(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/8 đánh dấu 11 năm ngày Michael Phelps tạo nên cột mốc đầu tiên trong lịch sử Olympic khi kình ngư người Mỹ giành tấm huy chương thứ tám ở Athens 2004 (trong đó có sáu huy chương vàng, hai huy chương bạc), bằng với thành tích của VĐV thể dục dụng cụ Aleksandr Dityatin thuộc Liên Xô cũ. Tuy vậy, ít ai ngờ rằng, 8 năm sau, Phelps vẫn chưa dừng lại.
18 tháng tìm lại mình
18 tháng qua, Michael Phelps đã lạc lối như một kẻ say rượu từng bị chặn lại trên đường cao tốc tại Baltimore, Maryland và khó mà tin rằng anh có thể trở lại bể bơi, chứ đừng nói gì đội tuyển Mỹ hay Olympic Rio 2016.
Vì thế, nếu “Viên đạn Baltimore” giành được ba hay bốn huy chương vàng Olympic nữa vào mùa hè năm sau tại Rio de Janeiro, sẽ không nhiều người tin rằng đó là sự thật.
Họ sẽ nhầm.
Đúng là 18 tháng qua, kình ngư vĩ đại nhất trong lịch sử đã gặp khó khăn trong nỗ lực tìm vé tham dự Olympic lần thứ năm. Vụ bắt giữ vào ngày 30/9 năm ngoái và sau đó là sáu tháng bị cấm thi đấu chỉ là một phần câu chuyện. Một phần khác là anh cũng không còn giữ được phong độ từng giúp anh giành tới 22 huy chương Olympic, trong đó có đến 18 huy chương vàng.
Thế nên, nếu câu chuyện không tưởng này kết thúc với hình ảnh thường thấy của Phelps trên bục huy chương, những người hiểu anh nhất sẽ nhìn lại vài ngày qua tại San Antonio, Texas như là bước ngoặt quyết định. Không phải vì Phelps, người đã lớn lên tại Rodgers Forge và mới kỷ niệm sinh nhật thứ 30 hồi cuối tháng 6 vừa qua, giành ba huy chương ở giải Phillips 66 National Championships bởi anh chắc chắn sẽ thành công khi phần lớn thành viên của đội tuyển Mỹ có mặt tại Nga và tham dự giải vô địch thế giới (Phelps vắng mặt vì án phạt 6 tháng).
Đúng hơn là lần đầu tiên kể từ thời điểm rút lại quyết định giã từ đường đua xanh vào mùa xuân năm 2014, Phelps đã giành được vị trí quen thuộc của anh như là kình ngư xuất sắc nhất thế giới (Katie Ledecky của nữ đang được nhắc đến nhiều hơn sau khi cô giành năm huy chương vàng ở giải thế giới từ các nội dung 200m đến 1.500m). Nói vậy bởi ở những nội dung dự kiến anh sẽ thi đấu tại Olympic - 200m bướm, 100m bướm và 200m hỗn hợp - Phelps đạt thành tích tốt nhất thế giới trong năm 2015. Thậm chí, anh còn đạt thành tích cá nhân tốt nhất ở nội dung 200m ếch vốn không phải là sở trường của mình.
Bob Bowman, HLV của Phelps nhiều năm qua và từng nói anh không còn bơi tốt như năm 2008, thời điểm anh giành tám huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh, cũng đã phải thốt lên “một hình ảnh hồi tưởng lại những ngày hoàng kim” sau khi chứng kiến Phelps chuẩn bị kết thúc nội dung 200m ếch.
Với Bowman, giải vô địch quốc gia Mỹ là nơi Phelps cần cho thấy kết quả như thế nào sau một quá trình luyện tập gian khổ. Và điều khiến ông, cũng như tất cả, bất ngờ là “viên đạn Baltimore” còn làm tốt hơn những gì ông chờ đợi. Tốt đến mức Bowman không ngần ngại cho các phóng viên ở Baltimore biết rằng ông đã điều chỉnh lại mục tiêu cho Phelps trong năm 2016. Nghĩa là Phelps giờ có thể bơi nhanh hơn cả năm 2008 và anh có cơ sở để nâng số huy chương Olympic qua con số 22.
Trong khi đó, cựu huy chương vàng Olympic là Mel Stewart trên website nổi tiếng của ông là SwimSwam đã đưa những dự đoán lạc quan về thành tích của Phelps ở San Antonio. “Anh ấy thậm chí còn nhanh hơn,” Stewart bình luận. “Khi mọi người nhìn thấy con số 1:52 hiện lên trên bảng điện tử ở nội dung 200m bướm, tất cả đều há hốc mồm. Giống như thể, ‘Anh đang đùa tôi đấy à?’ ”
Theo Stewart, Phelp có thể lập một hoặc hai kỷ lục thế giới khác. “2016 sẽ thuộc về Michael Phelps,” Stewart nói. “Chúng ta có thể được thấy một Phelps xuất sắc nhất và tôi không thể tin là mình lại nói vậy.”
Chìa khóa thành công, như Bowman tiết lộ, là Phelps vẫn tiếp tục tập luyện qua mùa thu và mùa đông để chuẩn bị cho đợt kiểm tra thành tích Olympic vào tháng 6 năm sau. Ở đây, mùa thu thường là thời điểm các kình ngư nghỉ ngơi và như Phelps cho biết, anh đã không luyện tập trong giai đoạn này kể từ năm 2007.
Còn theo Bowman, một VĐV muốn lập kỷ lục ở Olympic cần phải bơi thường xuyên để duy trì phong độ. Ở trường hợp của Phelps, mùa đông sẽ là cơ hội cho anh thử sức trong hệ thống giải Arena Pro Swim Series tại Minneapolis từ ngày 12 đến 14/11 và tại Austin, Texas từ ngày 15 đến 17/1.
Cuộc chiến Ali-Frazier
Nếu nhìn từ San Antonio, Phelps đã giành huy chương vàng ở nội dung 200m bướm với thời gian 1 phút, 52,94 giây. Đây là thành tích tốt nhất của anh kể từ năm 2009. Phản ứng mà Phelps cho thấy có thể hiểu được tại sao bởi còn hơn một chiến thắng tại giải vô địch quốc gia, anh đã xóa đi nỗi sợ của bản thân về việc anh có thể không bao giờ trở thành một nhà vô địch thế giới nữa. Tuy nhiên, một năm luyện tập cuối cùng đã đưa anh trở về đúng vị trí quen thuộc của anh.
Còn ở nội dung 100m bướm, Phelps cũng đã kịp châm ngòi cho một cuộc chiến giữa anh và VĐV người Nam Phi là Chad le Clos. Cuộc chiến này được bắt đầu ở Kazan, Nga, nơi Le Clos, người từng đánh bại Phelps ở nội dung 200m bướm tại Olympic London 2012, giành chức vô địch thế giới với thành tích 50,56 giây.
Luôn tỏ ra tự tin, Le Clos đã có những phát biểu đầy tính khiêu khích sau đó từ Kazan. “Michael Phelps có nói rằng các nội dung bơi bướm đã chậm lại trong thời gian gần đây. Còn tôi vừa đạt thành tích mà anh ta đã không đạt được trong bốn năm qua. Vì thế, anh ta có thể im mồm được rồi.”
Tám tiếng sau, Phelps xuống nước ở nội dung tương tự tại giải vô địch Mỹ ở Texas. Sau khi đạt thành tích 50,45 giây, nhanh hơn gần một giây khi anh giành huy chương vàng tại Olympic London 2012, anh đã đáp lại đối thủ trẻ hơn mình tới bảy tuổi. “Tôi đã nhìn thời gian,” Phelps nói. “Tôi cũng đã thấy sự khác biệt.”
11 tháng trước Olympic Rio, kình ngư vĩ đại nhất đã trở lại và kèm theo đó là lời thách thức tới tất cả, trong đấy có Le Clos, người từng xem Phelps như là thần tượng của mình. “Năm sau sẽ là Muhammad Ali-Joe Frazier,” Le Clos đã tuyên bố như vậy.
Chắc chắn là như thế, dù trước Phelps, thần tượng của anh là Ian Thorpe đã hai lần rút lại tuyên bố giải nghệ và đều thất bại. Không nói gì đến bơi, mọi cuộc trở lại trong thể thao đều tiềm ẩn nguy cơ phá hỏng danh tiếng của bất cứ ngôi sao nào. Khác biệt là Phelps trở lại là chính anh không chỉ nhờ 12 tháng ngâm mình dưới nước mà còn vì ở thời điểm này, anh cần bơi hơn là môn thể thao này cần anh.
Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags