ về thể chất. Nếu nghiệp dư mà có trình độ cao, tức khắc nó sẽ là sức ép để chuyên nghiệp phải vượt trội. Chứ chuyên nghiệp mà chỉ ngấp nghé nghiệp dư thì coi như vứt hai chữ chuyên nghiệp được rồi. Đấy, thể thao đại chúng nó là nước, thể thao chuyên nghiệp nó là thuyền. Nước nâng thuyền chứ ai lại hai tay đi bê cái thuyền bao giờ?
* Nhà báo Trần Hải: Cuối cùng trở lại với chủ đề của bàn tròn đầu năm nay này. Nếu chỉ có một điều ước cho TTVN 2016, các anh sẽ ước gì?
- Nhà báo Hoàng Lâm: Tôi có nhiều điều ước. Điều ước của tôi cũng giản dị thôi, tôi ước những chiều cuối tuần cùng con trai 7 tuổi của tôi có thể thư giãn bằng những trận đấu tennis tại những sân đấu gần nhà. Hoặc chúng tôi sẽ tới sân vận động đang đông chặt khán giả, một cảm giác hân hoan, an toàn. Ở đó chúng tôi sẽ thả mình vào những cuộc chơi thể thao mà không phải nghe những tiếng chửi tục, những chai nước ném từ phía trên khán đài. Đó là điều tôi muốn nhắn gửi, đừng quá mải mê chạy theo thành tích thể thao mà quên đi văn hóa thể thao.
- Bình luận viên Vũ Quang Huy: Chúc cho Thể thao Việt Nam năm 2016 có được sự thay đổi toàn diện ở các liên đoàn, có vậy mới hy vọng phát triển bền vững. Với cách làm như hiện nay mà có thành tích thế này là nhờ chúng ta có được những người lãnh đạo tỉnh, thành, ngành đầy tâm huyết, luôn ủng hộthể thao hết mình, bên cạnh đó là những huấn luyện viên, vận động viên bất chấp đãi ngộ chưa xứng đáng vẫn gắn bó với nghề. Không có được những con người này tôi không thể hình dung thể thao Việt Nam như thế nào.
- Nhà báo Hà Quang Minh: Một cuộc cách mạng thực sự, để thể thao là sân chơi phổ cập cho cộng đồng và là một kỹ nghệ có doanh thu đối với những nguời làm chuyên nghiệp. Ước mà, tại sao không ước hẳn điều lớn lao, dù điều đó muốn làm được, ít nhất phải mất chục năm.
* Nhà báo Trần Hải: Cảm ơn các anh về cuộc trao đổi thú vị. Nhân dịp đầu năm mới, Thể thao & Văn hóa xin được gửi tới các anh những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc điều ước của chúng ta sẽ thành hiện thực!
Thể thao & Văn hóa
Tags